THƯƠNG TRẺ EM VÙNG CAO
Thương trẻ em quê mình còn nhiều thiệt thòi, thiếu miếng ngon nên chị Nguyễn Thúy An (32 tuổi, ngụ Đắk Lắk) thường xuyên nấu bữa ăn có thịt, rau củ bổ dưỡng cho những em nhỏ người dân tộc thiểu số tại các huyện như: Ea Kar, M'Đrăk (Đắk Lắk)… Theo lời chị An, đặc điểm đời sống của người dân nơi cô sinh sống là kết hôn sớm, ít ruộng, đi làm thuê. "Tài sản đắt giá cũng chỉ có một căn nhà thấp bên trong có cái bếp, chiếc giường cũ kỹ và không đóng cửa khi đi vắng vì chẳng có gì quý giá", chị nói.
Chị An kể có lần đến buôn M'Um (H.Ea Kar), cách nhà chị khoảng 20 km, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào rừng để kiếm thuốc bán, một số thì đi làm thuê, mỗi ngày thu nhập được hơn 100.000 đồng. Điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nên có khi cả tháng bữa ăn của các em không được miếng thịt nào.
Thương cảm những đứa trẻ, chị An đã nấu cả trăm suất ăn có thịt cho các em. Chị cho biết nấu ăn đã cực nhọc, nhưng đưa suất ăn đến các em càng vất vả hơn, vì đường đi trơn trượt, "ổ gà", "ổ voi". Để di chuyển lên các bản cách nhà 20 km, 50 km phải đi xe máy. "Có hôm chạy xe vấp phải "ổ voi" khiến mình bị tung rớt xuống xe, hay ôm những túi thực phẩm đến nơi thì tay tê mất cảm giác. Tuy vậy, mình thấy những điều này rất bình thường. Cái điều mà mình lo là không biết các em có tới đầy đủ để nhận cơm hay không, vì mỗi nhà cách nhau một cái rẫy, con suối", chị nói.
Có khi chị An đến các bản để nấu ăn ngoài trời, vì vậy hôm nào trời mưa thì lại thêm phần vất vả. Chi phí nấu ăn có phần đóng góp của các anh chị ở gần xa khi xem các video của chị đăng trên mạng xã hội. Mỗi đợt nấu ăn cho các em, chị chỉ nhận tấm lòng của 10 - 15 người, khi nấu xong phần của ai chị đều thông báo chi phí mua từng bịch muối, cân đường… "Làm thiện nguyện là việc tốt, đến từ tâm nhưng tiền bạc thì phải minh bạch, công khai rõ ràng", chị An chia sẻ.
ĐẾN VỚI NHỮNG ĐỨA TRẺ CHƯA BAO GIỜ GẶP NGƯỜI LẠ
Nhớ lại những hành trình gieo điều tử tế cho các em nhỏ dân tộc thiểu số, vùng cao, chị Trần Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ươm mầm ước mơ, kể lại đầy xúc động: "Đó là chuyến thiện nguyện tại điểm Trường Trung Phìn (xã Sinh Long, H.Na Hang, Tuyên Quang) với 40 học sinh và 30 hộ dân thuộc dân tộc Mông và Dao. Đây là điểm trường rất khó khăn trong việc đi lại vì chưa có đường lớn, chưa có điện và sóng điện thoại…".
"Thực sự con đường rất trơn trượt, 14 km trong đó có 7 km đường rừng trơn trượt. Gần một ngày trời để di chuyển đến địa điểm mà ai cũng hoảng sợ vì có rắn, vắt, muỗi, kiến rừng... Trước mắt chúng tôi là ngôi trường gỗ sập sệ, các em nhỏ đang chơi tại đó, chân tay chúng nứt nẻ, rét căm mà chỉ mặc manh áo cộc, nhìn mấy các em mà không kìm được nước mắt. Khi thấy chúng tôi, các em nhỏ hoảng sợ bỏ chạy vì trước giờ ít tiếp xúc với người ngoài bản, các em như sống ở một thế giới tách biệt. Tối nằm ngủ tại nhà trưởng bản mà lạnh thấu da thịt, nước tại đây cảm tưởng như nước đá vậy", chị Phương kể lại.
Sau khi đi khảo sát, chị Phương không những không nản lòng mà còn động viên bà con, các em nhỏ ở bản cùng lời hứa sẽ quay lại. Ngày 28 tết, chị Phương và các cộng sự đã quay lại với tình yêu thương, trên vai là những cân thịt, thúng lá gói bánh chưng, thùng mì, gạo, áo ấm cho trẻ em…
Trong suốt 7 năm qua, CLB đã thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện tại vùng cao của một số tỉnh, như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cao, Quảng Trị… bằng hình thức quyên góp, tổ chức các hoạt động.
Dịp Quốc tế Thiếu nhi (1.6) năm nay, CLB thực hiện chương trình "Ngày hội của bé" tại bản Lùng Cao, xã Giáp Trung, H.Bắc Mê, Hà Giang, tổ chức đêm văn nghệ giao lưu cho bà con và các em nhỏ chơi trò chơi. Trao quà cho 144 học sinh mầm non và tiểu học tại bản Lùng Cao, tặng 15 đèn năng lượng mặt trời cho 15 hộ dân trong bản vì chưa có điện, tặng dây dẫn nước và đèn năng lượng mặt trời cho điểm Trường Lùng Cao và Nhà văn hóa bản Lùng Cao…
Bình luận (0)