Những bước chân lịch sử của Tổng thống Trump

01/07/2019 07:45 GMT+7

Cuộc gặp bất ngờ tại Khu phi quân sự liên Triều tạo cú hích mới cho tiến trình đàm phán về giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chiều 30.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua đường phân giới quân sự (MDL) tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để tiến vào phía do CHDCND Triều Tiên kiểm soát, trở thành lãnh đạo Mỹ đầu tiên đặt chân vào lãnh thổ nước này, theo AFP. Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng hôm 29.6 bất ngờ bày tỏ ý muốn gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ nhưng đến sáng qua vẫn chưa có thông tin chính thức. Phải đến trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul vào trưa 30.6, các bên mới xác nhận về cuộc gặp.
“Tổng thống Trump vừa bước qua đường phân giới. Điều đó khiến ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm đất nước chúng tôi. Đây là một biểu hiện của việc sẵn sàng xóa bỏ quá khứ và mở ra tương lai mới”, Chủ tịch Kim nói khi đón nhà lãnh đạo Mỹ. “Thật vinh dự cho tôi khi đến đây. Tôi tự hào khi bước qua đường phân giới này để vào Triều Tiên. Đây là một ngày tuyệt vời cho thế giới”, Tổng thống Trump đáp lời rồi đi khoảng 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên để bắt tay và chụp ảnh cùng Chủ tịch Kim.

[VIDEO] Khoảnh khắc lịch sử: Tổng thống Trump bước chân vào Triều Tiên, bắt tay Chủ tịch Kim Jong-un

“Gặp nhau bất kỳ lúc nào”

Theo CNN, 2 nhà lãnh đạo sau đó cùng trở lại phía do Hàn Quốc kiểm soát và gặp Tổng thống Moon trước khi 3 bên bước vào Nhà Tự do, địa điểm thường diễn ra các cuộc gặp liên Triều. Trên đường đi, Tổng thống Trump bất ngờ mời lãnh đạo Triều Tiên thăm Nhà Trắng. Ngược lại, Chủ tịch Kim cũng mời Tổng thống Mỹ đến Bình Nhưỡng “vào thời điểm thích hợp”. Lãnh đạo Mỹ, Hàn, Triều gặp nhau 3 bên trước khi ông Moon để ông Kim và ông Trump tiếp tục thảo luận. Chủ tịch Kim cho biết ông “bất ngờ” vì lời mời của Tổng thống Trump trên Twitter vào ngày hôm trước. “Đến trưa tôi mới có thể xác nhận lời mời của ngài. Cơ hội để tôi gặp ngài ở đây là rất quan trọng”, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh.
Những bước chân lịch sử  của Tổng thống Trump

Lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên rời Nhà Tự do sau cuộc gặp

Tổng thống Trump cảm ơn Chủ tịch Kim một lần nữa vì đã nhận lời mời và nói thêm: “Đây là khoảnh khắc lịch sử và tôi cho rằng mối quan hệ giữa chúng ta đã phát triển, có ý nghĩa lớn đối với rất nhiều người”. Sau cuộc trao đổi kín kéo dài khoảng
50 phút, Tổng thống Trump cùng Tổng thống Moon tiễn Chủ tịch Kim về phía Triều Tiên. Trên đường về, Chủ tịch Kim nói: “Điều quan trọng là kể từ nay chúng ta sẽ có thể gặp nhau vào bất cứ thời điểm nào. Tôi cho rằng cuộc gặp hôm nay đã gửi tín hiệu cho thấy điều đó”.

Triển vọng đàm phán

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh về “một ngày tuyệt vời và lịch sử”. “Chúng tôi không vội mà muốn xem liệu có thể đạt một thỏa thuận toàn diện và tốt đẹp hay không. Nhiều vấn đề đã đạt được”, nhà lãnh đạo khẳng định và nói thêm hai bên đã đạt được hòa bình trong thời gian qua mà “không cần ký kết gì”. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ thông báo nước này và Triều Tiên nhất trí về việc tiếp tục đàm phán.
Theo giới quan sát, dù tiến trình đàm phán chững lại sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội hồi tháng 2 nhưng đã có dấu hiệu tích cực khi hai bên thể hiện rõ thiện chí tiếp tục đối thoại. Ban đầu, Tổng thống Trump cho hay ông chỉ dự kiến “bắt tay và chào hỏi khoảng 2 phút” với Chủ tịch Kim nhưng cuối cùng 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận gần 1 giờ đồng hồ. Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhắc lại: “Chúng tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời ở VN, mọi người không nhận thấy điều đó. Đó là một phần của quá trình đàm phán”.
Bình luận trên CNN, cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun cho rằng Tổng thống Trump “bắt đầu hiểu rằng vấn đề hạt nhân đòi hỏi nỗ lực lâu dài” và không thể hoàn thành trong nhiệm kỳ hiện tại. Mặt khác, tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia Sue Mi Terry nhận định quá trình giải giới hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiến triển nếu Tổng thống Trump chấp nhận thỏa thuận một phần, chẳng hạn như Bình Nhưỡng tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân để đổi lại bỏ bớt cấm vận.

Phát ngôn viên Nhà Trắng bị bầm tím

Theo nhà báo Jim Acosta của CNN, quyền phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham bị “bầm dập” khi chen lấn cùng các phóng viên để vào căn phòng nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim gặp nhau chiều 30.6. Sự cố xảy ra khi các phóng viên Nhà Trắng và Triều Tiên tranh nhau vào phòng họp ở DMZ, còn bà Grisham cố gắng ổn định tình hình. Sau đó, nữ phát ngôn viên lấy lại bình tĩnh và hướng dẫn các phóng viên vào khu vực tác nghiệp. Đây là lần đầu tiên bà Grisham tháp tùng Tổng thống Trump công du nước ngoài kể từ khi được bổ nhiệm thay thế phát ngôn viên Sarah Sanders thông báo từ chức hồi giữa tháng 6.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.