“Nhớ mang theo áo ấm, áo mưa tiện lợi, đèn pin và sạc dự phòng. Chúng tôi cho mượn đôi ủng. Nơi đây 5 không: không điện lưới, không sóng điện thoại, không nước sạch, không nhà vệ sinh, không ở hợp pháp (do phá rừng làm nương rẫy)”, dòng tin nhắn của bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm y tế H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cảnh báo PV Thanh Niên khi có ý định vào cụm 12, xã Đắk R’măng, H.Đắk G’Long - nơi người H’mông sinh sống và có 3 ca bạch hầu và cũng là nơi xa nhất huyện này tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng.
Có chút lo lắng, nhưng chúng tôi vẫn muốn đi. Chuyến đi bão táp ngày 16.7 của PV Thanh Niên bắt đầu con đường phía trước mặt sình lầy, đèo dốc, xa hun hút. Dừng chân ở quán nước giữa đường, chúng tôi hội ngộ cùng các cán bộ y tế vào cụm 12. Trên yên xe người chở ba lô đồ, gạo, người chở thùng vắc xin và một con gà treo lủng lẳng phía trước. 3 cán bộ y tế đi tiêm phòng bạch hầu nhiều ngày nhưng chỉ có một con gà là thức ăn. Và thực tế bữa ăn chủ yếu là rau rừng, mì tôm và cơm như người bản địa. Anh Phạm Anh Trà, Trưởng trạm y tế xã Đăk R’măng, là một thí dụ điển hình của sự hy sinh, cống hiến.
Anh thuộc từng con đường trên núi dẫn đến từng nhà người H’mông ở các làng bản như lòng bàn tay vậy. Anh giao tiếp, ứng xử với bà con đồng bào H’mông thân thiện, nhưng cũng đầy mệnh lệnh khiến ai cũng nghe lời tiêm vắc xin phòng bạch hầu răm rắp. Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh nhận xét anh Trà là cán bộ y tế rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc.
Anh được đồng nghiệp và cán bộ lãnh đạo chính quyền tin tưởng, bà con nhân dân yêu mến; là 1 trong 5 gương tiêu biểu ngành y tế tỉnh Đắk Nông năm vừa qua. Mặc dù trung tâm y tế huyện đã quy hoạch và điều động anh về, nhưng chính quyền xã chưa đồng ý vì công việc anh làm ở đây quá tốt, khó ai có thể lấp vào được. Ở nơi mà bệnh tật, sống chết vẫn theo quan niệm “chọn lọc tự nhiên” và điều kiện sinh hoạt quá khó khăn thì cần lắm những bước chân băng rừng, lội suối với tấm lòng nhiệt huyết như anh Trà.
Bình luận (0)