Những bước đi mới của chính quyền Biden

09/04/2021 07:30 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục loạt động thái mới để hiện thực hóa các cam kết đối ngoại, trong đó thay đổi nhiều chính sách thời người tiền nhiệm.

Sau hơn 2 tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đang có các bước đi đối ngoại rõ ràng và cụ thể hơn so với vài tuần đầu tiên, khi chính quyền chỉ mới định hướng chung về chính sách ngoại giao.
Theo giới phân tích, những động thái mới của Washington cho thấy sự tương phản với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump đối với khu vực Trung Đông, nhưng lại mang nhiều nét tương đồng trong chính sách đối với Trung Quốc cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ chọn bước trước Iran

Reuters hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Mỹ chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran, nhằm tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) do nước này ký với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Dưới chính quyền tiền nhiệm, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận, đồng thời tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran. Điều này kéo theo việc Iran rút dần khỏi thỏa thuận và làm giàu uranium, khiến Trung Đông lo ngại Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, dù Tehran luôn bác bỏ điều này.
Các nhà ngoại giao phương Tây đã gặp riêng với Iran và Mỹ vào ngày 7.4 để thảo luận, do Iran không đồng ý gặp trực tiếp phía Mỹ. Nhiều bên hy vọng vào kết quả lạc quan trước kỳ bầu cử tổng thống Iran vào ngày 18.6. AFP dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng “một chương mới vừa mở ra” và sẽ có thể đàm phán nếu Mỹ thể hiện sự chân thành.

Mỹ khẳng định cam kết "vững chắc" với Đài Loan giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức ép

Trong khi đó, ông Price cho hay Mỹ tin rằng cuộc thảo luận “là một diễn đàn mang tính xây dựng”. Chuyên gia Joseph Cirincione tại Viện Quincy về quản lý nhà nước có trách nhiệm (Mỹ) cho rằng việc đàm phán để quay trở lại thỏa thuận sẽ khó khăn vì không bên nào muốn tỏ ra yếu thế, nhưng các dấu hiệu ban đầu tỏ ra rất lạc quan.
Cũng tại Trung Đông, Mỹ vừa cam kết sẽ rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu còn lại ở Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein họp trực tuyến vào ngày 7.4 và đồng ý rằng các lực lượng Iraq sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn. Theo thông cáo chung đưa ra sau cuộc gặp, hai bên xác nhận rằng lực lượng Mỹ và liên quân giờ đây sẽ chuyển sang tập trung vào các nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn, cho phép Mỹ rút các lực lượng chiến đấu còn lại ở Iraq, với thời gian cụ thể sẽ được đưa ra tại các cuộc đối thoại kỹ thuật sắp tới.
Một động thái khác ở Trung Đông đảo ngược chính sách thời ông Trump là việc Mỹ thông báo sẽ khôi phục khoản viện trợ trị giá 235 triệu USD cho người Palestine. AFP dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden xác nhận rằng “Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với xung đột Israel - Palestine”. Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric hoan nghênh động thái của Mỹ, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cho rằng Mỹ “đã gửi tín hiệu đúng” giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cứng rắn với Trung Quốc

Trong khi đó tại châu Á, chính sách của Tổng thống Biden lại có nhiều điểm tương đồng khi tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Hãng AFP hôm qua đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc về những động thái mà Philippines và Đài Loan xem là hành động ngày càng gây hấn, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Washington đối với các đối tác và đồng minh trong khu vực.
“Một cuộc tấn công chống lại các lực lượng vũ trang hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của chúng tôi theo Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ Mỹ - Philippines”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
Ông Price cho biết Mỹ chia sẻ mối quan ngại về việc Trung Quốc điều động hàng trăm tàu dân binh đến gần đá Ba Đầu (tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông). Bên cạnh đó, phát ngôn viên này bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự quanh Đài Loan trong thời gian gần đây.
“Mỹ duy trì năng lực chống lại bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực hoặc những hình thức cưỡng ép khác đe dọa an ninh hoặc hệ thống kinh tế xã hội của người dân Đài Loan”, ông Price nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ các đồng minh và tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Trump.
Sẵn sàng ngoại giao với Triều Tiên
Yonhap ngày 8.4 dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ sẵn sàng có các hoạt động ngoại giao với CHDCND Triều Tiên nếu điều này dẫn đến giải giới hạt nhân trên bán đảo. “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về Triều Tiên, đó là giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi các lệnh cấm vận. Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác”, bà Psaki cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.