Những bước ngoặt lịch sử

27/10/2019 14:42 GMT+7

15 năm trước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày Doanh nhân Việt Nam .

Quyết định này đã mở ra một trang mới cho lịch sử kinh tế Việt Nam, thừa nhận doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Mở lại lịch sử, hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13.10.1945, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh: "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công thương Cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”. Tuy nhiên vì nhiều lý do, tinh thần khuyến công khuyến thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được thực hiện dù đóng góp của các thương nhân, doanh nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế của đất nước là rất lớn. Sau quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2004, tinh thần này đã chính thức được tiếp nối, được khơi dậy.
15 năm qua, vai trò, vị trí, trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân ngày càng được khẳng định. Nếu như trước đây, người dân chỉ được kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép, thì hiện nay, người dân được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm. Có thể thấy, quyền tự do kinh doanh của khu vực tư nhân đã được mở rộng khá nhiều. Tương tự, từ vị trí "một bộ phận hợp thành quan trọng" thì năm 2017, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng trong nền kinh tế tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 5 của BCH T.Ư Đảng khóa XII. Ngay tại lúc này, cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực doanh nghiệp với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh và lấy doanh nghiệp là mục tiêu, là trung tâm của các cơ chế, chính sách.
Những bước ngoặt lịch sử về chính sách đã mang lại những thành quả không hề nhỏ. Lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào những lĩnh vực chỉ dành riêng cho nhà nước như hàng không, xăng dầu, năng lượng... Lần đầu tiên, Việt Nam có các tỉ phú USD được thế giới vinh danh. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện có gần 600.000 đơn vị và đang tiến tới 1 triệu doanh nghiệp qua chương trình quốc gia khởi nghiệp phát động hơn 2 năm qua... Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, ngày càng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Để một quốc gia thịnh vượng, cần một đội ngũ doanh nhân Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực. Muốn có một đội ngũ doanh nhân Việt như vậy, cần có một môi trường kinh doanh và một hệ thống luật pháp, chính sách bình đẳng, công bằng, minh bạch. Đó cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhân kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, cũng là năm Việt Nam ký nhiều hiệp định quan trọng, hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.