Những bước tiến xa hoa của hàng không

06/09/2015 05:50 GMT+7

Nếu vé hạng thương gia đã là quá đắt với phần lớn khách hàng đi máy bay, thì vé hạng nhất lại còn là một đẳng cấp xa hoa hơn nữa và có từ cách đây rất nhiều năm.

Nếu vé hạng thương gia đã là quá đắt với phần lớn khách hàng đi máy bay, thì vé hạng nhất lại còn là một đẳng cấp xa hoa hơn nữa và có từ cách đây rất nhiều năm.

Ghế hạng nhất của British Airways qua các thời kỳ (hàng trên từ trái qua: 1960, 1995; hàng dưới: 1998 và hiện nay - Ảnh: The Telegraph
Ghế hạng nhất của British Airways qua các thời kỳ (hàng trên từ trái qua: 1960, 1995;
hàng dưới: 1998 và hiện nay - Ảnh: The Telegraph
Theo phân hạng của các hãng hàng không, dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng tựu chung có các hạng vé sau với độ sang trọng tăng dần: phổ thông (Economy), thương gia (Business) và hạng nhất (First). Gần đây, một số hãng hàng không như Singapore Airlines, British Airways có hạng ghế phổ thông cao cấp (Premium Economy) được xem là nằm giữa hạng phổ thông và thương gia.
Ngày càng đẳng cấp
Thực tế, tiêu chuẩn để phân biệt các hạng vé chưa thực sự rõ ràng, mà chỉ thể hiện chung chung là hạng ghế sang hơn thì ghế phải rộng hơn, nhiều tiện nghi hơn. Dù chưa rõ ràng nhưng các hãng hàng không chẳng hề “gian lận” tiêu chuẩn của hạng nhất, mà ngược lại còn nỗ lực trang bị tiêu chuẩn xa hoa hơn các đối thủ. Vì thế, tiêu chuẩn ghế hạng nhất ngày càng được nâng cao cả về tiện nghi lẫn dịch vụ kèm theo. Điển hình cho điều này chính là những bước phát triển về ghế hạng nhất của hãng British Airways.
Theo The Telegraph, năm 1949, Hãng hàng không hải ngoại Anh (BOAC - tạm xem là tiền thân của British Airways) giới thiệu loại chỗ ngồi hạng nhất. Tuy nhiên, với những hạn chế về công nghệ thời bấy giờ, ưu thế của hạng ghế này chủ yếu tập trung vào chất lượng dịch vụ, khi hành khách được phục vụ bữa ăn đến 6 món. Tất nhiên, ghế ngồi cũng rộng và có độ ngả lưng lớn hơn các loại ghế khác.
Đến thập niên 1960, độ tiện ích của ghế hạng nhất được nâng cao hơn nữa và cải tiến về hệ thống máy lạnh. Vào năm 1981, Bristish Airways tạo dấu ấn lớn khi trang bị tai nghe Sony “cực xịn” lúc bấy giờ để hành khách đi vé hạng nhất thưởng thức âm nhạc chất lượng cao. Tiếp đó, vào năm 1995, Bristish Airways đã nâng cấp gần như hoàn toàn tiêu chuẩn vé hạng nhất khi cung cấp loại ghế có thể bật thành giường với chiều dài xấp xỉ 2 m.
Kể từ đây, ghế có khả năng bật thành giường và bề ngang rộng rãi dần trở thành tiêu chuẩn tất yếu cho ghế hạng nhất. Không những thế, hiện tại, ghế hạng nhất không chỉ dài và rộng, mà còn phải tích hợp nhiều tiện ích quan trọng như: kết nối wifi, màn hình LCD cỡ lớn, hệ thống đèn đọc sách cá nhân, nguồn sạc điện cho thiết bị di động... Đặc biệt, phần lớn các hãng hàng không còn tạo thiết kế khoang hạng nhất có vách ngăn để tạo không gian riêng cho hành khách.
Những phiên bản “siêu hạng nhất”
Cuộc “chạy đua” cung cấp các loại ghế hạng nhất ngày càng sôi động khi nhiều hãng hàng không tung ra nhiều phiên bản cao cấp hơn nữa, với nhiều tên gọi khác nhau, trong đó tên gọi phổ biến là hạng Suite. Nổi bật như trên dòng máy bay Airbus A380 của Singapore Airlines có hạng Suite với buồng riêng, trang bị 1 ghế ngồi với bàn ăn và ghế ngồi nhỏ đối diện để ăn cùng người khác, kèm màn hình LCD cỡ lớn. Đặc biệt, một tấm nệm được ốp trên vách có thể bật xuống để trở thành chiếc giường đơn và 2 buồng kế nhau có thể ghép lại để thành một giường đôi dành cho 2 người.
Sang trọng nhất hiện nay phải kể đến hạng Residence của Hãng Etihad khi thiết kế hẳn một căn hộ riêng cho khách mua vé hạng này. Căn hộ gồm phòng ngủ có một giường đôi, phòng tắm và phòng giải trí. Phòng tắm thì có cả buồng tắm đứng, còn phòng giải trí đủ chỗ cho 4 người, giải trí với màn hình LCD rộng 32 inch và hệ thống âm thanh hiện đại. Etihad còn có hạng First Apartment ít tiện nghi hơn Residence nhưng cao cấp hơn hạng nhất. Hạng First Apartment được thiết kế một khoang riêng với ghế sô pha, kèm theo một giường đơn sang trọng, màn hình LCD 24 inch, quầy nước...
Chính nhờ những bước tiến nhanh về mức độ xa hoa của các hạng vé hàng không cao cấp, giờ đây, nhiều người không cần sở hữu máy bay riêng nhưng vẫn có thể mua vé để tận hưởng những chuyến bay đầy tiện nghi không hề thua kém chuyên cơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.