Hòa vào sức sống của thiên nhiên và làm cho mảnh đất ấy ngày một đổi thay chính là hình ảnh của những người đưa đò thầm lặng đang ngày đêm cống hiến, chăm lo bồi đắp kiến thức đối với các thế hệ học trò. Trong số những thầy, cô giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục miền núi ấy, trong tôi có một ấn tượng vô cùng đặc biệt với cô giáo Nguyễn Thanh Bình - giáo viên trường THPT Chu Văn Thịnh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Không chỉ tận tâm với nghề, tận tụy với học trò trong từng bài giảng mà ở cô Bình còn có một “việc làm đẹp”, với những tiết học sáng tạo mà chúng tôi gọi đùa đó là những “giờ học của một tuyên truyền viên tình nguyện không lương”.
Từ một tuyên truyền viên tình nguyện
Giảng dạy tại ngôi trường có tới 96% học sinh là người dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Xinh Mun, Khơ Mú, Lô Lô…, các thế hệ học sinh lớp cô Bình chủ nhiệm đa phần sinh sống tại những xã vùng sâu, vùng xa, việc đi lại cực kỳ khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của bà con dân tộc nơi đây còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học còn rất cao.
Nhiều năm công tác tại một ngôi trường với đầy rẫy những khó khăn vất vả như vậy đã khiến cô Bình có nhiều trăn trở, để rồi từ đó, đã thúc đẩy cô đi đến quyết định: tổ chức những buổi tuyên truyền trong gần 5 năm qua và như cô nói: “ Tôi mới dần tìm ra được hướng đi đúng có phần khắc phục khá tốt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”. Thế là những giờ học tự phát từ cái tâm của một người thầy đã được thực hiện đều đặn mỗi tuần một buổi chiều khi không có lịch học chính khóa.
Gần 20 năm đứng lớp, cô nhận thấy tình trạng bỏ học để ở nhà lao động hay nạn tảo hôn là một bài toán nan giải đối với học trò miền núi. Nguyên nhân chính cũng chỉ vì cái đói cái nghèo và trình độ dân trí của các bậc phụ huynh. Trong 5 năm qua, cô Bình đã thống nhất với các học sinh nữ của lớp mà cô chủ nhiệm là hàng tuần sẽ có một buổi chiều “họp hội nữ sinh” với rất nhiều chủ đề. Trong các buổi họp nữ sinh ấy có buổi cô tuyên truyền về “tác hại của tảo hôn, lấy chồng sớm”. Cô sưu tầm những video về vấn đề tảo hôn của học sinh vùng cao, tuyên truyền về chủ đề “Phụ nữ làm kinh tế giỏi, tự lập không phụ thuộc vào đàn ông"; sưu tầm những hình ảnh, bài viết, những điển hình hoặc tấm gương các khóa trước của trường vượt khó vươn lên trong học tập và hiện nay là sinh viên các trường chuyên nghiệp của tỉnh nhà hoặc đã đi làm… Có những buổi cô thuyết trình về chủ đề giới tính, vấn nạn nạo hút thai, quan hệ tình dục bừa bãi không an toàn và những hậu quả, tác hại...
Một trong những chủ đề mà cô Bình tuyên truyền, theo tôi, rất gần gũi thiết thực, đó chính là vấn đề “hôn nhân cận huyết thống”. Qua lời cô, nhiều học trò mới vỡ ra ý nghĩa cụm từ “hôn nhân cận huyết thống”. Hậu quả và hệ lụy của hôn nhân cận huyết chính là hình ảnh thực tế cô Bình đi sưu tầm: những đứa trẻ bị bệnh bạch tạng da trắng, tóc vàng..., điều mà trước đó ông bà, bố mẹ hoặc những người già trong bản thường nói: “o trong nhà có người phạm luật của ma rừng lên con cái của gia đình đó bị trừng phạt, phải cúng ma để tạ lỗi…”.
|
Đến những việc làm sáng tạo vì học trò
Với phương châm “lao động là vinh quang”, cô giáo Nguyễn Thanh Bình có những ý tưởng giải quyết vấn đề cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp mà cô chủ nhiệm cũng hết sức thấu tình đạt lý. Ví như lớp có bạn nào gia đình quá khó khăn ngoài tầm quyết định của cô, cô báo cáo lên nhà trường nhờ nhà trường có hướng chỉ đạo giúp đỡ. Sau đó, cô tham mưu với Đoàn thanh niên trường để phát động, tổ chức những buổi “lao động cộng sản” với sự tham gia của các học sinh trong trường để gây quỹ giúp đỡ các bạn khó khăn hơn mình, bởi như cô nói: “Bản thân các em học sinh cũng không có tiền để cho bạn. Chi bằng cả lớp đi lao động, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa có tiền giúp bạn…”. Còn những việc trong tầm tay có thể xử lý thì cô tổ chức lớp đến nhà lao động, thu hoạch mùa màng giúp gia đình bạn vào ngày chủ nhật… Cứ thế gần 5 năm qua, cô như một con ong thợ làm mật xây tổ, gửi trao yêu thương cho những “đứa con” học trò của mình.
Nhờ vào những việc làm nêu trên mà nhiều năm nay, lớp cô Bình chủ nhiệm không có tình trạng học sinh bỏ học và cô Bình cũng thường xuyên được Ban giám hiệu nhà trường tuyên dương, khen thưởng trước sự sáng tạo, linh hoạt trong công tác chủ nhiệm lớp của mình. Đồng thời, nhận thấy hiệu quả trong những việc làm của cô Bình, Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức buổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm của cô với Hội đồng sư phạm nhà trường để việc làm của cô được nhân rộng, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học.
Bất giác tôi nhớ tới lời cô giáo Nguyễn Thanh Bình từng tâm sự: “Hãy trao cho học trò tình yêu và cả tấm lòng, chắc chắn món quà thầy cô nhận được sẽ là một bầu trời hạnh phúc…”.
|
Bình luận (0)