Những cách để sinh viên chinh phục công ty 'Big 4'

11/07/2022 06:03 GMT+7

Trang bị kiến thức tài chính, kỹ năng giao tiếp, phân tích dữ liệu… là một trong rất nhiều điều kiện để sinh viên có thể chinh phục được công ty kiểm toán “Big 4”.

Nhận nhiệm vụ đối soát chi phí, kiểm tra chứng từ thu chi… ở câu lạc bộ, trường lớp để tiếp cận với nghề, học không ngừng và bắt đầu với vị trí thực tập sinh tại “Big 4” (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới gồm: PricewaterhouseCoopers (PwC), Deloitte, Ernst and Young (EY), KPMG) là những gì sinh viên nên trang bị nếu muốn chinh phục.

Những thông tin này diễn ra tại sự kiện hướng nghiệp dành cho sinh viên ngành kiểm toán mang tên The Audit Room do Youth+ HCM cùng câu lạc bộ Sinh viên kinh tế - ESCUTE (được bảo trợ chuyên môn từ Khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và đơn vị ICAEW (tổ chức nghề nghiệp hàng đầu thế giới) tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cuối tuần qua.

Đông đảo sinh viên tham gia chương trình

THANH DUNG

Thực tập sinh “Big 4” sẽ làm gì ?

Theo chia sẻ từ anh Đinh Tiên Hoàng, trợ lý cấp cao thuộc Công ty PwC Malaysia, thực tập sinh tại “Big 4” sẽ được phân công nhiệm vụ ở những đầu việc ít rủi ro về mặt thu chi, tiền bạc. Đa phần, thực tập sinh sẽ làm việc với chứng từ, đối chiếu và thu thập bằng chứng của các doanh nghiệp, công ty để xem có khớp với sổ sách của kế toán hay không.

“Việc kiểm soát toàn bộ thư xác nhận từ phía ngân hàng và đảm bảo dữ liệu phải hợp lý, trung thực sẽ phức tạp vì khách hàng của “Big 4” rất lớn và nhiều. Do đó, không đơn giản là đi thu thập bằng chứng mà còn liên quan đến giao tiếp với con người”, anh Hoàng giải thích.

Vì vậy, thực tập sinh tại “Big 4” cũng sẽ có khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm cả việc gặp gỡ và trao đổi với khách hàng. “Do đó, mỗi thực tập sinh khi nhận nhiệm vụ phải tự tìm hiểu và nắm rõ quy trình, kỹ năng và kiến thức. Các bạn đừng ngại hỏi người hướng dẫn, điều gì không hiểu phải hỏi ngay, việc tự thực hiện và sai sót đôi khi sẽ mất thời gian xử lý cho đôi bên”, anh Hoàng nói thêm.

Tiêu chí trở thành nhân viên chính thức tại “Big 4” sẽ phụ thuộc vào thái độ làm việc nếu thực tập sinh chủ động và sẵn sàng hỗ trợ nhóm hoàn thành công việc, chỉn chu và tự tin khi gặp khách hàng...

Anh Nguyễn Chí Thành, Giám đốc điều hành, sáng lập Công ty MPLIFY Vietnam (giữa), chia sẻ trong chương trình

Bắt đầu từ những công việc nhỏ

Người kiểm toán sẽ có sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng đa dạng, đặc biệt là những mối quan hệ với doanh nghiệp, khách hàng cao cấp. Từ đó, nó tạo nên vẻ hào nhoáng ở công việc này. Tuy nhiên, khối lượng công việc khổng lồ vào mùa kiểm toán từ tháng 1 đến tháng 3 là một trong những lý do người trẻ bỏ nghề khi phải làm việc liên tục từ 14 - 16 tiếng/ngày.

Do đó, anh Nguyễn Chí Thành, Giám đốc điều hành, sáng lập Công ty MPLIFY Vietnam, cho rằng mỗi sinh viên nên tự đánh giá bản thân có phù hợp với công việc hay không. Từ đó, rèn luyện kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với yêu cầu từng công ty.

“Các bạn xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình nhưng đôi khi không nhất thiết phải cải thiện điểm yếu đó. Mạnh chỗ nào thì phát huy thế mạnh đó cho công việc, vị trí hợp lý”, anh Thành bày tỏ.

Anh Thành cho rằng sinh viên phải xác định bản thân muốn làm công việc gì để chú tâm học kiến thức về nó và tăng cường thực hành ở trường lớp, công ty thực tập để nâng cao tay nghề. Ngoài ra, thái độ tích cực sẽ gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.

“Đừng nghĩ đi làm là để học hay áp lực luôn phải học, mà hãy nghĩ mục tiêu đặt ra là mình mang được luồng gió gì mới đến cho doanh nghiệp đó”, anh khẳng định.

Theo anh Thành, kỹ năng cần thiết ở một kiểm toán viên sẽ gồm kỹ năng kết nối thông tin và phân tích dữ liệu, đặt câu hỏi, phỏng vấn… “Sinh viên có thể trải nghiệm công việc thông qua hoạt động sự kiện ở câu lạc bộ trường lớp, nhận nhiệm vụ đối soát chi phí, ghi nhận và kiểm tra chứng từ… Nếu có cơ hội, chọn một công ty và bắt đầu với vị trí kế toán”, anh Thành nói thêm.

Đào tạo tiếp cận với chuẩn mực quốc tế

Tiến sĩ Đàng Quang Vắng (Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nhận định chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuẩn mực kế toán, kiểm toán trên thế giới. Do đó, khoa đã định hướng và có lộ trình tổ chức đào tạo ngành kế toán theo xu hướng hội nhập, tiếp cận với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS).

Giảng viên trong khoa có chứng chỉ kiểm toán viên công chứng (CPA). Bên cạnh đó, nhà trường đã tuyển dụng giảng viên nước ngoài và mời chuyên gia cùng lĩnh vực cộng tác nghiên cứu và giảng dạy.

Khoa đang triển khai chương trình liên kết đào tạo Hiệp hội Kiểm toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Viện Kế toán công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW)...

“Chúng tôi làm việc với đại diện các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế để cùng kết hợp đào tạo sinh viên ngành kế toán. Sinh viên học một số khóa học trong chương trình tại trường sẽ được miễn giảm một số môn trong chương trình đào tạo, số môn còn lại sinh viên sẽ thi để được cấp chứng chỉ quốc tế. Nếu sinh viên chỉ học đơn thuần chuẩn mực kế toán Việt Nam mà không được tiếp cận với chuẩn mực hay chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế sẽ khiến các em thiệt thòi, ít cơ hội khi tìm việc ở công ty nước ngoài, đa quốc gia”, tiến sĩ Vắng chia sẻ.

Ngoài ra, khoa cũng mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo sinh viên ngay tại doanh nghiệp ở một số chuyên đề nếu họ đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện từ khoa, nhà trường. Đây là cách để sinh viên tiếp cận nhanh và gần hơn với thực tiễn.

“Các kỹ năng mềm từ viết hồ sơ xin việc, phỏng vấn, giao tiếp, quản trị thời gian... được chúng tôi mời các chuyên gia huấn luyện cho các em trong suốt thời gian học tại trường”, tiến sĩ Vắng nói thêm.

Hoàng Minh Hải (sinh viên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho hay để vào được “Big 4” khi chưa có kinh nghiệm thì ít nhất phải có kiến thức và kỹ năng vững như phân tích, xử lý dữ liệu, kỹ năng giao tiếp hoặc một số kiến thức về tài chính...

Nguyễn Duy Tân (sinh viên ngành kế toán) cho rằng phần chia sẻ từ diễn giả giúp mình nhận ra phải tốn rất nhiều thời gian để đạt được vị trí mà mình mong muốn. “Mình có thể hệ thống hóa được những chứng chỉ, mục tiêu cần có cho lộ trình học tập và làm việc về sau. Hơn thế, để theo đuổi con đường kiểm toán, bản thân phải thật nghiêm túc, kiên trì và có kế hoạch rõ ràng”, Tân bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.