Những cái 'còm' ngứa mắt

08/11/2015 07:45 GMT+7

Bình luận trên mạng xã hội cũng cần có nghệ thuật, nếu không cẩn thận dễ bị bảo là vô duyên.

Bình luận trên mạng xã hội cũng cần có nghệ thuật, nếu không cẩn thận dễ bị bảo là vô duyên.

Bình luận trên Facebook cũng 
cần có nghệ thuật - Ảnh: ShutterstockBình luận trên Facebook cũng cần có nghệ thuật - Ảnh: Shutterstock
Trên Facebook, thành viên Thế Khoa đăng tải nhận xét về một quán ăn vừa mở ở TP.HCM. Trong bài viết này có hình ảnh, địa chỉ rõ ràng. Ấy vậy mà phía dưới bài viết là hàng chục bình luận (comment): “Ăn ở đâu vậy anh ơi”, “Anh ơi cho địa chỉ quán đi anh ơi”, “Chỗ này là chỗ nào vậy”…
Việc không chịu đọc kỹ nội dung bài viết đã vội vã bình luận như trường hợp trên chỉ là một trong nhiều kiểu bình luận khiến người khác khó chịu.
Thành viên Anh Tú thì cho biết: “Có người đọc rất kỹ bài viết, nhưng bình luận thì hỡi ôi, vô cùng trớt quớt và vô duyên”. Người này dẫn chứng có lần đăng ảnh cùng người yêu lên trang cá nhân. Bên cạnh hàng trăm lượt like yêu thích, hàng trăm bạn bè chúc phúc cho hai người thì vẫn xuất hiện một vài bình luận “không thể vô duyên hơn”, như lời Anh Tú nói. “Họ vào bình luận: “Bao giờ hai đứa chia tay vậy”, “Để xem các bạn hạnh phúc được bao lâu”… Đọc mà buồn vô cùng”, thành viên này ta thán.
Câu chuyện của Anh Tú được nhiều người đồng cảm, vì cũng từng là nạn nhân. Thành viên Mai Vinh chia sẻ: “Mình đăng hình ảnh, trạng thái hoặc bình luận trả lời mà thể hiện tình yêu là sẽ có những người vào phá đám, trù ẻo: “Bao giờ chia tay”. Có thể họ chỉ đùa vui, nhưng bình luận như thế khiến người trong cuộc rất khó chịu”.
Trong danh sách dài đằng đẵng, tổng hợp những bình luận “ngứa mắt” nhất, vô duyên nhất còn có những kiểu bình luận như: sử dụng chức năng bình luận để quảng cáo, xin đường dẫn link, nói chuyện xúc phạm người khác…
“Mình ghét nhất những người vào trang cá nhân của người khác, xem nội dung trạng thái và sau đó văng tục chửi thề vô văn hóa để xúc phạm, miệt thị người khác. Rồi có người thấy hình ảnh của anh chàng nào đẹp trai, cô gái nào dễ thương là liên tục bình luận: cho xin link anh chàng đó với, ai làm ơn cho mình Facebook cô gái đó giúp…”, Quân Trần Anh nói.
Còn thành viên Tăng Nhật thì cho biết rất “dị ứng” kiểu bình luận để tranh thủ quảng cáo: “Vì trang cá nhân của mình có khá nhiều người theo dõi, nên mỗi khi đăng bài hay hình ảnh, không ít người vào bình luận bằng cách đăng hình ảnh sản phẩm, đường dẫn các cửa hàng online”…
Cũng tại những fan page này còn có cả hai kiểu bình luận khiến người khác vô cùng khó chịu là “xin lên top” (mong bình luận xuất hiện ở phía trên, được nhiều lượt like yêu thích, được nhiều người đọc - NV) và “fan điểm danh” (kêu gọi mọi người bấm like nếu có chung sở thích thần tượng ai đó). Nhiều thành viên ngao ngán: “Chẳng hiểu lên top, bình luận được nhiều like thì có ăn được không mà suốt ngày hết người này đến người khác xin xỏ, năn nỉ được lên top, muốn lên top…”.
Tương tự, kiểu bình luận “fan điểm danh” cũng khiến nhiều dân mạng bực bội. Theo thành viên Khanh Phan: “Có nhiều người rất vô duyên. Họ vào fan page của ca sĩ này mà kêu gọi người hâm mộ của ca sĩ khác. Kiểu như vào trang của Sơn Tùng M-TP, bỗng dưng bình luận: “Ai ghét Sơn Tùng M-TP thì điểm danh nào”, “Ai hâm mộ Ưng Hoàng Phúc điểm danh đi”…”.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Hội Tâm lý học xã hội VN, thừa nhận có thực trạng một bộ phận dân mạng mắc phải những lỗi khi bình luận tương tác với người khác. Như khi thấy ai đăng câu thơ hay, câu châm ngôn, bỗng dưng vào bình luận: “Nói thì dễ chứ làm thì khó lắm”. Hoặc có những người vào trang cá nhân người khác để “tám chuyện” một cách vô tư, bàn luận những điều không hề liên quan nội dung mà người khác đề cập. Lại có người tự tiện vào bình luận để tư vấn, trả lời các câu hỏi dù không được yêu cầu. Hay có nhiều dân mạng lại bình luận kiểu chê bai, đả kích thiếu thiện chí…
Ông An khuyên: “Bình luận cũng cần có nghệ thuật. Hãy sử dụng những ngôn ngữ lịch sự, bình luận đúng với chủ đề mà hình ảnh hoặc bài viết mà người khác đưa ra. Hạn chế bình luận bằng hình ảnh. Đừng bình luận chế giễu, xúc phạm ai đó. Và đừng khiến người khác khó chịu với những bình luận năn nỉ bấm like giúp, sử dụng để rao bán sản phẩm...”.
Bình luận
“Có nhiều người đã bình luận vô duyên mà lại đem bình luận ấy đăng lên hết Facebook người này đến người khác. Trên Facebook, trên các diễn đàn, trên Instagram, Zing Me... đâu đâu cũng có những thành phần bình luận vô duyên”. (le_quoc_vu/vuivatva.vn)
l“Nhiều người không có lòng tự trọng. Họ vào trang cá nhân của người khác mà bình luận vớ vẩn, rồi tranh cãi liên tục với nhiều người. Không nên như thế”. (Hà Giang/Facebook)
“Đọc kỹ status rồi hãy bình luận, đừng vội mới xem hình mà “nổ” ngay kẻo người ta nói mình ngu. Không nên tự nhiên gây lộn nhau trong nhà người khác kẻo người ta nói mình điên”.  (Thành Lộc/Facebook)
“Nhiều người vô duyên kinh khủng. Vào fan page của Hari Won mà bình luận “ai thích Nhã Phương hơn Hari Won thì điểm danh”, “ai đồng tình Hari Won nói giọng khó nghe thì bấm like”.
(Lê Nguyên Trương/linkhay.vn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.