Cánh đồng hoang
Nắng như lửa đốt, nhưng trên cánh đồng muối gần 50 ha ở xã Diễn Kim (H.Diễn Châu, Nghệ An) vắng hoe. Đây là thời điểm chính của vụ muối. Thông thường, vào mùa nắng nóng, cánh đồng muối này rất nhộn nhịp người. Càng nắng, làm muối càng hiệu quả. "Muối rẻ, làm quá vất vả nhưng thu nhập thấp nên không mấy ai muốn theo nghề muối nữa", một người dân xã Diễn Kim giãi bày.
Ruộng muối bỏ hoang lâu ngày khiến các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển dùng để lọc nước cũng bị hư hỏng. Cỏ dại mọc um tùm, chỉ lác đác một số thửa đang có người sử dụng để tạo muối. Giữa cái nắng lóa mắt, bà Nguyễn Thị Mão lọc cọc đạp xe rời đồng muối về nhà. Hàng trăm hộ dân có ruộng muối, nhưng những người đeo đuổi hạt muối như bà Mão ở xã biển Diễn Kim này còn rất ít. "Cả xã giờ chỉ có mấy nhà làm thôi, họ bỏ hết rồi", bà Mão nói.
Bà Mão có 130 m2 ruộng làm muối. Gia đình bà đã theo nghề từ hàng chục năm trước. "Nghề này vất vả lắm. Sáng sớm phải ra ruộng lắng lọc nước biển, rồi múc nước chạt lên sân phơi. Trưa lại ra đồng đưa cát đã phơi khô vào các ô lắng lọc. Khoảng 4 giờ chiều, khi muối trên các sân phơi đã kết tinh, thì ra đồng thu hoạch muối", bà Mão kể.
Trời nắng to, mỗi ngày bà Mão thu được khoảng 1 tạ muối. Giá muối hiện nay 1.500 đồng/kg, thu nhập 150.000 đồng, nếu nắng yếu thì chỉ được khoảng 70 - 80 kg và thu nhập chỉ 120.000 đồng cho một ngày công. Trời bất ngờ đổ mưa thì coi như công cốc. "Không có việc chi làm thì phải theo thôi chứ nghề muối vắt hết mồ hôi mà thu nhập chẳng được bao nhiêu", bà Mão thở dài.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim, cho biết xã có hơn 200 hộ dân làm nghề muối, nhưng mấy năm trở lại đây, số người bỏ ruộng ngày càng nhiều. Năm nay, đã vào chính vụ nhưng chỉ có khoảng 1/3 diện tích đồng muối có người sản xuất, còn lại bỏ hoang.
"Người khỏe mạnh làm cật lực giữa đồng muối, một ngày công cũng chỉ được 200.000 - 300.000 đồng. Trong khi làm các nghề khác như đi giúp việc, phụ hồ, nuôi tằm, buôn bán, xuất khẩu lao động… thu nhập cao hơn nhiều nên người dân bỏ nghề muối", ông Thông lý giải.
Làm muối và buôn bán muối cũng là nghề truyền thống và chủ đạo của người dân ở xã Diễn Vạn (nằm kề xã Diễn Kim). Nghề muối ở Diễn Vạn đã hình thành từ hơn 100 năm trước. Sau sản xuất, người dân Diễn Vạn chở muối đi bán dạo khắp tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thế nhưng, 2 cánh đồng muối rộng hơn 70 ha của xã giờ cũng hoang vắng dù đang vào chính vụ.
Ông Hoàng Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, cho hay số người làm muối ở xã này ngày càng giảm. "Năm ngoái, đến hết tháng 5 sản lượng muối sản xuất khoảng 140 tấn, nhưng năm nay chỉ mới khoảng 60 tấn. Giá muối năm ngoái 1.800 - 2.000 đồng/kg nhưng năm nay giảm xuống chỉ 1.400 - 1.500 đồng/kg nên người dân càng không mặn mà với hạt muối. Những người đi bán muối dạo cũng bỏ nghề gần hết vì thu nhập không đáng bao nhiêu", ông Hải phản ánh.
Không muốn bám nghề muối nữa, người dân Diễn Vạn nay đã chuyển sang nhiều nghề khác, trong đó lực lượng lao động trẻ đi xuất khẩu lao động phần lớn. Hiện, theo ông Hải, xã Diễn Vạn có hơn 800 người đang lao động ở nước ngoài.
Kề bên Diễn Vạn, hơn 26 ha đất sản xuất muối của xã Diễn Kỷ cũng bị bỏ hoang nhiều năm qua, cỏ dại mọc um tùm. Cánh đồng muối ngày nào nay trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân.
Tỉnh hỗ trợ, dân vẫn không mặn mà
Trước thực trạng khó khăn của nghề muối, khi sản xuất thu hẹp, các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, năm 2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết hỗ trợ để diêm dân bám nghề.
Theo chính sách này, diêm dân được hỗ trợ để cải tiến các ô chạt lọc, phủ bạt kết tinh để nâng cao chất lượng hạt muối và hỗ trợ thủy lợi phí (nước biển dẫn vào đồng để làm muối). Ngoài ra, Nghệ An cũng lập đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 với 3 dự án, trong đó, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối có tổng vốn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá muối phập phù và thường xuống thấp, thu nhập không ổn định nên diêm dân vẫn không mặn mà với nghề.
Để những cánh đồng muối không bỏ hoang gây lãng phí đất đai, chính quyền một số xã cũng đã tính đến phương án chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. "Chúng tôi đã gợi ý cho người dân chuyển sang nuôi cá vược, nhưng sau khi tính toán, người dân thấy chi phí quá lớn và thị trường tiêu thụ chưa có nên không ai dám làm. Nuôi tôm thì người dân càng không dám vì rủi ro lớn. Do đó, hiện nay vẫn chưa biết nên chuyển sang lĩnh vực gì", ông Hoàng Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, nói.
Thông tin thêm, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Diễn Châu, cho biết huyện có 4 hợp tác xã chuyên sản xuất muối, đó cũng là những làng nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua, nhưng số hộ làm muối ngày càng giảm. Dù Nhà nước đã có nhiều hỗ trợ nhưng giá muối thấp, khó cạnh tranh nên nhiều người bỏ nghề.
Việc chuyển đổi diện tích đất làm muối sang nuôi trồng thủy sản cũng rất khó khăn vì chi phí lớn, rủi ro nhiều, trong khi người dân chưa có kinh nghiệm, kiến thức. Và phương án để những đồng muối không còn bỏ hoang vì thế vẫn chưa có lời giải.
Bình luận (0)