Hành trình khởi nghiệp của cô gái khiếm thính
“Tôi bị khiếm thính từ năm 10 tuổi, mỗi ngày nặng thêm, cho đến giờ thì không nghe được gì nữa”, chị Thúy mở đầu câu chuyện về số phận của mình. Vượt qua nhiều khó khăn để đi học, Thúy mơ ước trở thành nhà báo và đã tốt nghiệp một trường đào tạo về báo chí. Thế nhưng sau khi hoàn thành chương trình học, chị Thúy nhận ra rằng nghề báo không dành cho người khiếm thính, nên phải chuyển nghề để mưu sinh.
Chị Thúy dạy ngôn ngữ và kỹ năng cho các bạn trẻ điếc đến làm việc tại tiệm |
NVCC |
Suốt 5 năm rẽ ngang với bao công việc khác nhau, dù có thu nhập ổn định nhưng chị Thúy vẫn không cảm thấy thoải mái bởi luôn phải sống một cuộc sống rất cô đơn, lặng lẽ vì khó khăn trong giao tiếp. Khi thực hiện “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019” cùng Viện iSEE, chị Thúy càng hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong việc làm của người đồng cảnh, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của họ. Câu hỏi liệu có ngành nghề phù hợp để người điếc có thể làm việc cứ xoay trong tâm trí Thúy và chị luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động vì người khuyết tật.
Chị Lương Kiều Thúy (thứ hai từ trái qua) và những nhân viên tại Tiệm giặt là của người Điếc |
NVCC |
“Nhờ một mối quan hệ xã hội, tôi được biết đến công việc giặt là. Khi qua lớp tập huấn, tôi nhận thấy công việc này phù hợp với người điếc/khiếm thính, nên tôi đã quyết định nghỉ công việc chính của mình để trải nghiệm công việc giặt là”, chị Thúy kể. Sau một thời gian đi làm và học các kỹ năng khởi nghiệp, chị đã ấp ủ xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người điếc.
“Thành quả những ngày thu hoạch kiến thức không chỉ là giấy chứng nhận, tôi đã cố gắng xây dựng dự án khởi nghiệp của cá nhân. Có lẽ phải cố gắng thật nhiều, thật nhiều nữa…”, cô gái quyết tâm.
Từ những thành công bước đầu, chị Thúy quyết định mở Tiệm giặt là của người Điếc vào tháng 12.2020 và đã dệt lên nhiều câu chuyện huyền thoại ở đây.
Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh
“Mô hình này, tất cả nhân sự làm việc đều là người điếc hoặc khiếm thính. Những người bị điếc hay khiếm thính đều hội nhập khó lắm. Gia đình thường giấu, giữ trong nhà không cho ra đường. Đi học không có trường chuyên biệt, mà học trường chung thì không theo kịp, nên hầu hết các bạn bỏ học. Việc làm thì khó tìm, nên các bạn rơi vào cuộc sống đầy khó khăn”, chị Thúy tâm sự.
Đó cũng là những câu chuyện của hầu hết những người đang làm việc ở Tiệm giặt là của người Điếc, trong đó có những số phận rất éo le. Đạt (17 tuổi, ở Điện Biên) là một thanh niên to cao, đẹp trai. Nhìn Đạt chăm chỉ, hiền lành, không ai biết em đã suýt bị gia đình đưa vào trại giáo dưỡng vì tưởng em hư hỏng.
Người nhà Đạt chia sẻ em bị điếc bẩm sinh. Năm lên 6 tuổi thì bố mẹ ly hôn, Đạt ở với ông bà nội (ở H.Ba Vì, TP.Hà Nội), đến năm lớp 10 thì theo bố lên Điện Biên sinh sống. Do không thể giao tiếp bình thường nên em bị mọi người xa lánh và cho là đứa trẻ hư, khi em có những hành động tò mò ở lứa tuổi dậy thì. Bị bố mắng chửi nhiều, em bắt đầu “bật lại” thì càng bị xem là không dạy được. Đạt cũng đã rơi vào trạng thái buông thả khi sa vào chơi game, hút thuốc lá điện tử và bất cần… Gia đình nghĩ không thể dạy Đạt được nữa nên muốn đưa em vào trại giáo dưỡng.
Các bạn trẻ được dạy ngôn ngữ ký hiệu miễn phí |
May mắn, một người thím của Đạt đã đưa em xuống Hà Nội và tìm đến tiệm giặt là của chị Thúy để xin việc. Vào đây, em được dạy ngôn ngữ giao tiếp, được học nghề, học kỹ năng và đã được sống một cuộc đời bình thường mà bấy lâu em không có được. “Từ khi vào tiệm giặt là, Đạt đã thay đổi bất ngờ. Em không còn chơi điện tử, hút thuốc, lại còn chăm chỉ làm việc và rất yêu đời. Gia đình tôi vui lắm vì Đạt như được hồi sinh”, người thím của Đạt chia sẻ.
Đến đây, nhìn thấy sự say mê công việc của những người khuyết tật, khi họ tỉ mỉ làm sạch từng đôi giày hay những con gấu bông thì mới cảm nhận được hết sự thiệt thòi mà họ phải chịu đựng. “Thật không dám tưởng tượng cảnh bạn Đạt phải vào trại giáo dưỡng, trong khi không nghe được gì. Mình luôn tin rằng những người điếc vẫn có những đam mê, nhưng họ không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và đôi khi đi vào ngõ cụt khi xã hội không thấu cảm với họ”, chị Thúy chia sẻ.
Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng
Tiệm giặt là của người Điếc hiện có hai cơ sở ở Hà Nội. Khách hàng đến đây sẽ được trải nghiệm những điều thú vị, mà ở đó bao trùm là một thông điệp ấm áp: tinh thần vì cộng đồng. Hằng ngày, tiệm mở cửa từ rất sớm, các thành viên lặng lẽ, miệt mài, cẩn thận giặt là từng bộ quần áo, đôi giày của khách hàng. Trong không gian yên lặng đó là những nụ cười rạng rỡ cùng cử chỉ thân thiện. “Ban đầu, giao tiếp với khách hàng chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì họ không hiểu chúng tôi nói gì. Nhưng rồi thông qua Zalo, Facebook nói chuyện, kết hợp viết và dùng ngôn ngữ ký hiệu, nên bây giờ trở ngại đó đã được xóa bỏ”, chị Thúy kể.
Đỗ Thùy Linh, một cô gái 18 tuổi (ở Hà Nội) bị khiếm thính bẩm sinh, phấn khởi chia sẻ: “Được làm việc ở tiệm giặt, em thấy rất hạnh phúc. Chị Thúy tận tình chỉ dạy cho em các kiến thức rất dễ hiểu. Em yêu thích công việc này và cảm thấy cuộc sống của mình sang một trang mới”. Lê Thu Ngân (19 tuổi), một thành viên của Tiệm giặt là của người Điếc, cũng tâm sự: “Chị Thúy là người hiểu tâm lý của người điếc và luôn coi chúng em như người thân. Chị dạy chúng em ngôn ngữ ký hiệu nên em đã biết giao tiếp và tự tin khi tiếp xúc với khách hàng. Rất nhiều thứ tuyệt vời em đã học được ở đây”.
Không chỉ dạy người điếc, chị Thúy còn lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu cho những người bình thường để họ giao tiếp thuận lợi với người điếc. Bước vào bên trong tiệm giặt, bạn sẽ bắt gặp những tấm thiệp mà trên đó là những lời chúc, cảm nhận, suy nghĩ của các khách hàng, như: “Tiệm xinh xắn như chị Thúy ạ. Mọi người có thể tới đây thư giãn và học ngôn ngữ mới. Đáng yêu lắm ạ!”; “Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm một ngôn ngữ mới, có thể là cả một cách sống mới”; “Mọi thứ thật tuyệt vời. Sẽ ủng hộ các bạn nhiều”…
Bình luận (0)