Tiếp nối chương trình giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”, sáng 24.10, T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện số thứ 3 của chương trình với chủ đề “Tin tốt, câu chuyện đẹp, góp phần hun đúc tình yêu Tổ quốc”.
Các khách mời tham gia chương trình |
ảnh chụp màn hình |
Thương những đứa trẻ mồ côi
Câu chuyện mà anh Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đoàn cơ sở Ban Chỉ huy quân sự TP.Thủ Đức, Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM, Quân khu 7 kể lại trong chương trình đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
Trong đợt dịch vừa qua, ngoài việc trực chốt kiểm soát, phun khử khuẩn các khu cách ly, phong tỏa… anh còn làm nhiệm vụ bàn giao tro cốt của nạn nhân tử vong do dịch Covid-19 về với gia đình. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ bàn giao tro cốt của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, phát hiện cả dãy trọ chị Nga ở đều bị dương tính Covid-19, trong nhà trọ của chị tại P.Tân Phú, TP.Thủ Đức chỉ còn cháu Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi) cũng đang bị nhiễm bệnh ra nhận tro cốt của mẹ.
“Lúc đó tôi cứ nhìn quanh rồi hy vọng có người lớn để nhận tro cốt nhưng không thấy. Chỉ còn có mình cháu và những ngày qua cháu được hàng xóm cưu mang lo từng bữa ăn hằng ngày. Không kìm được lòng nên tôi đã nhận đỡ đầu, chăm lo việc điều trị và tìm người thân cho cháu”, anh Kiên kể.
Anh Nguyễn Trung Kiên (giữa) bàn giao tro cốt của nạn nhân Covid-19 về với gia đình |
NVCC |
Khi tìm được người thân của Châu thì chỉ có anh, chị của cháu (một bé 10 tuổi, một bé 8 tuổi) hiện sống cùng bà ngoại già yếu đã 87 tuổi.
“Lúc tôi gặp anh chị của Châu, các cháu nói với tôi: Chú Kiên ơi, cho con gọi chú bằng ba nha, con không có ba, con muốn có ba để được ba quan tâm. Cũng làm ba nên nghe câu nói này tim tôi nhói đau, nuốt nước mắt vào trong, và mặc dù biết sẽ rất khó khăn nhưng xót thương trước sự mất mát của các cháu, tôi đã nhận nuôi thêm 2 cháu”, anh Kiên nhớ lại.
Câu chuyện của chàng trai Huỳnh Tuấn Hưng (ngụ tổ 2, P.Duy Tân, TP.Kon Tum) cũng khiến nhiều người xúc động. Hưng đã dành cả tuổi thanh xuân với mong muốn xây được những “ngôi nhà”, mang hơi ấm cho các vong nhi, những nấm mồ vô danh lạnh lẽo. Hễ ai gọi điện báo có thai nhi xấu số bị bỏ rơi, anh phải tìm đến ngay rồi đưa về, tiến hành chôn cất, xây mộ đàng hoàng.
Tại chương trình, Hưng chia sẻ: “Con người sinh ra có quyền được sống, với mình thì sự sống là vô giá, thai nhi là vô giá nên khi nhìn thấy những thai nhi bị bỏ rơi, mình thấy xót xa. Qua công việc này, mình muốn lan tỏa với các bạn trẻ hãy chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, hãy trân trọng, bảo vệ vì sự sống là vô giá”.
Còn với chàng trai Vũ Trung Anh (ngụ xã Ngọc Sơn, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), từ một người nhút nhát, sinh ra vốn không được khỏe mạnh như nhiều người khác, nhưng khi chứng kiến dịch bệnh bùng phát ở quê hương mình, Trung Anh đã xung phong đi chống dịch.
“Ngay từ bé tôi đã thích giúp đỡ mọi người, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về thì quê hương đang bùng phát dịch, tôi đã không ngại nguy hiểm xung phong đi vào tuyến đầu chống dịch. Tôi cùng một số tình nguyện viên khác làm việc bất kể ngày đêm, chỉ mong góp sức trẻ cùng quê hương đẩy lùi dịch bệnh”, Trung Anh bày tỏ.
Ba đứa con nuôi được vợ chồng anh Kiên đưa đến chùa để thắp nhang cho mẹ bị mất vì dịch Covid-19 |
Nặng lòng với môi trường
Cả hành trình tuổi trẻ của mình, anh Huỳnh Văn Thương, Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, đã lập nên rất nhiều dự án bảo vệ môi trường gắn liền với hai chữ tử tế. Như dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần”, “Tử tế với sông Trà Bồng, “Tử tế với Sa Kỳ”, “Tử tế với Mỹ Khê”…
“Không giống trước đây chúng ta ra quân một lần rồi ngưng, với tụi mình là tạo thành những chủ điểm cụ thể và hình thành thói quen cho mỗi người dân cùng bảo vệ môi trường. Giờ đây đi đâu mọi người cũng gọi mình là Thương tử tế, mình rất vui vì chỉ khi người ta nhớ tên mình thì mới cùng hành động để bảo vệ môi trường sống”, anh Thương bày tỏ.
Cũng chung niềm đau đáu như anh Thương, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ thôn 10, xã Quỳnh Lộc, TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nhiều năm qua đã thành lập đội tình nguyện viên nhặt rác, ra quân hơn 20 đợt lớn, nhiều đợt nhỏ và thu gom hơn 50 tấn rác thải, xóa 30 điểm đen về môi trường.
Chị Mai kể: “Mặc dù lúc đầu làm, cứ hôm nay mình nhặt sạch thì ngày mai đi ngang qua lại thấy xuất hiện rác trở lại. Nhưng cứ nhìn thấy những dòng kênh rạch ngập ngụa rác thải nhựa, nhìn những em bé đứng chơi đùa mà xung quanh đầy rác… mình lo lắng rất nhiều cho tương lai của môi trường sống chúng ta, chính vì thế, đã thôi thúc mình mỗi ngày phải hành động”.
Huỳnh Tuấn Hưng trong một chuyến từ thiện hỗ trợ trẻ vùng cao |
Tin tốt là nguồn động lực để sống đẹp
Chị Mai cho biết: “Hành động của mình cũng chỉ là một cá nhân và âm thầm nhờ có mạng xã hội lan tỏa để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Với mình, khi một tin tốt, việc làm tử tế được lan tỏa sẽ góp phần xây dựng nề nếp, văn hóa ứng xử và làm cuộc sống của mọi người trở nên tích cực hơn”.
Còn anh Kiên bày tỏ: “Việc làm của tôi được mọi người biết đến và nhận được sự quan tâm, động viên giúp đỡ kịp thời, nhờ đó đã góp phần giúp cho cộng đồng biết đến và quan tâm nhiều hơn cho những trẻ mồ côi vì dịch Covid-19”.
Với anh Thương thì mỗi lần đọc được tin tốt giống như mỗi buổi sáng được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, là nguồn động lực để sống đẹp mỗi ngày.
Chạm đến trái tim cộng đồng
Xem chương trình, nhiều bạn đọc đã xúc động để lại những lời bình luận:
Nguyễn Nam: “Tôi đã bật khóc khi nghe anh Kiên kể lại câu chuyện. Vì trong công việc tôi đã từng gặp những người cha vô tâm, chối bỏ trách nhiệm, không nuôi dưỡng và yêu thương đứa con ruột của chính mình”.
Lý Lý: “Thật xúc động trước những câu chuyện của người trẻ dành cả thanh xuân để giúp ích cho cộng đồng”.
Nguyễn Vân: “Cảm ơn chương trình đã đem tới những tấm gương với việc làm có ý nghĩa. Mong rằng những việc làm này sẽ đến với các trường học để lan tỏa tới các em học sinh”.
Thanh Hoa Lê: “Biết ơn sự tử tế của các anh chị. Các anh chị là tấm gương cho tuổi trẻ và sự nhiệt huyết để tuổi trẻ chúng em được hoàn thiện về nhân cách”.
Bình luận (0)