Những câu chuyện văn hóa Óc Eo mới phát hiện: Trung tâm sản xuất trang sức của châu Á

31/05/2022 06:43 GMT+7

Hạt thủy tinh trang sức với số lượng siêu lớn đã được phát hiện trong cuộc khai quật Óc Eo - Ba Thê 2017 - 2020, cho thấy đây có thể là một trung tâm sản xuất trang sức, xuất khẩu ra thế giới .

Đa dạng trang sức thủy tinh

Cuộc khai quật Óc Eo - Ba Thê của các nhà khảo cổ học năm 2017 - 2020 đã thu được rất nhiều trang sức thủy tinh. Tại kênh cổ Lung Lớn, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều trang sức thủy tinh, chủ yếu là các loại hạt chuỗi, gồm hạt chuỗi sản xuất tại Óc Eo và hạt chuỗi nhập khẩu.

Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết hạt chuỗi thủy tinh Indo - Pacific là loại hình đồ trang sức phổ biến nhất, kích thước nhỏ. Hạt chuỗi tại Lung Lớn gồm các màu chính: đỏ, cam, vàng, đen, xanh lam, tím, xanh lục, đỏ có sọc dọc thân và tam sắc đen - trắng - đỏ... Kích thước các hạt chuỗi được chia thành 3 nhóm: cỡ lớn (đường kính 5 - 6 mm), cỡ trung bình (3 - 5 mm) và cỡ nhỏ (dưới 3 mm). Tại kênh Lung Lớn đã tìm thấy 288.576 hạt chuỗi thủy tinh Indo - Pacific.

Cũng tại kênh Lung Lớn, các nhà khảo cổ tìm thấy nguyên liệu chế tác đồ trang sức kim loại. PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, cho biết có 109 hiện vật là nguyên liệu và phế phẩm trang sức. Trong đó nhiều nhất là các vòng khuyên hở với 42 hiện vật, 3 lá kim loại cán mỏng dẹt có cắt và được cuộn tròn thành nhiều lớp, 2 dây vàng kéo sợi… “Các nguyên liệu này có lẽ được sử dụng như vật liệu dùng trong chế tác đồ trang sức, nhiều khả năng là công đoạn tạo các vòng tròn nhỏ móc nhau kiểu dây chuyền”, ông Trí đánh giá.

Trang sức được phát hiện với số lượng lớn tại Óc Eo - Ba Thê

Viện Nghiên cứu kinh thành cung cấp

Bên cạnh đó còn có 6 khối nguyên liệu kim loại chì thiếc, bạc thô hình khối, một số được đúc thành các hình cơ bản như bát giác hoặc tròn dẹt cân. Đây có thể là các nguyên liệu chế tác đồ trang sức đã được làm sạch các tạp chất và pha chế, đúc thành khối để phân phối cho các thợ kim hoàn. Phế phẩm trang sức gồm 25 miếng kim loại mỏng dẹt, nhăn nheo, bề mặt có nhiều vết kỹ thuật và 13 dây phế phẩm kim loại, bị kéo và vặn xoắn. Các phế phẩm của quá trình đúc kim loại kết thành hình giọt trong quá trình kim loại nóng chảy có 12 hiện vật.

Tại di tích Nền Chùa, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy hiện vật trang sức thủy tinh và khuyên tai kim loại. “Chất liệu thủy tinh đều là hạt chuỗi thủy tinh Indo - Pacific beads với nhiều hình dáng và sắc màu. Trong 10 màu, theo số lượng từ nhiều đến ít: cam, nâu, xanh lam, xanh lục, vàng, đen, trắng, trong suốt, tím và đen sọc. Về hình dáng có 9 loại, chủ yếu là hạt chuỗi hình cầu, tiếp sau là hình ống, lục giác, thoi, tròn, oval và hình cầu có khía”, Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết.

Cũng tại Nền Chùa, các nhà khảo cổ tìm thấy bàn nghiền, chày, cối, bàn mài và đặc biệt là một khuôn đúc khuyên tai bằng đá có hình chữ nhật dẹt, bị vỡ 1/3, đá mịn, màu xám đen, độ cứng thấp. “Khuôn còn 3 cạnh thẳng, mặt bên và 2 mặt lớn phẳng. Mỗi mặt lớn đều khắc lõm 2 hình khuyên tai hình móng ngựa nhưng thuộc 2 loại khác nhau. Cạnh khuôn có chỗ rót kim loại và lỗ/đầu thoát khí, ở góc có 2 lỗ thủng để ghép khuôn. Phát hiện này cho thấy Nền Chùa có thể có những xưởng chế tác đồ trang sức”, cuốn sách Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020 viết.

Công xưởng của thế giới

Cũng theo cuốn Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017 - 2020, đồ trang sức với các chất liệu đá quý, thủy tinh, kim loại quý được tìm thấy khá nhiều tại các di tích. “Đồ trang sức phổ biến nhất là hạt chuỗi thủy tinh, được sản xuất tại chỗ, có thể ngay tại gò Óc Eo gần đó, khả năng là một sản phẩm thương mại thời bấy giờ. Di tích Lung Lớn, di vật thu được chiếm số lượng khổng lồ hạt chuỗi thủy tinh”, sách viết.

Theo PGS-TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, tại Lung Lớn còn có những loại hạt chuỗi nhập khẩu cao cấp phổ biến tại La Mã khoảng thế kỷ 2 - 3 như hạt chuỗi thủy tinh chia đoạn - bọc vàng hay những hạt chuỗi thủy tinh hình cầu lõi vàng, hạt chuỗi thủy tinh đa sắc, hạt chuỗi khảm thủy tinh. Đồ trang sức vàng tìm thấy không nhiều tại Lung Lớn, đa số là những mảnh vàng nhỏ mỏng hoặc sợi nguyên liệu hay phế phẩm trong quá trình chế tác.

Bên cạnh đó, tại các di tích này còn tìm thấy đồ trang sức bằng xương, răng, có các loại hình hạt chuỗi hình ống trụ, bùa đeo bằng răng thú, răng cá mập, khuyên tai bằng đốt sống cá.

GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đánh giá: “Với độ trù mật cao của các hạt chuỗi thủy tinh Indo - Pacific tìm thấy ở Lung Lớn, có thể đưa ra giả thuyết về sự hình thành của một địa danh tập kết đồ trang sức được chế tác tại gò Óc Eo (giữ vai trò như một công xưởng) trong quá trình tập trung nguồn hàng, nguyên liệu, chuyển giao và buôn bán với thị trường quốc tế”.

Những câu chuyện văn hóa Óc Eo mới phát hiện

Có bao nhiêu vàng trong di tích Óc Eo?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.