Việc làm này buộc cựu hoàng phải trả giá: Ngày 7.5.1942, ông bị chính quyền trên đảo bắt và tạm giam trong nhà giam Lazaret ở thủ phủ Saint-Denis. Một tháng sau, ông được trả lại tự do, song các máy móc, thiết bị vô tuyến đều bị tịch thu cả. Ông tiếp tục phục hồi những gì đã mất và tiếp tục các liên lạc vô tuyến với tổ chức giải phóng nước Pháp có cái tên France Libre.
Chiếc tàu Leopard, nơi cựu hoàng Duy Tân từng phụ trách về vô tuyến điện |
Claude Vĩnh San |
Đời… thiếu tá của cựu hoàng Duy Tân
Gần cuối năm 1942, xu thế cuộc chiến ngày một thay đổi nhanh chóng. Đến ngày 27.11.1942, chính quyền đảo Réunion tham gia vào France Libre và cựu hoàng Duy Tân chính thức đứng vào hàng ngũ kháng chiến chống Đức Quốc xã. Ông được thu nhận làm chuyên viên vô tuyến điện trên chính chiếc tàu Léopard từng bắt liên lạc với ông. Tuy nhiên, cơ địa của ông không phù hợp với môi trường sóng nước, ông bị bệnh liên miên. Cuối cùng, chỉ sau 22 ngày sống trên tàu Léopard, ông phải trở lại đất liền (www.vinhsan.free.fr, acte 13).
Năm 1943, ông ráo riết tìm lại một chỗ đứng trong hàng ngũ kháng chiến của Pháp song không được toại nguyện. Mãi đến ngày 3.1.1944, ông mới được thu nhận vào trại lính Lambert với tư cách binh nhì. Hơn một tháng sau, ông được thăng hạ sĩ. Qua năm 1945, chức vụ cao nhất ông được giao phó trong quân đội là tiểu đoàn trưởng, ngang với cấp thiếu tá. Song mãi đến ngày 29.10.1945, sau khi chiến tranh kết thúc hoàn toàn, tướng De Gaulle mới ban hành sắc lệnh hợp thức hóa các cấp bậc của ông trong quân ngũ, cụ thể như sau: thiếu úy ngày 5.12.1942; trung úy ngày 5.12.1943; đại úy ngày 5.12.1944; tiểu đoàn trưởng (tương đương thiếu tá) ngày 25.9.1945. (vinhsan.free.fr, acte 15).
Cựu hoàng Duy Tân trong bộ quân phục hạ sĩ |
Năm 1945 đánh dấu mấy sự kiện quan trọng trong đời lưu đày của cựu hoàng Duy Tân: Tháng 3.1945, ông được thưởng huân chương kháng chiến với những dòng vinh danh như sau: “Bằng thái độ dũng cảm, sự quyết tâm và qua việc giúp cho nhiều thính giả nghe được các đài phát thanh của nước Pháp tự do hoặc của các nước đồng minh, là những đài bị cấm ngặt việc theo dõi, ông hoàng Vĩnh San đã góp phần vào việc duy trì lâu dài trên đảo Réunion lá cờ kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng….” (vinhsan.free.fr, acte 15)
Vào ngày 29.8.1945, trên làn sóng của đài phát thanh Radio-Tananarive, cựu hoàng Duy Tân đọc bản tuyên bố chính trị đầu tiên kể từ ngày ông bị lưu đày. Bản tuyên bố gửi đến nhân dân VN đang chống lại quân phiệt Nhật, xác định rằng tương lai của đất nước chỉ có thể đạt được bằng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước Pháp. Bản tuyên bố chủ trương một nước VN độc lập, thống nhất, hợp tác với Pháp và tạm thời ủy thác cho nước này hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng.
Phải chăng bản tuyên bố “mềm dẻo” trên đã tác động lên lập trường của tướng De Gaulle về vấn đề VN, trong cương vị là người lãnh đạo nước Pháp tự do? Dù với lý do gì thì cuộc gặp gỡ giữa vị tướng thắng trận, người hùng của dân tộc Pháp là De Gaulle, với một cựu hoàng đã trải qua gần 30 năm lưu đày, cũng đã diễn ra vào ngày 14.12.1945, để lại nhiều ấn tượng cho chính người trong cuộc, cũng như dư luận quốc tế lúc bấy giờ.
Người ta đọc thấy những dòng sau đây trích trong cuốn Mémoires de guerre (Ký ức chiến tranh) của tướng De Gaulle: “Nhằm những mục tiêu có thể được xem là hữu ích, tôi nuôi một ý định bí mật. Đó là cung cấp cho cựu hoàng đế Duy Tân những phương tiện để tái xuất hiện, nếu người kế tục và người bà con với ông là Bảo Đại cuối cùng rồi cũng bị các biến động vượt qua. Duy Tân bị chính quyền Pháp truất phế vào năm 1916, trở lại với cương vị ông hoàng Vĩnh San và bị đưa đến đảo Réunion. Tuy nhiên, trong lúc cuộc chiến này diễn ra, ông đã phục vụ trong quân đội của chúng ta. Ông đã mang cấp bậc thiếu tá. Đó là một nhân cách mạnh mẽ. Khoảng 30 năm lưu đày không xóa nhòa trong tâm hồn dân tộc VN những kỷ niệm về vị vua này. Ngày 14.12, tôi sẽ tiếp ông để cùng nhau xét xem chúng tôi có thể làm gì với nhau. Nhưng cho dù chính phủ của tôi có tiếp xúc để thỏa hiệp với bất cứ ai, tôi cũng trù định việc gắn chặt họ ở Đông Dương, trong guồng máy trang trọng nhất khi thời cơ đến” (Sđd, quyển 3, tr.230 - NXB Plon - Paris 1959 - LN tạm dịch).
Về phần cựu hoàng Duy Tân, ông đã viết về cuộc gặp gỡ lịch sử này như sau: “Điều đó đã quyết, chính phủ Pháp đặt tôi trở lại ngai vàng Annam. De Gaulle sẽ tháp tùng tôi khi tôi trở về. Ông ta dự kiến là vào những ngày đầu tháng 3.1946. Từ đây đến đó, người ta chuẩn bị dư luận, cả ở Pháp lẫn quốc tế và Đông Dương. Cần thiết lập một loạt thỏa hiệp được hai chính phủ thông qua”. (vinhsan.free.fr, acte 17).
Thế nhưng, những dự đoán lạc quan của cựu hoàng đã không tồn tại được lâu. (còn tiếp)
Bình luận (0)