Trong 2 ngày 14 - 15.3, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP.Hải Phòng, T.Ư Đoàn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thanh niên xung phong (TNXP) tham gia xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.
Tham dự chuỗi hoạt động có anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn; lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư; Bộ chỉ huy quân sự và lãnh đạo TP.Hải Phòng; lãnh đạo huyện đảo Bạch Long Vĩ.
MỘT ĐIỂM SÁNG CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN
Tại lễ kỷ niệm, chị Vương Toàn Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Hải Phòng, cho biết 30 năm về trước, ngày 26.3.1993, 62 thanh niên Hải Phòng đã xung phong tình nguyện vượt sóng gió đến với Bạch Long Vĩ vào đúng ngày thành lập huyện đảo.
"Lúc này đảo rất hoang sơ, chỉ có cát đá và xương rồng, không có dân cư sinh sống, cơ sở hạ tầng chỉ là các công trình phục vụ cho công tác quốc phòng, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, đất đai canh tác và nguồn nước sinh hoạt thiếu. Nhưng với lòng quyết tâm vượt khó và tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, những bàn tay khối óc của TNXP đã biến những bãi cát sỏi đá cằn cỗi thành những dãy nhà, những hộ gia đình, khu chăn nuôi, vườn rau xanh tươi để ổn định cuộc sống", chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Thủy, sau 5 năm xây dựng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xây dựng Bạch Long Vĩ thành đảo thanh niên, đây là đảo đầu tiên của cả nước. Trải qua 3 thập niên, đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ đã thực sự có nhiều đổi thay so với ngày đầu thành lập. Từ 62 đội viên Đội TNXP Bạch Long Vĩ ban đầu, lớp lớp các thế hệ TNXP sau này đã tình nguyện tham gia xây dựng đảo, để Bạch Long Vĩ trở thành ngôi nhà chung ở nơi đảo xa, gắn kết tình cảm quân dân, quyết tâm bám biển giữ đảo, bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Tổng đội TNXP đã thực hiện 12 công trình, dự án quan trọng, với tổng mức đầu tư trên 261 tỉ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân huyện đảo.
Phát biểu tại chương trình, anh Ngô Văn Cương đánh giá 30 năm qua TNXP Hải Phòng nói chung và TNXP Bạch Long Vĩ nói riêng đã phát huy được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ. "Nhờ sự đóng góp quan trọng của lực lượng TNXP, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành một điểm sáng của tổ chức Đoàn trong phát huy thanh niên xung kích tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", anh Cương đánh giá.
Theo anh Cương, là đảo nằm giữa và xa đất liền nhất của vịnh Bắc bộ, huyện đảo Bạch Long Vĩ không chỉ có ý nghĩa đặc biệt là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, mà còn giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Hải Phòng. "Cách đây 30 năm, thời điểm các anh chị đội viên TNXP ra đảo thì nơi đây vẫn còn rất hoang sơ, đầy khó khăn. Suốt 30 năm qua, rất nhiều lượt TNXP đã ra đảo Bạch Long Vĩ làm đảo thêm xanh, thêm sạch", anh Cương đánh giá.
Anh Cương cũng cho biết từ thành công của TNXP tại đảo Bạch Long Vĩ đã làm tiền đề quan trọng để Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 và triển khai nhân rộng mô hình đảo Thanh niên tại đảo Trần (tỉnh Quảng Ninh); đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau); đảo Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) và đảo Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang).
TÌNH NGƯỜI Ở ĐẢO THANH NIÊN
Tại chương trình đã diễn ra buổi giao lưu xúc động với các nhân chứng lịch sử gồm: ông Lê Vũ Thành (68 tuổi), nguyên Bí thư Thành đoàn Hải Phòng khóa VIII, nhiệm kỳ 1992 - 1997, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; bà Vũ Thị Hải Yến
(48 tuổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bạch Long Vĩ, nguyên đội viên TNXP đầu tiên đi tham gia xây dựng đảo; anh Phạm Văn Phòng (36 tuổi), Liên đội phó Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ.
Tại chương trình T.Ư Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng khen thưởng cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ. Dịp này, ban tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trên đảo với tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Các hoạt động nổi bật gồm: khánh thành công trình "Công viên TNXP"; khánh thành công trình thanh niên "Cổng chào khu TNXP Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ"; sửa chữa, cải tạo nhà trẻ TNXP và sân, khuôn viên nhà trẻ; trao tặng 1.000 giống cây dừa biển, 3.000 con giống vịt, gà và 1 tấn thức ăn chăn nuôi; trao tặng quà cho TNXP và học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Ông Thành cho biết: "Tôi rất xúc động vì tình người nơi đây từ ngày xưa đến bây giờ vẫn như thế và đặc biệt đội TNXP lớn mạnh và có cuộc sống rất tốt, không khác nhiều so với ở đất liền". Theo ông Thành, để có cuộc sống ở đảo như hôm nay là một thành tựu vĩ đại của TNXP, không chỉ tham gia xây dựng kinh tế, mà họ chính là cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên vịnh Bắc bộ.
Bà Vũ Thị Hải Yến là một trong số 62 thành viên ra đảo trong chuyến tàu đầu tiên đưa lực lượng TNXP ra đảo. Trong 30 năm qua, bà ở lại sinh sống, làm việc trên đảo. Kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình, bà cho biết khó có ngôn từ nào kể hết khó khăn.
"Mỗi hành trình đi qua, một ngày sống trên đảo đều là khó khăn vất vả. Bởi khi ấy đảo tiêu điều, chỉ có nhà tạm xây bằng đá chưa trát, lối đi chỉ là lối mòn, cỏ cây thiếu, nước vàng vọt. Cả đảo chỉ có một vài giếng khơi, chúng tôi phải nhảy xuống gạn từng gầu, anh em phải cạo trọc đầu để nhường nước cho chị em...", bà Yến kể. Đồng thời bà Yến cho biết động lực để mình và đồng đội bám trụ đến bây giờ chính là tinh thần nhiệt huyết, tình yêu biển đảo, yêu quê hương đất nước.
Là thế hệ tiếp nối, anh Phạm Văn Phòng đã chia sẻ về động lực thôi thúc anh quyết định trở thành đội viên TNXP, là do thời còn là học sinh, anh đã tích cực tham gia công tác Đoàn, được biết về phong trào TNXP, thanh niên tình nguyện, nên mong muốn được như thế hệ trước, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho quê hương đất nước.
Bình luận (0)