Những cây bút trẻ Cần Thơ

29/01/2013 09:56 GMT+7

Đầu tháng 1.2013, NXB Phương Đông (Cà Mau) ấn hành tập “Sáng tác trẻ TP.Cần Thơ”. Sách gồm 38 tác phẩm thơ, truyện, ký tuyển từ các tác phẩm dự trại bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ, do Hội Nhà văn TP.Cần Thơ tổ chức. Các tác giả là 18 cây bút trẻ ĐBSCL mà phần lớn là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Những cây bút trẻ Cần Thơ

Họ đã đi thực tế một số nơi trong TP.Cần Thơ, sau khi được chia sẻ kinh nghiệm sáng tác với nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều (Cà Mau), nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang) và nhà văn Trần Dũng (Trà Vinh). Theo nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, ban tổ chức không ngờ đã nhận được hơn 100 tác phẩm sau một tháng mở trại và anh hy vọng “những ngọn lửa ấy sẽ còn cháy tiếp”. Xin trích nhận xét của ba “người đi trước” về những sáng tác này.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều: “Tôi đã may mắn được đọc 97 bài thơ của Lê Thị Nhiên, Thu n, Nguyễn Hoàng Viện, Phan Duy, Nguyễn Thị Thu Hà, Huy Tùng, Tam Giang, Hoa Trúc và Mai Đức Trung. Những đề tài các bạn quan tâm khá rộng, cuộc sống thu nhỏ lại mà âm vang. Thơ các bạn đã tránh được vết xe đổ của những nhà thơ trẻ mải mê tìm tòi chủ yếu là cách thể hiện, dùng ngôn ngữ nhiều khi đánh đố người đọc. Tuy mỗi bạn có cách thể hiện riêng, nhưng tôi thấy yêu hơn một số bài thơ của Mai Đức Trung, Huy Tùng, Nguyễn Hoàng Viện… Nhưng nếu phải chọn một tác giả, một việc thật khó khăn, tôi nghiêng một chút về thơ của Nguyễn Thị Thu Hà. Thu Hà có những câu thơ giàu hình tượng, giàu sức gợi, khi đọc thơ Hà, tôi có nhiều hứng thú và thật sự xúc động”. 

Nhà văn Võ Diệu Thanh: “Phần lớn truyện đều nói về những phận người thấp bé tội nghiệp, hoặc những tâm tư học trò rất hồn nhiên. Các bạn đã biết nhìn trước nhìn sau quanh mình, đồng cảm được với những đau khổ của những thân phận thấp kém nhất của xã hội. Nội dung tư tưởng trong hầu hết các truyện đều khá chững chạc và nhân hậu. Một số bạn xây dựng được không gian cho truyện; cá tính, tình huống cho nhân vật có kịch tính. Bạn Hồ Ngọc Phát là khá nhất trong đợt này. Thấy bộc lộ được óc quan sát, nắm bắt được không gian truyện, tạo được những nút thắt kịch tính, ý tứ cởi mở. Khai thác được nội tâm nhân vật. Có góc nhìn riêng, dám công nhận và dám viết, tạo được ấn tượng. Những tố chất này dễ thành công khi đi sâu ở mảng truyện ngắn”.

Nhà văn Trần Dũng: “Ký văn học là một thách thức đối với những người cầm bút trẻ. Đọc 6 tác phẩm tham gia trại sáng tác này, tôi hiểu các bạn đã chấp nhận những thách thức đó một cách dũng cảm và sáng tạo. Mức độ thành công bước đầu của các bạn là khác nhau nhưng đã tạo ra một tín hiệu lạc quan cho ký văn học Cần Thơ những năm tới đây. Tác phẩm khá nhất là Đốm lửa lạ bên đời của tác giả Hoa Trúc”.

Trong số các cây bút trẻ này, tác giả Thu Hà, nữ sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, một người vốn rụt rè ít nói, hôm kết thúc trại (18.1), đã bộc bạch: “Còn gì bằng việc tìm thấy ngọn lửa của tuổi hai mươi? Tuy chỉ mới nhen nhóm nhưng em cảm thấy điều đó rất tuyệt!”.  

Bài thơ “Mưa.5” của Thu Hà in trong tập “Sáng tác trẻ TP.Cần Thơ” này, khát khao cháy bỏng: Không có mùa đông/ Chỉ có mùa mưa và mùa nắng/ Những ngày đầu mưa/ Lạnh/ Tâm hồn lên mốc/ Không có nắng để phơi/ Khép miệng, buông rèm/ Để mặc mưa viết nhớ thương trên ô cửa kính/ Lấy những chai nước sơn đủ màu/ Quệt vào ngón tay/ Ngón cái màu hồng/ Ngón trỏ màu đỏ/ Ngón giữa màu tím/ Áp út màu xám/ Cuối cùng màu đen/ Đưa bàn tay lên/ Nực cười/ Ngón cũng già nua như năm tháng/ Ngón nào của anh?/ Ngón hồng không có anh/ Ngón đỏ không có anh/ Hay anh ở trong màu tím? Cũng không!/ Anh ở trong ngón chưa mọc ra…

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.