Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè

27/09/2024 12:37 GMT+7

Vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ kéo theo nỗi lo lắng của người dân qua lại trên cầu Rạch Dơi nối TP.HCM và tỉnh Long An. Cây cầu sắt được xây dựng trước năm 1975 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, dấy lên nỗi lo cầu có thể sập bất cứ lúc nào.

Nín thở qua cầu sắt Nhà Bè

Cứ mỗi lượt xe đi qua, mặt cầu lại run lên bần bật, phát ra tiếng ồn lớn do các tấm sắt va vào nhau. Thanh sắt nẹp hai bên cầu nhiều đoạn bị đứt gãy. Những chiếc kẹp sắt lủng lẳng trên mặt cầu vì ốc cố định đã bung ra tự bao giờ. Rất nhiều điểm trên cầu bị rỉ sét nghiêm trọng... Cầu Rạch Dơi bắc qua dòng Sông Kinh, nối huyện Nhà Bè của TP.HCM và tỉnh Long An.

Dù đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy gây mất an toàn nhưng vì là tuyến giao thông quan trọng nên mỗi ngày, cầu Rạch Dơi vẫn thường xuyên phải gánh mật độ phương tiện cao, trong đó có cả những xe tải lớn.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè- Ảnh 1.

Cầu Rạch Dơi ngày ngày cõng lượng lớn phương tiện vì đây là tuyến giao thông quan trọng, nối huyện Nhà Bè (TP.HCM) và tỉnh Long An

Ảnh: VÕ HIẾU

Người dân dù đã quen với việc ngày nào cũng đi qua cầu nhưng không tránh khỏi sự nơm nớp, vì họ sợ "cầu có thể sập bất cứ lúc nào".

"Đường này đường chính mà, xe người ta đi đông lắm. Cây cầu này theo quan điểm của tôi là phải sửa lại, phải thay cầu chứ cầu này yếu rồi. Người ta thấy hư cái gì thì sửa chữa cái nấy thôi. Đó như cái chân cầu, người ta cũng chỉ đội lên cho nó chắc lại chứ thực ra cũng yếu rồi", một người dân sống gần cầu chia sẻ.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè- Ảnh 2.

Nhiều điểm trên cầu hư hại nghiêm trọng

Ảnh: VÕ HIẾU

Hư đâu sửa đó, có vài chỗ thậm chí được cố định bằng dây thừng cực kỳ tạm bợ. Cầu Rạch Dơi là cây cầu sắt được xây dựng trước năm 1975. TP.HCM đã có dự án xây cầu mới thay thế, phê duyệt từ năm 2016 nhưng chưa được triển khai.

Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành, thông xe cầu Rạch Dơi năm 2028.

Nghĩa là trong vài năm tới, người dân khu nam của TP.HCM vẫn phải tiếp tục chịu cảnh "vừa chạy vừa run" mỗi khi qua cầu.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè- Ảnh 3.

Thanh sắt hai bên cầu đứt gãy nhiều nơi, một số chỗ được cố định tạm bợ bằng... dây thừng

Ảnh: VÕ HIẾU

Cầu trăm tuổi chờ "khám sức khỏe"

Vụ sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ kéo theo nỗi lo lắng của người dân cả nước khi lưu thông qua những cây cầu nối đôi bờ sông.

Với địa hình sông nước bao quanh, TP.HCM đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra "sức khỏe" cho hàng trăm cây cầu lớn nhỏ cùng hầm chui trải khắp các quận, huyện. Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân.

Để tránh xảy ra sự cố gây thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn TP.HCM như sự cố sập cầu Phong Châu sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) quét qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề nghị các UBND quận huyện và thành phố Thủ Đức, các đơn vị thuộc sở và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão.

Trong đó, cầu Tân Thuận 1 được Sở GTVT TP.HCM liệt kê vào danh sách những cây cầu cũ cần được theo dõi sát sao. Cây cầu này nối quận 7 và quận 4, được xây dựng từ năm 1905, sau khi đào Kênh Tẻ. Cầu có chiều dài 241 mét, lòng cầu rộng 8 mét và có 2 lề dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng khoảng hơn 1 mét.

Cây cầu được sửa chữa lớn lần đầu tiên vào năm 1992. Những năm sau đó, cầu tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp nên năm 2005, thành phố tiếp tục cho nâng cấp lần 2.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè- Ảnh 4.

Cầu Tân Thuận 1 là một những cây cầu cũ cần được theo dõi sát sao

Ảnh: VÕ HIẾU

Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005, TP.HCM hoàn tất xây dựng và đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác. Cây cầu này được thiết kế gần như song song với cầu Tân Thuận 1 và chỉ cho phép các phương tiện lưu thông từ đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) sang đường Nguyễn Văn Linh (Q.7).

Năm 2020, Sở GTVT thành phố đã cấm xe lưu thông qua cầu Tân Thuận 1 trong 3 đêm để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên Báo Thanh Niên, đó chỉ là hoạt động duy tu tạm thời một số vị trí bị ăn mòn, gỉ sét dẫn đến đứt gãy thanh dàn và bong bật bản táp liên kết.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè- Ảnh 5.

Hiện trạng dầm dọc chủ, đầu thanh đứng - thanh xiên và dầm ngang của nhịp dàn vòm thép tại một số nút dàn trên cầu ghi nhận bị gỉ sét, hư hỏng do ăn mòn. Do đó, thành phố đã lên kế hoạch tiếp tục sửa chữa, khắc phục hư hỏng, gia cường đảm bảo duy trì khả năng khai thác bình thường của cầu.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, TP.HCM cần tăng tốc triển khai đúng tiến độ các dự án cầu đường để đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho các công trình phục vụ dân sinh, tránh xảy ra tai nạn tang thương.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.