Vượt qua mất mát, quyết tâm làm giàu
Câu chuyện tôi muốn kể là về anh Nguyễn Văn Chung sinh năm 1984, ở thôn Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Lần đầu tiên tôi gặp anh Chung, thấy anh đi bằng đôi tay nhanh thoăn thoắt ra đón khách, tôi vô cùng bất ngờ.
Anh Chung tại một hội chợ xanh và đang bày bán xà phòng thảo dược |
tgcc |
Anh Chung vốn sinh ra lành lặn trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Năm 18 tuổi, tai họa ập đến. Trong một lần đi làm đồng, anh Chung nhảy xuống máng nước vớt hộ người hàng xóm chiếc cờ-lê. Chẳng may, nước chảy xiết cuốn anh vào máy bơm của trạm bơm xã Minh Cường. Đôi chân anh bị máy bơm quay dập nát. Từ đó, anh Chung mất hẳn đôi chân và phải học đi lần thứ 2 trong đời bằng đôi tay.
Ngắm trên bức tường nhà, tôi thấy rất nhiều huy chương thể thao của anh Chung. Sau tai nạn, anh Chung được giới thiệu tham gia CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Giỏi nhiều môn nhưng anh Chung đã chọn bơi lội, anh bảo “mình ngã ở đâu thì mình sẽ đứng lên ở đó”. Anh tham gia 4 kỳ Para Games liên tiếp: năm 2003 tại Hà Nội, năm 2005 tại Philippines, tại Thái Lan năm 2008 và Indonesia năm 2011 và đều giành huy chương.
Như nhiều vận động viên thể thao khác, qua thời kỳ đỉnh cao đều phải tìm một nghề để mưu sinh. Nhất là vận động viên khuyết tật. Anh Chung chẳng nề hà việc gì, miễn có tiền để sống và gửi về cho mẹ già ở quê. Từ dọn nhà, đi giao hàng, phục vụ quán ăn... anh Chung đều đã từng “có kinh nghiệm”.
Tình cờ, tại khu trọ, anh Chung quen anh Vũ Trung Đức (lúc đó là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Anh Đức đã tặng xà phòng thảo dược cho anh Chung tắm để bảo vệ làn da. Dùng thấy thích. Anh Chung nhen nhóm ý tưởng điều chế các loại xà phòng thảo dược và đưa ra thị trường.
Với số vốn liếng ít ỏi tích góp được từ ngày còn thi đấu thể thao, anh Chung tìm mua nguyên liệu như sả, gừng, tía tô, mật ong, chùm ngây, bồ kết... về nấu xà phòng. Nấu hỏng, nấu lỗi nhiều lần, tiền mất nhưng anh không bỏ cuộc. Anh tủm tỉm nói với tôi rằng: “Làm việc gì chẳng có khó khăn, vấp ngã. Người được học đôi khi còn nấu hỏng nói gì mình tự mày mò, mất tiền thì lại học được cái khôn, cái kinh nghiệm”.
Sau nhiều lần thất bại, anh Chung đã thành công. Xà phòng thảo dược của anh được khách hàng đón nhận bởi hai đặc tính: thích hợp với da nhạy cảm và thân thiện với môi trường.
Năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ anh Đức, anh Chung mở xưởng sản xuất, trồng nguồn nguyên liệu ở Ninh Bình và tạo việc làm cho gần 30 nhân công. Anh đặt tên cho sản phẩm là xà phòng thảo dược Sam Sôn (một nhân vật trong Kinh thánh). Anh tham gia nhiều hội chợ xanh và mỗi lần bán được hàng nghìn bánh xà phòng.
Công việc kinh doanh đi lên như “diều gặp gió”. Anh còn phát triển thêm sản phẩm muối ngâm chân và dầu gội tinh dầu... Anh Chung đang ấp ủ đưa sản phẩm sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa triển khai được. “Doanh thu những năm trước dịch Covid-19 của tôi dao động ở mức 400 – 500 triệu đồng/năm”, anh Chung nói.
Ngoài ra, anh Chung rất tích cực làm từ thiện và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Với nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh Chung được nhận danh hiệu Người tốt Việc tốt của UBND TP. Hà Nội năm 2021.
Sáng kiến nhỏ, hiệu quả to
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, xã Hà Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội) nằm trên trục cửa ngõ thủ đô nên rất được chú trọng. Tại các chốt trực, cán bộ y tế và đoàn viên thanh niên phải đeo khẩu trang gần như cả ngày. Sau vài ngày, nhiều bạn gặp tình trạng trầy xước và đau nhức vùng mang tai, gáy, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sáng kiến tai giả giúp giảm đau mang tai khi đeo khẩu trang của anh Sơn |
nhật nam |
Trăn trở trước tình hình trên, anh Lý Văn Sơn - Bí thư Đoàn thanh niên xã Hà Hồi đã có một sáng kiến nho nhỏ nhưng đem lại hiệu quả chẳng hề nhỏ chút nào.
Nhớ lại những ngày tháng “căng như dây đàn” chống dịch, anh Sơn thở phào rồi tỉ tê kể chuyện cho tôi nghe. “Tuy biết rằng dịch bệnh rất nguy hiểm nhưng tất cả đoàn viên đều hết sức cố gắng và cẩn thận. Thấy nhiều em liên tục phải chỉnh quai đeo khẩu trang, rồi xoa dầu lên vùng mang tai, tôi biết các em đau, khó chịu lắm. Trưa về, tôi lên mạng tìm kiếm cách để khắc phục và rất may, tôi xem được ý tưởng của một người Canada”.
Hồ hởi khoe với tôi chiếc “tai giả”, anh Sơn bảo “nó đây, nhỏ mà có võ đấy”. Quan sát kỹ chiếc tai giả đã tham gia “tác chiến” trong dịch, tôi thấy đó chỉ là một chiếc vỏ bánh đậu xanh được cắt gọt. Anh Sơn chia sẻ rằng, thiết kế tai giả ban đầu của người bạn Canada trên mạng được làm bằng nhựa và đúc khuôn chắc chắn. Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh phải hạn chế tiếp xúc và cần gấp nên tôi chuyển sang dùng vỏ hộp bánh và bìa các-tông. Chỉ trong vòng vài giờ, anh Sơn và các bạn đoàn viên đã cắt được hàng trăm chiếc tai giả và mang tặng cho nhiều chốt trực trong huyện.
Chiếc “tai giả” có hình giống như chiếc lược, có các nấc treo nhô ra ở hai bên. Các nấc này dùng để điều chỉnh kích thước vòng đầu và người đeo có thể vòng dây qua các nấc mà không cần trực tiếp vòng qua vành tai. Đeo tai giả vài ngày cũng không có cảm giác bị tê hay đau.
Anh Sơn chia sẻ: “Giờ dịch đã được kiểm soát. Chiếc tai giả chúng tôi sẽ giữ lại như một kỷ niệm của những ngày đồng lòng chống dịch”.
“Lửa tình nguyện luôn cháy ngùn ngụt trong tôi”
Đó là anh Văn Đình Tưởng – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thư Phú (huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Anh Tưởng tuổi đời mới ngoài 30 nhưng đã có 15 hoạt động tình nguyện.
Anh Văn Đình Tưởng (bìa phải) nhận danh hiệu Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2017 |
tgcc |
Văn Đình Tưởng khá to cao, vạm vỡ. Nhưng chẳng mấy ai tin được vào đầu năm 2020, anh đã trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Đó là căn bệnh máu nhiễm khuẩn đã khiến anh phải nằm viện mất hai tháng. Gia đình nghèo, không có tiền chạy chữa. Nhưng cộng đồng tình nguyện đã quyên góp tiền và hiến máu giúp anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Năm 2016, nhận thấy trên địa bàn huyện Thường Tín có rất nhiều hoạt động tình nguyện nhưng lẻ tẻ, anh Tưởng đã liên kết và sáp nhập các nhóm lại để thành lập Câu lạc bộ Tình nguyện – Nhân đạo Thường Tín do anh làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ ra đời đã mang lại hơi ấm cho hàng trăm hộ nghèo, người neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi.... CLB luôn có mặt ở các “điểm nóng” như: tiếp sức mùa thi, chiến dịch Mùa hè xanh, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo, dạy trẻ em tự kỷ…
Năm lũ lịch sử 2020 ở miền Trung, anh Tưởng tham gia chương trình Cứu lũ miền Trung của huyện Thường Tín. Đoàn đã tặng hàng nghìn suất quà để giúp bà con vùng lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị vượt qua nỗi đau mất mát.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, anh Tưởng là người rất năng nổ cho dù biết mình có bệnh nền. Hai tháng liền trực chốt ngày đêm, anh Tưởng còn có nhiều cách làm sáng tạo để tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phòng chống dịch bệnh như cõng loa khắp các ngõ, dán poster tại nơi công cộng, trạm rửa tay sát khuẩn di động...
Thương các em nhỏ ở vùng cao, tháng 1.2022, anh Tưởng đã vận động được hơn 130 triệu đồng để đi làm tình nguyện tại huyện biên giới Bát Xát (Lào Cai). Nhiều người gọi anh Tưởng là “vua vận động”, bởi không có hoạt động tình nguyện nào mà chàng trai này “ngại” hoặc sợ “chai mặt” không dám đi cả. Bản thân tôi khi nghe anh kể về các hoạt động tình nguyện cũng không thể nhớ được hết, bởi vì... quá nhiều.
Anh Tưởng được tặng danh hiệu Người tốt Việc tốt của TP. Hà Nội năm 2021.
Bình luận (0)