Những chàng trai mê ‘săn’ cảnh đẹp hùng vĩ

29/06/2021 11:32 GMT+7

Những chàng trai không ngại từ bỏ công việc để sống hết mình với đam mê ghi lại 'săn' cảnh đẹp hùng vĩ khắp Việt Nam.

Bỏ việc làm ở ngân hàng để 'săn' cảnh đẹp

Trước khi theo đuổi đam mê nhiếp ảnh, Bùi Xuân Việt (31 tuổi, ở TP.HCM), từng làm việc tại một ngân hàng ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Việt cho rằng bản thân đã học được rất nhiều thứ từ lĩnh vực ngân hàng, nhưng thứ Việt phải đánh đổi lại là nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ.
“Khi nhiếp ảnh đến với mình, nó đã thay đổi hoàn toàn bản thân, cho mình động lực để quyết tâm tạo dựng một cái gì đó cho riêng mình dựa trên đam mê chứ không còn là một nghề nghiệp mà ba mẹ đã định sẵn cho mình từ rất lâu”, Xuân Việt chia sẻ.
Xuân Việt quyết định nghỉ việc tại ngân hàng để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Đó là quyết định rất khó khăn vì phải đối mặt sự phản đối từ gia đình lẫn bạn bè.

Hoa đào nở rộ trên đồi chè Ô Long (Sa Pa)

Xuân Việt

Anh Bùi Xuân Việt

NVCC

“Lúc đó, không ai ủng hộ mình, làm mình cũng rất mông lung với tương lai, nhưng mình đã chọn theo đuổi đam mê nhiếp ảnh”, Xuân Việt kể lại.
Thế là Xuân Việt dành thời gian đi nhiều nơi để 'săn lùng' ảnh đẹp. Anh chia sẻ: “Bạn bè hay mọi người xung quanh cho rằng mình chỉ toàn đi du lịch. Tuy nhiên, việc đi săn ảnh hoàn toàn khác so với đi du lịch”. Để 'bắt' được nhiều cảnh đẹp, Xuân Việt phải đổ nhiều tâm huyết, không ngại khó khăn để tạo ra được một bức ảnh mãn nhãn.
Với những bức ảnh chụp sương, mây luồn, cảnh thiên nhiên kỳ vĩ... Việt phải luôn lựa chọn thời tiết, đợi ở điểm chụp vài ngày, có nơi phải đi đến vài lần mới được đúng thời điểm ưng ý.

Ảnh chụp ở huyện Bát Xá (Lào Cai)

Xuân Việt

“Ở Việt Nam, mỗi vùng sẽ đẹp theo mỗi mùa và mình phải canh đúng mùa để đi chụp. Chẳng hạn, ở biển thì thời điểm chụp thích hợp là vào tháng 11 đến tháng 3. Cảnh ruộng bậc thang ở Tây Bắc thì đẹp nhất là vào lúc lúa chín”, anh Việt chia sẻ.
Để có những bức hình chân thật nhất, Việt phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng để kịp bình minh, đi vào những nơi hoang sơ ít người ở, không có điện, đi bộ hàng chục km với ba - lô 15 kg để tới điểm chụp...
“Mình từng gặp nguy hiểm khi đi chụp, như suýt bị sóng cuốn khi chụp ở đảo Phú Quý. Khi đó, gió cấp 8 và những con sóng cao qua nóc nhà 2 tầng cứ ập xuống, còn mình đứng sát mép đá bấm máy xong quay lại ôm máy chạy ngay”, chàng trai 9X chia sẻ.
Trải qua những khó khăn, Việt nhận lại được là niềm hạnh phúc mỗi ngày vì được sống hết mình với đam mê. “Mình và vợ đã gặp được nhau trong một chuyến đi chụp tại Đà Lạt và sau đó hai đứa đã cùng nhau đồng hành trên mọi chuyến đi theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Đây cũng là một trong những điều tốt đẹp nhất mà đam mê nhiếp ảnh đã mang lại cho mình”, Việt bồi hồi.

Nghỉ việc để chinh phục nét đẹp vùng cao

Là một người yêu thích du lịch khám phá, Phạm Xuân Quý (33 tuổi, ở TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) bị hút hồn bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ nơi vùng cao sau chuyến thăm tỉnh Hà Giang.
“Tôi được tận mắt thấy cảnh đẹp hùng vĩ, yên bình và thơ mộng của cao nguyên đá... được thấy cảnh các em nhỏ vùng núi xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống, trên môi lúng liếng nụ cười, trên hết là sự thật thà và lạc quan đáng kinh ngạc của họ”, Xuân Quý kể lại.
Từ đó, Xuân Quý luôn ấp ủ mong muốn sớm quay lại vùng cao, để tiếp tục khám phá và tìm hiểu nhiều hơn về cảnh đẹp và con người đồng bào dân tộc nơi đây.
Khoảng thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội hồi năm ngoái, Xuân Quý đã nhìn lại những bức ảnh mình chụp ở Hà Giang và chúng đã thôi thúc Quý phải sống khác.

Buổi chiều ở đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)

Xuân Quý

Xuân Quý và đồng bào người Mông ở dốc Thẩm Mã (Hà Giang)

NVCC

Vào tháng 5.2020, Xuân Quý quyết định xin nghỉ việc quản lý rạp chiếu phim, một mình xách ba lô bắt đầu hành trình dài khám phá vùng núi phía Bắc của đất nước.
“Ban đầu mình gặp khó khăn vì gia đình cũng thắc mắc và hỏi han rất nhiều vì đã gắn bó công việc này gần 8 năm. Sau đó, mình cố giải thích và may mắn được mẹ đồng cảm và chấp nhận”, Xuân Quý nói.
Tính đến hiện tại, Xuân Quý đã khám phá khắp Hà Giang và các tỉnh Tây Bắc, ghi lại cuộc hành trình của mình bằng những bức ảnh về cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và có cả những nụ cười tươi rối trên môi những trẻ thơ nơi vùng núi.
Không phải là một nhiếp ảnh chuyên nghiệp, Xuân Quý tự trao dồi kiến thức chụp ảnh qua internet và qua kinh nghiệm được chia sẻ từ bạn bè.

Đường xuống sông Nho Quế (Hà Giang)

Xuân Quý

Cảnh ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)

Xuân Quý

“Ban đầu mình chụp ảnh rất 'non', không có chiều sâu, nhưng qua mỗi chuyến đi thì tay nghề có lên được một chút, mặc dù tới giờ ảnh của mình cũng không phải đẹp gì nhưng mình cảm thấy hài lòng về điều đó”, Xuân Quý chia sẻ.
Xuân Quý cho biết muốn 'bắt' lại những khoảnh khắc đẹp nơi vùng cao và chia sẻ đến mọi người, để nơi đây có thêm nhiều người biết và tìm đến. Anh hy vọng trong tương lai du lịch vùng cao sẽ phát triển, qua đó tạo được nhiều cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc.
“Mình không hối hận khi quyết định từ bỏ công việc 8 năm. Mình cảm thấy những trải nghiệm nhận được trong suốt hành trình là hoàn toàn xứng đáng”, chàng trai mê săn cảnh đẹp chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.