“Một người có “tiếng khét” như cụ Vi Văn Định chắc cũng còn cả “tiếng thơm” chứ? Chúng ta khơi thác, sử dụng tiếng thơm ấy có lợi cho sự nghiệp chung”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Cụ Vi Văn Định (người cầm gậy) cùng gia đình trong kháng chiến (1953) - Ảnh: Nguyễn Kim Nữ Hạnh
|
14 giờ 30 ngày 15.11.2012, đúng hẹn, tôi tới lầu văn của nhà văn Học Phi (1913 - 2014) trên tầng 4 chung cư 17T8 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) để được nghe cụ kể chuyện.
Làm cho người ta yêu quý hơn
Cụ Học Phi đã 99 tuổi nhưng vẫn minh tuệ lạ thường. Từ cuộc gặp đầu tiên (21.7.2011), tôi vẫn được cụ kể về Cách mạng Tháng 8.1945. Mỗi lần chỉ đúng 30 phút, sau 14 giờ. Đến 15 giờ, cụ lại neo mình vào bàn làm việc để tiếp tục viết kịch hoặc tiểu thuyết.
Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên Chu Văn Tập (tên thật của nhà văn Học Phi) cho bắt viên cựu Tuần phủ tỉnh Hưng Yên. Chuyện đến tai Hồ Chủ tịch, ông được gọi lên Bắc Bộ Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thả ngay ông cựu tuần phủ đó ra. Chu Văn Tập kể lại rằng trong thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp (1936 - 1939), viên quan này từng viết bài nói xấu Cộng sản trên báo. “Cụ Hồ nói với tôi - nhà văn Học Phi kể lại - chú có biết “làm cho người ta yêu quý hơn là làm cho người ta sợ hãi không?”.
Vậy là viên quan tuần phủ đó được về với gia đình trong niềm vui mừng của vợ con. Nhà văn Học Phi, gần 70 năm sau, vẫn luôn thán phục: “Chỉ có Cụ Hồ mới làm được những việc như thế anh ạ. Chính cụ đã cho mời Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định về làm việc với Chính phủ đấy. Tôi biết nhiều anh em Cộng sản ở Thái Bình họ không đồng ý đâu. Nhưng Cụ Hồ đã cử anh Ba Ngọ lên tận Lạng Sơn đón cụ Vi về Hà Nội”.
Cùng dân tộc đi kháng chiến
Năm 2007, tôi đến nhà số 2 phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà giáo Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái đầu của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cháu ngoại cụ Vi Văn Định, kể cho tôi nghe chuyện cụ Vi đi kháng chiến.
Tháng 7.1946, tại ngôi nhà 75 Hàng Bông (Hà Nội) diễn ra cuộc họp giữa ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, với con cháu họ Vi, để bàn việc mời cụ Vi Văn Định về Hà Nội. Biết chuyện, Hồ Chủ tịch cử người đi mời cụ Vi, có người ngăn: “Ông Vi Văn Định làm Tổng đốc Thái Bình khét tiếng bắt cán bộ cách mạng, ta không trừng trị là phúc cho ông ta. Nay Bác lại mời ông ta ra làm việc, liệu có nên không thưa Bác?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một người có “tiếng khét” như cụ Vi Văn Định chắc cũng còn cả “tiếng thơm” chứ? Chúng ta khơi thác, sử dụng tiếng thơm ấy có lợi cho sự nghiệp chung”.
Lúc này, cụ Vi Văn Định còn có cả uy danh dòng họ 13 đời làm thổ ty ở Lạng Sơn, góp nhiều công trạng với quốc gia. Các con, cháu, rể danh tiếng của cụ cũng đang hăng hái tham gia việc nước. Con trai cụ là Vi Văn Kỳ, làm việc ở Bộ Nội vụ. Con rể lớn là GS Nguyễn Văn Huyên, Tổng giám đốc Đại học vụ, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; con rể khác là GS Hồ Đắc Di, Tổng thanh tra y tế, cháu rể là GS Tôn Thất Tùng.
Ông Ba Ngọ tức Nguyễn Văn Ngọ (1906 - 1954), sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thái Bình (1946 - 1949), Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1949 - 1950) có mặt tại cuộc họp đã nhận lời lên Lạng Sơn đón thì cụ Vi mới tin tưởng. Tháng 3.1930, Xứ ủy Bắc Kỳ điều động ông Ba Ngọ về công tác tại Thái Bình, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách thị xã và hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư). Tháng 10.1930, ông bị bắt cùng nhiều đồng chí khác trong hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga. Khi đó, Tổng đốc Vi Văn Định thường giam chính trị phạm ngay gần phòng ngủ của cụ. Trưa cụ lại gọi lên đọc báo cho cụ nghe.
Người cháu rể Tôn Thất Tùng cùng ông Ba Ngọ lên Lạng Sơn. Trước khi đoàn đi, bà Vi Thị Kim Ngọc, con gái cụ Vi được đề nghị viết thư gửi cụ. Bà đang ngồi viết thì có người làm ở Văn phòng Bắc Bộ Phủ vốn là viên chức cũ ở Phủ Khâm sai đi qua, nói nhỏ vào tai: “Bút sa gà chết đấy”. Tin vào cách mạng, tin vào Hồ Chủ tịch, bà vẫn viết trọn lá thư.
Ông Ba Ngọ cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng lên đến Lạng Sơn, đã cùng ông Hoàng Văn Kiểu (Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn) lên bản Chu, Lộc Bình. Vừa thấy ông Ba Ngọ, cụ Vi nhận ra ngay, hai người ôm chầm lấy nhau. Biết rõ lý do, cụ Vi nhận lời mời và cùng về ngay Hà Nội trong ngày.
Cựu Tổng đốc Vi Văn Định đồng ý đi theo cách mạng đã vang tiếng lành tới khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Cũng như nhiều nhân sĩ cao tuổi khác (Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ...), cụ đã sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến, tham gia nhiều cuộc họp của Hội đồng Chính phủ. Trong những bức thư gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn, Hồ Chủ tịch vẫn không quên “gửi lời thăm cụ Phan và cụ Vi” tức cụ Phan Kế Toại - cựu Khâm sai đại thần Bắc bộ và cụ Vi Văn Định.
Kháng chiến thành công, cụ Vi Văn Định về sống ở Hà Nội. Cụ làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN. Con cháu cụ theo gương đều tham gia tích cực trong hai cuộc kháng chiến. Có những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến nhà riêng của họa sĩ - NSƯT Ngọc Linh (tên thật là Vi Văn Bích), cháu nội cụ Vi, tôi vừa được chiêm ngưỡng bức chân dung vẽ tương đương với vóc dáng con người thật của cụ vừa được biết thêm nhiều chuyện đời thường của một người uy danh lừng lẫy.
Tổng đốc Vi Văn Định (1878 - 1975) xuất thân trong một gia đình quý tộc người Tày tại bản Chu, xã Khuất Xá, H.Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn ngày nay. Tổ tiên họ Vi được triều đình cử trấn giữ biên giới phía bắc. Dòng họ có nhiều người được phong làm quận công trong nhiều thế hệ từ đời Trần đến triều Nguyễn.
Cụ Vi Văn Định được cử giữ nhiều chức quan lớn: Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929 - 1937), Tổng đốc tỉnh Hà Đông, được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942.
|
Bình luận (0)