Trên địa bàn TP.HCM có gần 1.600 y bác sĩ tuyến phường, xã. Nhiệm vụ của các y bác sĩ tuyến cơ sở này rất nặng nề, bởi họ phải có nhiệm vụ “truy tìm” danh sách người tiếp xúc ca bệnh, ca nghi ngờ...; đồng thời hướng dẫn, tư vấn, khám sức khỏe hằng ngày cho người dân.
Sẵn sàng tâm lý đi... cách ly
Bác sĩ Bùi Thị Thanh Hải, Trưởng trạm y tế P.5 (Q.11), cho biết từ khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) “bật tín hiệu đỏ” về phòng chống dịch Covid-19, thì số điện thoại cá nhân của chị cũng được chuyển thành đường dây nóng thường xuyên tiếp nhận hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của người dân về dịch Covid-19 ở địa phương.
|
Ngoài việc trấn an, hướng dẫn cho bà con phòng chống dịch bệnh, bác sĩ Hải và đồng nghiệp cơ sở luôn là những người đầu tiên tiếp xúc, đánh giá tình hình, lập danh sách người tiếp xúc người nhiễm Covid-19 và xác định mức độ cách ly đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm sau khi chính quyền cung cấp danh sách. Công việc của cán bộ y tế phường có phần nguy hiểm, bởi lúc đầu xác minh không thể mặc đồ bảo hộ xuống nhà dân làm việc, vì sẽ làm cho gia đình người tiếp xúc với cán bộ cảm thấy khó chịu và cũng tạo nên những dư luận không hay cho cộng đồng dân cư xung quanh đó.
Từng tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19, bác sĩ Hải cũng đã từng bị cách ly tại nhà. “Mình sống một mình và xa gia đình, nên nếu có cách ly cũng dễ hơn chị em ở trạm. Nhiều người sống chung với gia đình, lại có con nhỏ nên nếu cách ly sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Bác sĩ Hải cũng cho biết “không có công thức chung” trong tác nghiệp vì mỗi trường hợp cần tiếp xúc đều là một trường hợp riêng biệt. Những ngày đầu khi tiếp nhận thông tin, cần 3 cán bộ y tế của trạm đến xác nhận thông tin. Sau thời gian rút kinh nghiệm, đến nay, chỉ cần 2 người là có thể hoàn thành công việc ghi nhận, đánh giá mức độ cách ly, hướng dẫn y tế và phối hợp với các cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết. “Nếu thực sự ca mà mình tiếp xúc có dương tính thì 2 nhân viên y tế phải đi cách ly. Mình còn những người khác để làm các công việc khác”, bác sĩ Hải bộc bạch.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn gần 2.000 người đang cách ly tại nơi cư trú. Để làm tốt việc giám sát, theo dõi, hằng ngày có hàng ngàn lượt nhân viên y tế cấp xã đến tận nhà từng người để đo thân nhiệt, hoặc kiểm tra các dấu hiệu khác liên quan đến bệnh Covid-19.
Sáng 20.3, PV Thanh Niên theo chân y sĩ Lê Công Bảy, công tác tại Trạm y tế P.Đông Hương (TP.Thanh Hóa) đến một gia đình có người đang cách ly tại nhà để đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe. Nghe tiếng y sĩ Bảy, chủ nhà vừa chạy ra mở cửa, vừa gọi lớn: “Bác Bảy đến rồi con ơi!”.
Hoàn thành xong việc đo thân nhiệt cho người đang cách ly, y sĩ Bảy kể: “Kể từ ngày Thanh Hóa có ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên (ngày 23.1 - PV), tôi đã nói với vợ con là “vợ con ở nhà chuẩn bị tư tưởng, nếu trên địa bàn phường có ca nhiễm Covid-19, thì mẹ con phải tự lo lấy việc gia đình, bố phải cách ly đấy”. Đến hôm nay (20.3), trên địa bàn phường đang có 20 người dân thuộc diện cách ly tại nơi cư trú, đều đặn mỗi ngày tôi đều đi đo thân nhiệt và khám sức khỏe cho họ”.
Kể về mối nguy lây nhiễm bệnh và những vất vả thường ngày, y sĩ Bảy cho hay: “Gần 2 tháng nay, công việc của tôi không kể ngày đêm, nhất là những ngày gần đây, chỉ cần có người dân hoặc tổ trưởng tổ dân phố báo có người mới về địa phương là lại xách đồ nghề đến nhà họ ngay để xác minh lịch trình di chuyển, rồi kiểm tra sức khỏe. Biết là vất vả, có nguy cơ cao nhiễm bệnh, nhưng đó là công việc rồi, là trách nhiệm rồi. Tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý, nếu trường hợp trong những người tôi tiếp xúc dương tính với SARS-CoV-2, thì đương nhiên tôi trở thành F1, và phải cách ly ngay. Còn áp lực về phía gia đình, làng xóm, anh em cũng có chứ, mình đi tiếp xúc với người từ vùng dịch về mà”.
“Mình sợ thì ai làm”
Hẹn mãi chúng tôi mới có thể gặp được các bác sĩ đang công tác tại Trạm y tế P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền (TP.Hải Phòng). “Hơn 1 tháng nay, ngày nào chúng tôi cũng phải đi rà soát, đến cơ sở để gặp gỡ, vận động người đi cách ly hoặc hướng dẫn cách ly tại nhà”, chị Nguyễn Thị Vui Xuân, Phó trưởng trạm y tế P.Đằng Giang, buông điện thoại xuống giải thích. Cuộc điện thoại mà chị Xuân vừa kết thúc là của một người dân gọi đến thông tin về việc trong khu dân cư có Việt kiều mới về. “Chị em trong trạm phải thay nhau trực điện thoại nếu không thì đau tai lắm ạ”, chị Xuân nói vui.
|
Chính vì vậy, đội ngũ y tế và ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại đây rất vất vả. Chị Xuân cho biết, ngày nào các chị cũng ở trạm đến tối muộn. Về đến nhà mà có cuộc gọi xuống cơ sở lại lấy xe đi luôn. Nhiều hôm đi đến 1- 2 giờ sáng khiến chồng con giận dỗi. Công tác nhiều năm ở trạm y tế nhưng chị Xuân chưa thấy khi nào cường độ công việc nhiều như hiện nay. Ngoài rà soát, khai báo y tế, vận động cách ly, đội ngũ y tế cùng chính quyền và công an phải kiểm soát quá trình cách ly, khử trùng khu dân cư và tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân cách phòng dịch.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều cán bộ y tế xã, phường thẳng thắn thừa nhận không hề sợ hãi khi tiếp xúc sớm và gần với những người có nguy cơ nhiễm Covid-19. Chị Trần Thị Thanh Huyên, Trưởng trạm y tế xã Phù Ninh, H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), bày tỏ: “Mình sợ thì ai làm. Chúng tôi cũng đã được tập huấn công tác phòng dịch rồi. Công việc nhiều hơn, vất vả hơn nhưng tôi chưa thấy ai than một lời nào. Chúng tôi hiểu rằng nếu mình làm tốt thì công tác chống dịch sẽ hiệu quả, cộng đồng được an toàn hơn”.
Chị Huyên cũng cho rằng, để giảm tải cho đội ngũ y tế, người dân phải có ý thức chống dịch cao, chủ động thông tin, báo cho chính quyền khi từ vùng có dịch về.
Những đêm trắngLúc 2 giờ 30 ngày 21.3, PV Thanh Niên có mặt ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại hầm Hải Vân, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng).
Đây là 1 trong 7 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các tuyến cửa ngõ ra vào trung tâm Đà Nẵng để kiểm tra thân nhiệt, nắm thông tin lịch trình các hành khách xuyên suốt 24/24 giờ mà Đà Nẵng triển khai để ngăn dịch. Hầu như tất cả xe khách có tuyến bắc - nam khi qua hầm Hải Vân đều thực hiện tốt hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra y tế.
Chị Trần Kim Ngân, 26 tuổi, nhân viên điều dưỡng Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu, chia sẻ rằng thời điểm kiểm tra lúc nửa đêm là khó khăn nhất bởi nhiều hành khách đang ngủ say không xuống xe, buộc các nhân viên y tế phải lên tận xe để đo thân nhiệt, nắm thông tin lịch trình.
Trong khi đó, chốt kiểm soát dịch trên đường Trường Sa (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) khá đặc biệt vì có nhiều du khách nước ngoài ra vào tham quan Hội An (Quảng Nam). Với sự hỗ trợ của các đoàn viên TP.Đà Nẵng, việc kiểm soát dịch và trò chuyện tạo sự thân thiện đối với du khách được triển khai hiệu quả.
|
Bình luận (0)