Cách đây vài ngày, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo rằng “rất có khả năng xảy ra xung đột” với CHDCND Triều Tiên ở giới tuyến gây tranh cãi trên Hoàng Hải và đường phân định biên giới trên bộ giữa hai nước, theo Reuters. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện căng thẳng với nguy cơ nổ ra xung đột quân sự song vẫn chưa đến mức như trong nửa cuối thập niên 1960, khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) tiến hành chiến dịch du kích chống Hàn Quốc và Mỹ.
Tính từ tháng 10.1966 - 10.1969 đã có hàng loạt vụ đụng độ xảy ra tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), khiến 42 binh sĩ Mỹ, 299 lính Hàn Quốc và 397 binh sĩ Triều Tiên thiệt mạng, theo tác giả Daniel P.Bolger viết trong cuốn sách Scenes from an Unfinished War: Low-Intensity Conflict in Korea, 1966 - 1969 (tạm dịch: Cảnh tượng từ cuộc chiến tranh chưa kết thúc: Cuộc xung đột cường độ thấp ở bán đảo Triều Tiên, 1966 - 1969).
Đổ bộ bằng đường biển
Kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc, các vụ đụng độ nhỏ lẻ vẫn thường xảy ra ở khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, đến gần giữa tháng 10.1966 thì bầu không khí DMZ trở nên u ám, dự báo một kết thúc đẫm máu trong thập niên đó. Chỉ trong vòng 5 ngày, kể từ ngày 13.10, Triều Tiên tiến hành 5 cuộc phục kích nhắm vào binh sĩ ở Hàn Quốc. Vài tuần sau, vào ngày 2.11, khi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson sắp kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, một cuộc phục kích của Triều Tiên đã làm 6 binh sĩ Mỹ và 1 lính Hàn Quốc thiệt mạng. Những vụ tấn công này đánh dấu loạt đạn mở màn chiến dịch du kích của Bình Nhưỡng, đẩy bán đảo Triều Tiên vào vòng xoáy bạo lực cho đến hết thập niên 1960. Chủ tịch Kim Nhật Thành được cho là đã điều hàng trăm biệt kích và điệp viên đến Hàn Quốc để tuyển mộ gián điệp, tấn công binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc và xây dựng cơ sở ngầm để tiến hành cách mạng.
Sau vụ tấn công tháng 11.1966, tình hình DMZ tạm lắng, nhưng đến năm 1967, các vụ đối đầu tại khu vực gia tăng bất thường. Có khoảng 200 cuộc đụng độ trong năm 1967, tăng gần 5 lần so với năm trước, theo War is Boring. Không chỉ tiến hành các cuộc phục kích ở DMZ, Bình Nhưỡng còn bị cho là điều 60 biệt kích xâm nhập sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc. Cũng từ năm 1967, Triều Tiên bắt đầu gia tăng chiến dịch đổ bộ bằng đường biển để đưa điệp viên vào Hàn Quốc.
Nhằm ứng phó chiến dịch du kích của Triều Tiên, cảnh sát quốc gia Hàn Quốc được tăng quân số lên đến 40.000 người vào năm 1967, nguồn lực cho các đơn vị tuần tra bờ biển cũng được bổ sung. Vào cuối năm đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã tái cơ cấu nhiệm vụ chống xâm nhập và an ninh nội bộ trong các cơ quan an ninh. Bên cạnh đó, giới chức Hàn Quốc khuyến khích dân thường báo cho cảnh sát khi thấy những kẻ đáng nghi. Những người cung cấp thông tin giúp bắt điệp viên Triều Tiên có thể nhận được 200.000 won (660 USD) và có thể lấy 50% số tiền mà điệp viên bị bắt mang theo người.
|
Thảm bại của Đơn vị 124
Nhờ có sự chuẩn bị và sự hợp tác của người dân, lực lượng an ninh Hàn Quốc đã ngăn chặn được nhiều vụ đột nhập từ phía Triều Tiên trong 2 năm 1968 -1969. Chấn động nhất là vụ Đơn vị 124 của quân đội Triều Tiên điều 31 biệt kích ám sát Tổng thống Park Chung-hee vào tháng 1.1968. Cụ thể vào ngày 18.1, nhóm biệt kích băng qua biên giới, tiến hành chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực gần đó. Nhiều người Hàn Quốc thấy nhóm này có dấu hiệu khả nghi nên đã báo cảnh sát. Trong lúc bị các lực lượng an ninh Hàn Quốc săn lùng, nhóm biệt kích Triều Tiên đã tìm đường tiến vào thủ đô Seoul. Đến ngày 21.1, khi chỉ còn cách Nhà Xanh, nơi ở và làm việc của tổng thống Hàn Quốc, khoảng 800 m, đội biệt kích miền Bắc bị phát hiện, dẫn tới cuộc đấu súng ác liệt với các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc. Hai biệt kích Triều Tiên đã thiệt mạng trong ngày đầu giao tranh và những ngày kế tiếp có thêm 27 người tự sát hoặc chết trong tay của binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ có 2 người sống sót: một người trốn thoát trở lại miền Bắc và được thăng quan tiến chức, còn một người bị bắt giữ và được ân xá trước khi trở thành mục sư ở Hàn Quốc.
Khoảng 9 tháng sau, Đơn vị 124 tiếp tục điều 120 lính đặc nhiệm xâm nhập khu Ulchin trên bờ biển phía đông của Hàn Quốc. Nhóm này được Bình Nhưỡng giao nhiệm vụ thu thập thông tin về quân đội Hàn Quốc, săn tìm những vị trí có thể được dùng làm căn cứ cho các chiến dịch tương lai và tuyển mộ nguồn tin tình báo. Sau khi phát hiện vụ này, lực lượng an ninh Hàn Quốc lập tức tiến hành chiến dịch săn lùng kéo dài nhiều tuần. Xung quanh cuộc săn lùng đã khiến 63 dân thường thiệt mạng, nhưng lại là thảm họa mới đối với Đơn vị 124. Trong số 120 binh sĩ đổ bộ lên đất Hàn Quốc, có 7 người bị bắt sống, 110 người bị bắn chết và chỉ có 3 người bị mất dấu.
tin liên quan
Giải mã chiêu 'đả thảo kinh xà' của tàu sân bay Mỹ với Triều TiênThông tin tiền hậu bất nhất về hoạt động nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong tháng 4 được cho là hành động cố ý của quân đội Mỹ nhằm nhận diện các mục tiêu tiềm tàng ở CHDCND Triều Tiên.
Sau hai lần thảm bại nói trên, lực lượng Triều Tiên lại tiếp tục sập bẫy của giới tình báo miền Nam. Vào cuối mùa xuân 1969, một tàu cao tốc chở 15 thủy thủ Triều Tiên vượt qua ranh giới trên biển ở Hoàng Hải để bí mật đón một điệp viên hoạt động ở Hàn Quốc về nước. Khi họ đến bờ biển trên đảo Heuksan tìm điệp viên kia thì bị lực lượng an ninh Hàn Quốc phục kích, dẫn đến cuộc đọ súng quyết liệt. Kết quả là 15 thủy thủ Triều Tiên thiệt mạng. Thất bại của chiến dịch lần đó không phải là rủi ro: giới chức tình báo Hàn Quốc giăng bẫy kỹ lưỡng để đón đầu đội xâm nhập, theo War is Boring. Trước đó, Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA - tên cũ của Cơ quan Tình báo quốc gia) đã bắt điệp viên mà đội thủy thủ Triều Tiên đến rước về rồi thuyết phục người này làm gián điệp hai mang và dùng làm mồi nhử.
Tuy nhiên, đến năm 1969, số cuộc tấn công du kích của Triều Tiên ở khu phi quân sự liên Triều giảm 80% so với năm 1968 và Đơn vị 124 không còn mạo hiểm xâm nhập miền Nam. Cuộc chiến tranh du kích của Chủ tịch Kim Nhật Thành bị cho là kết thúc một cách thất bại và tình hình quay trở lại mức bình thường của mối quan hệ thù địch giữa hai phía.
Giới phân tích tình báo đã đưa ra hàng loạt lý giải về việc Chủ tịch Kim Nhật Thành tiến hành chiến dịch du kích vào những năm cuối của thập niên 1960. Trong đó có lý giải rằng nhà lãnh đạo này muốn khuấy động sự bất mãn đối với Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee và muốn gây sức ép lên Hàn Quốc khi quân đội nước này sát cánh với Mỹ trong chiến tranh VN, theo War is Boring.
Bắt tàu, bắn hạ máy bay Mỹ
Trong những năm cuối cùng của thập niên 1960, Mỹ cũng đã hứng hai cuộc tấn công nghiêm trọng từ Triều Tiên, khiến 32 người thiệt mạng. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 23.1.1968, khi lực lượng Triều Tiên tấn công và bắt giữ tàu do thám Mỹ USS Pueblo cùng 83 thủy thủ, với cáo buộc tàu này xâm nhập lãnh hải. Vụ tấn công đã khiến một thủy thủ thiệt mạng và những người còn lại bị giam giữ gần một năm mới được trả tự do, sau khi Mỹ xin lỗi. Tuy nhiên, tàu USS Pueblo vẫn bị giữ lại ở Triều Tiên cho đến ngày nay, trở thành con tàu duy nhất trong biên chế của hải quân Mỹ đang bị bắt giữ.
Vụ thứ hai xảy ra dịp sinh nhật của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào sáng 15.4.1969, khi Bình Nhưỡng triển khai chiến đấu cơ MiG bắn hạ máy bay do thám EC-121 của Mỹ trên vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, khiến tất cả 31 người trên khoang thiệt mạng. Bình Nhưỡng lập luận rằng máy bay bị bắn vì đã xâm nhập không phận Triều Tiên. Nhà phân tích George Carver thuộc CIA cho hay Tổng thống Richard Nixon khi đó “đã nổi giận và ra lệnh tấn công hạt nhân chiến thuật”, theo tờ The Guardian. Phi công lái chiến đấu cơ Mỹ Bruce Charles được lệnh trang bị một quả bom hạt nhân B61 để có thể sẵn sàng thả ngay tức khắc xuống Triều Tiêu một khi nhận được lệnh. Tuy nhiên, mệnh lệnh cuối cùng không được đưa ra. Ở Washington, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger được cho là đã thuyết phục thành công Tổng thống Nixon hoãn đưa ra quyết định tấn công hạt nhân Triều Tiên.
|
Bình luận (0)