Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT An Giang, Tỉnh đoàn và Đài PT-TH An Giang tổ chức sáng 19.3.
Bên cạnh gần 1.000 học sinh lớp 12 tham dự trực tiếp, chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH An Giang, đồng thời được trực tuyến tại website thanhnien.vn, fanpage Facebook và qua kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
"HỌC ĐH KHÔNG CHỈ ĐỂ CÓ BẰNG ĐH"
Một băn khoăn được chia sẻ trong chương trình có liên quan đến nhận định những ngành học cho là "vô dụng" trên TikTok như quản trị kinh doanh, bất động sản, ngôn ngữ Anh, marketing… Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp (DN) Trường ĐH Tài chính - Marketing, dự báo nhu cầu nhân lực từ nay đến năm 2030, nguồn nhân lực qua đào tạo chiếm vị trí chủ yếu trong nhu cầu tuyển dụng của các DN. Trong đó các ngành kinh tế và dịch vụ chiếm 33% nhu cầu nguồn nhân lực trong sự quan tâm của DN.
"Nếu chỉ lên Facebook để làm marketing thì đây chưa phải là cách làm marketing thực thụ, mà mới chỉ là cách thức dùng phương tiện kết nối khách hàng như viết content hoặc làm clip nhỏ... Người làm công việc này còn đòi hỏi nhiều năng lực khác, ví dụ nhận diện thương hiệu, hoạch định chiến lược, xây dựng chiến lược...", thạc sĩ Phụng nói và bổ sung: "Thực tế là nhu cầu nhân lực ngành marketing rất lớn nhưng bản thân trường không đáp ứng đủ. Điều này đồng nghĩa với việc những người qua đào tạo các ngành học như quản trị kinh doanh, bất động sản, marketing… luôn được săn đón".
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: "Quan điểm cá nhân tôi không đồng ý với cụm từ "vô dụng" khi nói về các ngành nghề đào tạo. Học sinh cần tham khảo những kênh chính thống từ các trường ĐH, thầy cô, cựu sinh viên hoặc những người làm công việc cụ thể này".
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay theo số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT, khu vực ĐBSCL chỉ có 48% học sinh sau THPT tham gia vào các trường ĐH. Tỷ lệ này so với cả nước và khu vực là rất thấp. Ông Nhân nói: "Chúng ta học ĐH không phải chỉ có bằng ĐH, mà có tầm nhìn phục vụ cho bản thân, gia đình và cuối cùng cho một xã hội phát triển hơn. Dù cùng trồng một cây, nuôi ao cá, nhưng người có học ĐH và không theo học bậc học này sẽ có cách làm khác nhau".
Trước câu hỏi của một nữ sinh về việc học khối ngành kỹ thuật, tiến sĩ Nhân nhận định: "Nữ sinh học công nghệ có những lợi thế hơn so với nam giới. Ngày nay môi trường làm việc giao thoa, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tuyển dụng thêm nữ giới bởi ở họ có những đức tính mà nam giới không bằng như cẩn thận, tỉ mỉ". Tuy nhiên, theo ông Nhân, học kỹ thuật cũng đòi hỏi khả năng toán học và lý học, học vất vả hơn khi làm việc trong các phòng lab, đòi hỏi khả năng tự học lớn.
MÁY MÓC CÓ THỂ THAY THẾ CÔNG VIỆC CỦA CON NGƯỜI ?
ChatGPT tác động đến xu hướng việc làm tương lai cũng là băn khoăn của học sinh trong lựa chọn ngành học hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân khẳng định: "Không công cụ trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế công việc của con người, trong đó có công việc của các kỹ sư công nghệ. Thay vào đó, con người sẽ làm chủ, tạo ra và sử dụng các công cụ đó để tăng hiệu suất công việc".
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng có những lý giải tương tự ở khối ngành nông nghiệp. Theo ông Khang, sự phát triển của công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp sẽ giúp tăng hiệu quả của sản phẩm nông nghiệp, giá trị kinh tế tăng lên. Từ đó đặt ra bài toán của các trường ĐH đào tạo khối ngành này là tăng cường việc áp dụng công nghệ máy móc, kiến thức liên ngành trong hoạt động học tập của sinh viên. "Đồng Tháp có những cánh đồng không dấu chân người, nông dân làm ruộng nhưng bằng các thiết bị công nghệ như: flycam, máy bay không người lái… Trên cánh đồng giảm bớt người nông dân nhưng các kỹ sư nông nghiệp cần nhiều hơn nữa để không ngừng hiện đại hóa phát triển nông nghiệp", ông Khang chia sẻ thêm.
NHỮNG NGÀNH HỌC ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN ĐBSCL
Chia sẻ về những ngành nghề cho nhu cầu phát triển của tỉnh và khu vực ĐBSCL trong thời gian tới, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho biết An Giang có những thế mạnh riêng không chỉ nông nghiệp mà còn du lịch thông qua các di tích lịch sử. Do đó, nhu cầu nhân lực tập trung có trình độ cao về nông nghiệp, thủy sản, du lịch cũng như các ngành nghề liên quan kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin… Riêng Trường ĐH Cần Thơ, thạc sĩ Khang cho biết năm nay tăng chỉ tiêu các ngành nông nghiệp và thủy sản nên tăng cơ hội học tập cho học sinh khu vực ĐBSCL.
PGS-TS Hồ Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cũng cho biết các ngành nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, du lịch, logistics… là những ngành có nhu cầu nhân lực nhiều trong tương lai.
Thạc sĩ Cao Dao Thép, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, thông tin: "Cũng như cả nước, khu vực ĐBSCL có tình trạng chung là thiếu hụt giáo viên. Những năm tiếp theo đội ngũ này cần được bổ sung để đảm bảo nguồn lực cho giáo dục". Do đó, theo ông Thép, trong số 10 ngành học mới năm nay của trường có những ngành phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cũng cho biết hiện trường đào tạo 22 lĩnh vực, trong đó các ngành thế mạnh của trường tập trung vào đào tạo phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Ví dụ, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Còn thạc sĩ Nguyễn Hồ Trúc Mai, Phó trưởng khoa Tài chính - Kế toán Trường ĐH Cửu Long, cũng cho rằng có nhiều lĩnh vực ngành nghề thế mạnh của khu vực này như: quản trị du lịch lữ hành, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thương mại điện tử…
Báo Thanh Niên xin cảm ơn sự hỗ trợ của các đơn vị để chương trình diễn ra thành công: Sở GD-ĐT An Giang, Tỉnh đoàn An Giang, Đài PT-TH An Giang.
Báo Thanh Niên chân thành cảm ơn các công ty đã đồng hành cùng chương trình, gồm: Tổng công ty điện lực miền Nam (TP.HCM), Công ty TNHH y khoa Vạn Phước Cửu Long (TP.Cần Thơ), Công ty CP xây lắp điện Cần Thơ (TP.Cần Thơ), Công ty CP thiết bị điện Tuấn Ân (TP.HCM), Công ty TNHH thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long (TP.HCM), Công ty TNHH bê tông Hoàng Sở (H.Đức Hoà, Long An).
Cảm ơn Tập đoàn công nghệ Xelex đã đồng hành, trao tặng 40 máy tính bảng cho học sinh Trường tiểu học A Vĩnh Nhuận và Trường tiểu học A Tân Phú (H.Châu Thành, An Giang); các trường ĐH trao tặng học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh gồm: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH FPT Cần Thơ đã trao 10 suất học bổng cho học sinh vượt khó, học giỏi của An Giang.
Chính sách tài chính "hút" người giỏi học sư phạm
Lưu ý về chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, thạc sĩ Cao Dao Thép, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết thí sinh trúng tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT đạt từ 25 điểm trở lên sẽ được nhận học bổng tương ứng học phí của khối ngành đó. Nhưng để thu hút người giỏi học sư phạm, ngoài học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116 của
Chính phủ, sinh viên vẫn được nhận học bổng của trường tương đương 7 triệu đồng/học kỳ. Sinh viên duy trì được kết quả tốt học kỳ tiếp theo vẫn tiếp tục được duy trì học bổng này.
"Giống như các thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM, sinh viên của Trường ĐH An Giang có hoàn cảnh khó khăn, học lực tốt được xem xét cho vay học tập tương ứng học phí với lãi suất 0%", PGS Hồ Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, nhấn mạnh.
Tư vấn mùa thi là một kênh chia sẻ thông tin hữu ích
Chọn ngành học là một quyết định khó khăn, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Các em tuổi mới lớn thường ít suy nghĩ sâu xa, đôi khi các em thấy hiện tại ngành đấy "hot", kiếm nhiều tiền thì ùn ùn vào học. Sau mấy năm ra trường thì ngành đó không còn kiếm ra tiền, lúc ấy lại loay hoay tìm ngành khác. Một số em chọn đúng ngành mình yêu thích nhưng ra trường đi làm được vài năm lương ít, lại bỏ, không phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn.
Thật ra ngành nào cũng tốt nhưng phải chọn cho đúng, phù hợp với năng lực bản thân và phải quyết tâm theo nghề đã chọn. Học CĐ, ĐH chỉ là cái nền cơ bản để các em có cái nhìn tổng quát, có tư duy tiếp xúc với ngành nghề, tập tành nghiên cứu. Còn ra trường thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nói chung định vị bản thân rất khó nếu không có ai đi trước chia sẻ cho mình. Vì thế những chương trình như Tư vấn mùa thi là rất hữu ích cho các em.
BS-CK2 Nguyễn Minh Tấn (Giám đốc Công ty TNHH y khoa Vạn Phước Cửu Long)
Bình luận (0)