Những “chú voi con” của nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như

24/07/2022 11:03 GMT+7

Khó ai tin những diễn viên ấy mới chỉ học nghề có… 6 tháng. Gần 2 tiếng đồng hồ khán giả bị cuốn đi với đủ bi, hài, độc, lẳng, và nhiều người còn rơi nước mắt. NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như quả không hổ danh là những người thầy xuất sắc.

Nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như đã từng đi dạy hơn 10 năm trong trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM và nổi tiếng là những người thầy khó tính nhưng đào tạo ra nhiều lứa học trò giỏi nghề, tử tế. Phương châm của Thành Hội - Ái Như luôn là “làm nghề tử tế”, nên họ truyền nghề cho học trò cũng theo đúng cách như vậy. Trong bối cảnh nhiều sân khấu đều mở lớp đào tạo diễn viên trẻ thì Thành Hội - Ái Như trở lại với khả năng sư phạm của mình, cũng mở khóa học đầu tiên với 20 học viên.

Tiểu phẩm Đôi chim non

H.K

Các bạn vừa hoàn thành buổi thi khóa cơ bản sau 6 tháng “nhập môn” sân khấu. 8 tiểu phẩm đủ các thể loại đã trình làng trước những con mắt không mấy dễ dãi của nhiều nghệ sĩ lão thành, nhiều đạo diễn, nhiều nhà báo. Không ngờ, mọi người đã bị cuốn đi, thậm chí khóc, bởi các bạn trẻ diễn quá ngọt ngào. Đặc biệt, tiếng nói sân khấu là phần khó nhất, nhưng các bạn đã chinh phục được khán giả đến bất ngờ. Hóa ra, “thầy” dạy tiếng nói sân khấu chính là NSUT Hữu Châu, người có thể coi là xuất sắc nhất hiện nay về bộ môn này.

Dù là những tiểu phẩm nhưng người xem vẫn ấn tượng mạnh mẽ. Đôi chim non khiến người ta khóc nhiều nhất bởi hai đứa trẻ mồ côi sống với cậu mợ trên chiếc ghe nghèo. Mợ coi cháu là “cục nợ” nên thường mắng chửi, đánh đập. Nhưng người cậu bảo vệ cháu tới cùng, không hề nhu nhược. Rốt cuộc, người mợ được cảm hóa, và gia đình ấy lại lắng xuống bởi một chữ tình. Tiểu phẩm này rất phù hợp trong tình hình hiện nay nhiều vụ bạo hành trẻ em đang khiến dư luận nhức nhối, nhưng nó hay ở chỗ không hề mang vẻ giáo điều mà cứ ngọt ngào, tự nhiên, chân thật, cảm hóa người ta thật nhẹ nhàng.

Đơn phương lại rất thanh xuân với câu chuyện tình yêu học trò dễ thương làm sao. Nó gợi cho khán giả nhớ về những ngày thanh xuân non dại của mình. Diễn viên trẻ nên đóng vai trẻ rất thật, không chút gượng ép, khán giả vừa cười vui vừa xao xuyến trong hoài niệm tuổi học trò. Ghen cũng đem lại tiếng cười đáng yêu bởi một sự hiểu lầm được cài cắm tinh quái. Nó cũng nhắc nhẹ một chút cho những người phụ nữ phải biết giữ nét đẹp trong mắt chồng của mình. Đổi đời lại là bi kịch thời đại khi người nông dân bán đất xong cầm tiền vung vãi, bỏ quên vợ con. Đây là tiểu phẩm buộc diễn viên phải diễn những kỹ thuật khó, như xô đẩy, té ngã, nắm tóc, đánh nhau… Sân khấu chứ không phải đời thật, vì vậy diễn sao cho “như thật” mà không tổn thương cơ thể mới gọi là “phải học”.

Tiểu phẩm Đơn phương

H.K

NSƯT Hữu Châu nói: “Các em rất nỗ lực, vì hầu hết vừa đi học vừa đi làm, hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi dạy cũng phải kiên nhẫn nhiều hơn, và thật sự thì rất thương các em. Tất nhiên sân khấu đang khó khăn, nhưng các em học không chỉ để diễn sân khấu mà còn có thể đóng phim, sự kiện, quảng cáo…”. Nghệ sĩ Mai Thanh Dung, từng là thầy của nghệ sĩ Hữu Châu, Thành Hội, Ái Như, cũng đến xem, bà nói: “Tôi rất bất ngờ, hạnh phúc khi thấy “học trò” của mình đã đào tạo được những “học trò” tốt như vậy. Nghề giáo của chúng tôi thật sự hạnh phúc”. MC Trác Thúy Miêu có lời phát biểu gây ấn tượng với khán giả khi ví nhà giáo Thành Hội - Ái Như là những “con voi” lão làng quý giá của vùng Tây nguyên, và đây là lứa “voi con” mà hai anh chị đã sinh ra, đầy hy vọng sẽ lớn lên tốt đẹp. Thực sự, sân khấu rất cần được truyền lửa, truyền nghề từ những nghệ sĩ tử tế như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.