Những chuông vàng vọng cổ bây giờ ra sao?

03/09/2022 06:57 GMT+7

Qua 16 năm, giải Chuông vàng Vọng cổ đã chọn được 16 diễn viên trẻ đẹp, tài năng. Và sau cuộc “đãi cát tìm vàng” ấy, điểm lại những “chuông vàng” tiếp tục ngân vang, có thể thấy hiệu quả của cuộc thi với đời sống cải lương.

Phát triển sự nghiệp

Thực sự những bạn trẻ sau khi đoạt danh hiệu Chuông vàng đều có những phát triển đáng kể trên con đường sự nghiệp. Võ Minh Lâm, người đầu tiên đăng quang năm 2006, lúc đó đang học tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, vài năm sau đã trở thành kép chánh sáng giá của các sân khấu TP.HCM. Và hiện nay anh đang trong thời sung sức nhất, vừa đóng cải lương truyền thống, vừa đóng cải lương hồ quảng, kiêm MC, hát show dày đặc. Võ Minh Lâm ca và diễn đều hay hơn nhiều so với khi mới đăng quang; anh đóng vai bi, vai kép đẹp lẫn vai độc đều rất tốt, chứng tỏ được sự đa năng của mình.

Huyền Trang và Nhật Nguyên trong vở Lạc lối

H.K

Một gương mặt sáng giá khác là Nguyễn Minh Trường, sau khi đoạt giải năm 2014, lập tức tỏa sáng bởi gương mặt đầy thần thái hợp với những vai vua. Anh trở thành kép chánh của nhiều sân khấu, ca diễn đều ngọt, bản lĩnh, vũ đạo tốt. Minh Trường học tiếp lấy bằng đạo diễn và đã dàn dựng một số vở thành công.

Một cô đào rất đẹp là Phạm Thị Huyền Trang, quê ở Bạc Liêu, Chuông vàng năm 2012, không những đi hát mà còn lập kênh riêng, mới hơn một năm đã có hơn 50.000 đăng ký và kiếm được tiền từ YouTube. Cô nói: “Cải lương đâu phải lúc nào cũng có, mà một vở ra đời thì có nhiều bạn diễn, mình hát không thỏa. Vì vậy tôi lập kênh riêng để được làm nghề nhiều hơn, tự viết kịch bản, tự dàn dựng với anh em đồng nghiệp. Những trích đoạn ngắn thôi, nhưng tôi nghiêng về tình cảm gia đình, chất tự sự phù hợp với cải lương”. Với Lâm Thị Kim Cương, đăng quang năm 2018 rồi về đoàn cải lương Tây Đô Cần Thơ, danh hiệu Chuông vàng giúp cô có được nhiều vai diễn tốt và nhiều show bên ngoài.

Niềm vui lớn nhất của các bạn trẻ là được Nhà hát Trần Hữu Trang thu nhận chính thức, gồm 9 “Chuông vàng” là Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Võ Thành Phê, Nguyễn Thu Vân, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Thị Luận, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Nhật Nguyên, và 2 “chuông bạc” Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Hợp. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát, nói: “Cuộc thi đã đãi cát tìm vàng giùm rồi, giờ chúng tôi phải tạo điều kiện cho các em phát triển hơn nữa để trở thành đội ngũ kế thừa cải lương”. Rõ ràng, các bạn trẻ có đất diễn nhiều hơn, chính quy hơn, nên tiến bộ thấy rõ. Hầu như vở nào mới dàn dựng đều có các bạn tham gia. Nổi bật như Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Thị Luận đóng ngày càng hay. Còn Võ Thành Phê là một giọng ca salon ấm áp chinh phục nhiều khán giả.

Nguyễn Văn Khởi diễn cùng Mỹ Hạnh trong vở Bạch Hải Đường

Sống được bằng nghề

Diễn vở dài là được rèn nghề và tạo uy tín, tuy nhiên hầu như các bạn trẻ này sống được nhờ chạy show thêm. Từ ngày đoạt giải, các bạn nhận show nhiều hơn, hầu hết là diễn trong sự kiện, quảng cáo, đám tiệc cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, họp bạn… cát sê có khi vài triệu, có khi chục triệu. Với danh hiệu Chuông vàng thì cát sê tăng vọt gấp 5 - 7 lần so với trước kia. Võ Minh Lâm cho biết: “Thật ra tôi mất 10 năm lận đận, bởi thời gian đó cải lương rất khó khăn, nhưng rồi cải lương lại hồi sinh dần, và tôi đã thỏa nguyện với nghề khi lo được cho cha mẹ, gia đình. Tôi nghĩ dù đoạt giải thì mình cũng phải rèn nghề thêm rất nhiều mới xứng với lòng kỳ vọng của khán giả”. Nguyễn Minh Trường cũng tự tin: “Lúc tôi đoạt giải thì cải lương đã khó khăn rồi, nhưng điều kỳ lạ là nó vẫn chảy rất mạnh trong lòng nhân dân, sân khấu chính quy dù không sáng đèn thường xuyên nhưng những sân khấu bên ngoài lại sôi động không ngừng, và nuôi nghệ sĩ chúng tôi”.

Kim Luận (Nguyễn Thị Luận) và Tô Tấn Loan trong vở Ngược gió

Cô đào đẹp Huyền Trang sau 6 năm đoạt Chuông vàng, đã mua được nhà ở TP.HCM, đưa cha mẹ và cả gia đình lên sinh sống. Huyền Trang bày tỏ: “Tôi mừng vì mình sống được bằng nghề. Và tôi nghĩ mình cứ làm nghề một cách nghiêm túc thì nghề không phụ mình”. Còn Ngọc Đợi, Chuông vàng năm 2007, thì cho biết dù lên TP.HCM sinh sống nhưng khi đoàn cải lương Bạc Liêu quê nhà dựng vở mới hoặc có chương trình biểu diễn cô vẫn “chạy ngược” về quê. Theo cô, “ở trên này tôi dễ nhận show hơn, có nhiều bạn bè cùng gọi nhau, chia nhau công việc, nhưng tôi vẫn không bỏ quê, vì nơi đó tôi đã bước vào nghề”.

Nhìn chung, những chuông vàng, chuông bạc đều có sự tiến bộ trong nghề, và đời sống cũng ổn định hơn, sung túc hơn. Điều đó đáng mừng, bởi như vậy nghệ sĩ cải lương mới không bỏ nghề, và quyết tâm rèn luyện để xứng đáng là đội ngũ kế thừa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.