Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Tam quốc chí của Trần Thọ và Tư trị thông giám của Tư Mã Quang là những tư liệu quan trọng mà La Quán Trung tham khảo để viết sách. Điều thú vị khi so sánh các văn bản lịch sử với lời văn tiểu thuyết lại cho thấy một hình ảnh La Quán Trung đời thường đến mức có lúc… đãng trí.
Tôn Sách bắn chết Trần Sinh (bản in Tam quốc diễn nghĩa ở Nhật Bản thời Edo) |
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ |
La Quán Trung đọc nhầm sử liệu
Tam quốc diễn nghĩa có hơn 1.000 nhân vật lớn nhỏ. Trong số này có một vài nhân vật là do La Quán Trung sai sót trong việc đọc tư liệu lịch sử. Nhân vật Ô Hoàn Xúc trong hồi thứ 65 “Tào Tháo dẫn binh lấy Hồ Quan” là tiêu biểu nhất. Sau khi anh em Viên Hi, Viên Thượng thất bại, Ô Hoàn Xúc là Thứ sử U Châu, đã tiến hành ăn thề với thuộc hạ để đi hàng Tào Tháo.
Trong Tam quốc chí phần Vũ đế kỷ có câu văn tương ứng: “Hi, Thượng bị tướng của mình là Tiêu Xúc, Trương Nam tiến đánh, chạy tới Liêu Tây, Ô Hoàn. Xúc tự xưng là U Châu Thứ sử, bức ép Thái thú, Trưởng lệnh các quận bỏ Viên theo Tào”. Sách vở Trung Quốc cổ đại thường không sử dụng dấu câu. Do đó, có khi cùng một câu văn mà người đọc ngắt câu khác nhau. Chẳng qua La Quán Trung không chấm câu sau chữ Ô Hoàn mà chấm ở sau chữ Liêu Tây, vì thế mới tưởng 3 chữ Ô Hoàn Xúc là “tên người Phiên” như trong cổ bản Gia Tĩnh có chú thích. Thực ra, người xưng Thứ sử U Châu chính là Tiêu Xúc - cũng là một nhân vật được đưa vào Tam quốc diễn nghĩa.
Ở hồi 30 cổ bản, bên phía Viên Thuật có một nhân vật là Trưởng sử Dương Đại Tướng, sau ông ta là Đô đốc Trương Huân. Trong tư liệu lịch sử không có nhân vật nào là Trưởng sử Dương Đại Tướng cả. Chỉ có Tam quốc chí phần truyện Tôn Sách có câu: “Sau, Thuật chết. Bọn Trưởng sử Dương Hoằng, Đại tướng Trương Huân đem bộ chúng toan đến chỗ Sách”. Rất có thể vì bản sách Tam quốc chí của La Quán Trung thiếu mất chữ Hoằng, cộng thêm chấm câu sai, nên làm xuất hiện “Trưởng sử Dương Đại Tướng”.
Lại có trường hợp tư liệu lịch sử không chép đó là người nhưng lại bị La Quán Trung biến thành người. Hồi 239 cổ bản có một nhân vật là Qua Định ở trong doanh trại Trương Liêu làm nội ứng cho Tôn Quyền. Tam quốc chí, Trương Liêu truyện kể chuyện đó có chữ “hữu khoảnh định, tức đắc thủ mưu giả” (trong chốc lát là yên định, liền bắt được kẻ chủ mưu). Gần như chắc rằng La Quán Trung đã hiểu câu đó thành “hữu Qua Định, tức đắc thủ mưu giả” (có người tên là Qua Định, tức là kẻ chủ mưu).
Ảo diệu nhất là nhân vật Kiêu tướng Ngũ Bá dưới trướng Bàng Đức ở hồi 147, 148 cổ bản. Trong Tam quốc chí, Bàng Đức truyện có tả “Đức cùng một tướng dưới cờ, hai người Ngũ bá” chiến đấu ở trên bờ đê. Ngũ bá ở đây là chức quan, được La Quán Trung biến thành tên người. Có người cho rằng hai người Ngũ bá đó có nhiệm vụ khiêng quan tài cho Bàng Đức. Nhân vật này về sau bị các nhà in nhầm tiếp thành “ngũ bá nhân” (500 người) và sửa thành 500 tên lính. Bản Mao Tôn Cương lưu hành hiện nay không còn nhân vật này hiện diện.
Nhân vật bị giết tới… hai lần
Tam quốc diễn nghĩa thực sự là một tác phẩm hết sức đồ sộ. Có người cho rằng La Quán Trung đã hoàn thành một nửa tác phẩm này vào thời nhà Nguyên, rồi sang đầu thời Minh mới viết xong phần còn lại. Khối lượng công việc đồ sộ như vậy dẫn tới một tình trạng là chính tác giả cũng không nhớ nổi mình đã viết gì. Ở hồi 14, “Tôn Kiên vượt sông đánh Lưu Biểu” có hai tướng Kinh Châu là Trương Hổ và Trần Sinh giao chiến với phe Tôn Kiên. Trần Sinh bị Tôn Sách bắn chết, Trương Hổ bị Hàn Đương chém bay một góc sọ. Nhưng đến hồi 67, “Lưu Huyền Đức dự tiệc ở Tương Dương”, hai người này lại hồi sinh và làm phản ở Giang Hạ. Kết quả, hai người lại bị Trương Phi, Triệu Vân giết chết, còn cướp cả ngựa Đích Lư. Cha con Mao Luân đã phát hiện ra chi tiết này, nên ở lần xuất hiện thứ hai, họ đã sửa tên nhân vật lại thành Trương Vũ, Trần Tôn. Tương tự, Công tào Trần Kiểu giữ Nam quận bị Triệu Vân bắt giết trong hồi 102 cổ bản lại hồi sinh ở hồi 156 và còn làm đến Binh bộ Thượng thư.
Nhưng đáng chú ý nhất là nhân vật Tiên phong Phùng Tập theo Lưu Bị đánh Ngô. Phùng Tập bị giết tận hai lần ở hồi 167 và 168 cổ bản. Hồi 167, Phùng Tập bị Từ Thịnh bao vây, dùng loạn tên bắn chết. Nhưng sang hồi 168, ông ta hồi sinh, chạy đi báo cho một tướng khác là Trương Nam biết tin quân Thục đã thua. Đến đây, Phùng Tập cùng Trương Nam bị quân Ngô vây đánh. Phùng Tập chết thêm lần nữa. Ở bản Mao Tôn Cương, chi tiết này được sửa thành Từ Thịnh bỏ qua Phùng Tập nhằm đuổi theo Lưu Bị. Điều đáng nói là hai hồi truyện này lại sát nhau. Sự nhầm lẫn này rõ ràng thể hiện một khoảng thời gian La Quán Trung ngưng sáng tác sau khi viết xong hồi 167. Một thời gian khá lâu sau đó ông mới bắt tay viết hồi 168.
Bình luận (0)