Dù vô tình cũng bị kết tội
Tình huống này được diễn ra trong ván thứ nhất của trận đấu. Sau khi Djokovic để mất bàn giao bóng và bị đối thủ dẫn trước 6/5, tay vợt số 1 thế giới người Serbia đã tỏ ra rất tức giận và anh “trút giận” đánh vào trái bóng về cuối sân, không ngờ quả bóng bay thẳng trúng cổ nữ trọng tài dây khiến bà ngã xuống sân và tỏ ra khó thở. Ngay lập tức Djokovic chạy đến an ủi, xin lỗi vì sự cố vô tình này. Trận đấu khi đó buộc phải tạm dừng khi các trọng tài và thành viên ban tổ chức (BTC) lập tức chụm đầu vào nhau để hội ý về tình huống phi thể thao bất ngờ này. Sau khi thảo luận khoảng 10 phút, các trọng tài gọi Djokovic đến thông báo quyết định loại hạt giống số 1 ra khỏi giải đấu. Ngay khi quyết định được đưa ra, Djokovic khoát tay ra vẻ bất cần chơi tiếp và lập tức rời khỏi sân đấu. Còn trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông đã nổ ra nhiều tranh cãi giữa các giới chức và tay vợt trong làng banh nỉ thế giới khi nhiều người hâm mộ cho rằng tay vợt Serbia chỉ vô tình đánh trúng trọng tài chứ không hề cố ý.
Để giải thích cho quyết định loại Djokovic, Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) đã dẫn ra những điều khoản quy định tại các giải Grand Slam về những hành vi không đẹp trên sân. “Tay vợt không được phép đánh bóng gây ra nguy hiểm, ngoại trừ khi đang nỗ lực cứu bóng. Người vi phạm sẽ bị phạt ít nhất là 20.000 USD cho những lỗi này. Nếu hành vi này diễn ra trong một trận đấu, hoặc lúc khởi động, tay vợt có thể bị phạt điểm”. Ở một điều khoản khác về quy định những trường hợp bị truất quyền thi đấu cũng được áp dụng trong trường hợp của Djokovic là: “Trọng tài và giám sát có thể xử thua một tay vợt nếu họ mắc một trong những lỗi thuộc điều trên. Quyết định cuối cùng thuộc về trọng tài và giám sát, và tay vợt không thể kháng cáo”.
Đây là lần đầu tiên Djokovic bị loại theo cách này dù trước đây rất nhiều lần anh cũng hay nổi nóng trên sân nhưng không đến mức tạo ra các hành vi nguy hiểm cho thành viên thuộc BTC, đối thủ hay trọng tài điều hành. Đau cho tay vợt này khi anh sẽ bị mất tất cả số điểm kiếm được tại Mỹ mở rộng năm nay và cũng như không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng nào cho thành tích lọt vào đến vòng 4 năm nay. Ngoài ra, tay vợt hạt giống số 1 này còn đối mặt với án phạt của ATP và BTC.
|
Phải kiểm soát hành vi
Đây không phải là chuyện hy hữu mới xảy ra trong làng banh nỉ thế giới. Trong một trận đấu ở Davis Cup 2017 ở Ottawa giữa Anh và Canada, tay vợt người Canada Denis Shapovalov khi đó 17 tuổi đã đánh 1 quả bóng trúng vào mắt của trọng tài chính Arnaud Gabas trong lúc nóng giận. Sự cố khiến trọng tài Gabas bị bầm tím mắt trái và không thể tiếp tục điều khiển trận đấu. Sau khi hội ý cùng đội trưởng hai đội và trọng tài Brian Earley, ông Gabas tuyên bố Edmund thắng cuộc trong sự thất vọng tột cùng của Shapovalov. Ngoài ra, Shapovalov còn bị phạt thêm 7.000 USD vì hành động này.
Trong trận chung kết của giải Queen's Club năm 2012 ở London với Marin Cilic (Croatia), tay vợt người Argentina David Nalbandian sau pha bóng thua đã tức giận đá một chiếc hộp gỗ quảng cáo trước mặt một trọng tài biên và khiến vị trọng tài này bị chảy máu chân. Dù đang dẫn trước nhưng Nalbandian đã bị xử thua và bị phạt một khoản tiền. Tại Úc mở rộng năm 1990, tay vợt John McEnroe (Mỹ) đã bị loại khỏi một trận đấu ở vòng 4 vì lời nói tục tĩu với các quan chức tại giải.
Được xem là một tay vợt rất tài năng, nhưng Djokovic nhiều lần tỏ ra nóng tính trên sân đấu với những hành động la hét và đập vợt. Đây không phải lần đầu tiên tính khí nóng nảy làm ảnh hưởng đến Djokovic bởi trong quá khứ, tại vòng chung kết ATP năm 2016 anh từng đánh một quả bóng trong cơn tức giận suýt trúng một khán giả. Trước đó, tại tứ kết Pháp mở rộng 2016, Djokovic từng bị khán giả la ó vì ném chiếc vợt vào tấm bảng phía sau lưng mà không hề quan sát có ai gần đó trong trận gặp Tomas Berdych (Cộng hòa Czech). Hành động này suýt khiến Djokovic trả giá.
|
Năm 2020 được xem là năm rất đáng nhớ của Djokovic. Không để thua trận đấu nào trên sân bóng chính thức, nhưng Djokovic đã bị dương tính với Covid-19 khi tổ chức giải đấu Adria Tour đã bị chỉ trích rất nhiều. Mới đây, tay vợt này còn lên tiếng sẽ tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội đồng các tay vợt của ATP và cùng các tay vợt nam khác thành lập PTPA (Hiệp hội Các tay vợt chuyên nghiệp).
Câu chuyện của Djokovic cũng là bài học cho nhiều tay vợt khi cần phải kiểm soát hành vi trên sân. Thắng thua sau một pha bóng dĩ nhiên khó dằn được cảm xúc nhưng cũng phải hết sức tỉnh táo để không đánh mất lý trí vì nếu để sự nóng nảy, thiếu kiềm chế chi phối quá mạnh sẽ dẫn đến những tình huống hy hữu đau lòng như cách mà tay vợt số 1 thế giới vừa gặp phải.
Bình luận (0)