Có nhiều câu chuyện người xưa lý giải về nguồn gốc dấu tay liên quan đến người khổng lồ ở Hòn Chồng.
Dấu bàn tay khổng lồ trên đá tại Hòn Chồng - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Ngoài dấu tích được lưu truyền là "dấu bàn tay khổng lồ", những nhà nghiên cứu văn hóa còn tìm thấy hàng loạt “dấu vết” khác được cho là liên quan đến các câu chuyện dân gian ở Hòn Chồng - Nha Trang.
Người khổng lồ "trượt chân" Hòn Chồng là một bãi đá rộng khoảng 2.000 m2, đá xếp lớp, giăng hàng vươn ra phía biển. Khu vực cao nhất là tảng đá lớn, khá bằng phẳng. Trên tảng đá này lại có một hòn đá chu vi khoảng 30 m, cao hơn 5 m, xếp chồng lên. “Điểm nhấn” của hòn đá này là dấu một bàn tay to lớn, in sâu ở mặt đá phía đông. Tương truyền, đó là dấu vết bàn tay người khổng lồ để lại.
Có nhiều câu chuyện người xưa lý giải về nguồn gốc dấu tay liên quan đến người khổng lồ ở Hòn Chồng. Theo nhiều tài liệu lưu truyền rằng, xưa kia, người khổng lồ ngồi câu cá tại vùng này, có một con cá kình khổng lồ cắn lưỡi câu lôi đi. Người khổng lồ một tay cầm cần câu kéo lại, tay kia bấu vào tảng đá tạo thành vết lõm trên đá, in hằn dấu bàn tay. Một câu chuyện khác lại kể rằng xưa kia người khổng lồ đến vùng Suối Tiên (H.Diên Khánh, Khánh Hòa), thấy xứ này cảnh đẹp, ông dừng lại say sưa ngắm cảnh, ngắm các tiên nữ đang tắm bên suối và vô tình bước lên hòn đá rong rêu, trượt chân té ngã. Người khổng lồ vội chống tay vào một vách núi đá, nhưng do chống mạnh quá khiến sườn núi vỡ văng. Vách đá văng xuống nơi Hòn Chồng ngày nay còn in dấu tay người khổng lồ. Chân ông cũng ghì mạnh trong lúc trượt té nên dấu chân còn nơi Suối Tiên.
Liên quan đến câu chuyện người khổng lồ bị trượt té ở Suối Tiên, trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn viết: “Nghe chuyện ông khổng lồ, một du khách là Thi Nại Thị cười bảo: Ông khổng lồ bị trượt không phải vì vô ý bước nhằm đá rêu, mà chính vì Hồ Tiên báo hại. Cho nên có bài ca rằng: Khổng lồ vừa mập vừa cao/Chân bước đi trên đá/Mặt ngó vào Hồ Tiên/Trong ngần nước tẩm dòng quyên/Năm ba pho tượng thiên nhiên nõn nà/Thân ông run/Hồn ông động/Tim ông rụng/Mắt ông lòa/Bảy nghiêng tám ngã.../Đá mấy tòa rung rinh/Bước đi gập ghình/Thất kinh/Ông vội vã/Bám chân vào đá/Nhưng ông vẫn ngã cái ình/Tiên giật mình bay đi mất/Riêng ông để dấu si tình lại nghìn thu. Dấu si tình của người khổng lồ là một nửa bàn chân để nơi Suối Tiên, một nửa bàn tay gửi nơi Hòn Chồng”.
Mối tình sắt son trên đá
Ông Nguyễn Văn Thích, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân gian, hiện là Phó giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa, đã gần chục năm qua lăn lộn trên các thớ đá để tìm những dấu tích của truyền thuyết dân gian kết tinh lên các câu chuyện về Hòn Chồng. Ông Thích nói rằng việc ông tìm kiếm xuất phát từ câu chuyện vợ chồng ngư phủ.
Theo tài liệu ông Thích cung cấp thì câu chuyện “vợ chồng ngư phủ trẻ” được tóm tắt như sau: Ngày xưa, ở làng chài nọ có gia đình ngư phủ trẻ, gồm vợ chồng và hai đứa con thơ, sống hạnh phúc. Mỗi khi người chồng lên thuyền ra khơi, người vợ lại bồng con đứng ngóng chồng trở về. Một ngày, giông tố kéo đến, người chồng cố đưa thuyền vô bờ nhưng bị sóng đánh, va vào gành đá vỡ tan từng mảnh. Người chồng gắng sức bơi, bám đá để leo lên bờ, nhưng sóng biển nghiệt ngã đánh vào người và kéo vuột tay chàng khỏi những khối đá. Người chồng chết đi nhưng dấu bàn tay năm ngón lúc chàng bám vào vách đá vẫn còn in lại. Người vợ bồng con cũng hóa thành khối đá, nên cách không xa dấu tay khổng lồ có khối đá mang tên “Hòn Vợ”.
Ông Thích tâm sự, ông như được ai đó dẫn đường, mách bảo, chẳng vậy mà ngoài dấu bàn tay khổng lồ được nhiều người biết đến, ông còn tìm được nhiều “dấu vết” khác. Mở bộ ảnh được coi là “tài sản quý” của một người sắp về hưu, ông Thích giới thiệu những dấu tích đã được tìm thấy: một “cánh tay đứt gãy” bám lên trên khối đá lớn gần khu vực dấu bàn tay khổng lồ khiến người xem ngỡ ngàng về sự kỳ lạ của tạo hóa, càng như minh chứng thêm về câu chuyện tai họa của người chồng trên biển cả ở đây; một mỏm đá hình sọ người giống như của người chồng sau khi chết; hình tượng bầu vú của người vợ nõn nà bên vách đá tại khối đá có bàn tay năm ngón; hình tượng đôi nam nữ nằm cạnh bên nhau khắng khít trên khối đá như để minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu của vợ chồng ngư phủ trẻ... “Những dấu tích của người chồng, người vợ dường như hiện diện khắp cả khu vực Hòn Chồng - Hòn Vợ, như minh họa cho câu chuyện cảm động, đầy nhân văn. Tôi đã chụp ảnh sau đó trưng bày ngoài hội quán Hòn Chồng để du khách hiểu hơn về nơi đây”, ông Thích nói.
Ông Thích nói rằng đến Hòn Chồng, phải quan sát kỹ và tùy từng thời điểm thì dấu tích mới “lộ” rõ, như vào buổi chiều mới thấy được đôi vợ chồng đang nằm bên nhau; trưa nắng thì mới thấy rõ hình tượng ông tiên... Thêm nữa, phải quan sát nhiều hướng, vì có thể chỉ nhìn hướng này mới ra hình tượng, còn hướng khác thì chỉ là thớ đá vô tri vô giác, hoặc khó tưởng tượng ra.
Vẫn biết, về mặt khoa học, khu Hòn Chồng được hình thành bởi sự sắp xếp của thiên nhiên, nhưng các câu chuyện về những dấu tích ở Hòn Chồng vẫn là một phần không thể thiếu, tạo nên sức hấp dẫn của danh thắng này.
Bình luận (0)