Những chuyện phía sau thịt nhập

04/05/2023 04:13 GMT+7

Là nước có tổng đàn gia súc, gia cầm hàng đầu châu Á và nằm trong top 10 thế giới, nên câu hỏi vì sao VN chưa xuất khẩu được thịt đã được đặt ra từ hàng chục năm trước.

Thế nhưng, gần 10 năm nhìn lại, ngành chăn nuôi trong nước không những chưa trả lời được câu hỏi trên mà còn khốn khổ bởi thịt ngoại ngay tại sân nhà. Chúng ta vẫn, đã, đang nhập siêu các loại thịt.

Đơn cử năm 2022, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết VN đã chi 1,49 tỉ USD nhập thịt trong khi xuất khẩu chưa tới 85 triệu USD. Cũng có nghĩa là nhập siêu trong ngành thịt lên tới 1,35 tỉ USD. Lùi lại năm 2021, VN xuất khẩu khoảng 18.000 tấn thịt và sản phẩm thịt, đạt hơn 72 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu thịt vẫn cao gấp khoảng 20 lần so với xuất khẩu thịt. Còn tính tất cả nhóm sản phẩm chăn nuôi thì năm 2021 xuất khẩu đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu ước trên 3,4 tỉ USD, nhập siêu 2,96 tỉ USD.

Xuất khẩu èo uột trong khi nhập khẩu ồ ạt, hệ quả là ngành chăn nuôi trong nước đang đối mặt với khó khăn nhất từ trước đến nay khi giá thịt heo, gà rớt thảm. Ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, chuyện heo, bò, gà "ăn" cả sổ đỏ, căn hộ... của các hộ, các trang trại đang dần trở nên phổ biến. Đến thời điểm này, ngay cả các "ông lớn" trong ngành chăn nuôi cũng gánh lỗ bạt mặt. Một số doanh nghiệp đã tuyên bố không mở rộng quy mô như kế hoạch trước đó. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì tự động treo chuồng, không tái đàn. Thế nhưng câu chuyện phía sau thịt nhập không chỉ dừng ở đó. Nó còn rất nhiều vấn đề đáng phải quan tâm.

Đầu tiên là trong tổng số thịt nhập vào VN có một lượng lớn thịt thải loại với giá rẻ bèo không biết trôi dạt về đâu. Loại thực phẩm này không chỉ góp phần bóp chết ngành chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nòi giống người Việt nếu tiêu dùng lâu dài.

Thứ hai, dù hội nhập đã vài thập niên, hàng Việt đã xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới và đối mặt với đủ các loại hàng rào phi thuế quan từ các nước nhập khẩu thế nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta vẫn rất dễ dãi và "non tay" với việc bảo vệ thị trường trong nước bằng vũ khí này. Với ngành chăn nuôi, thịt thải loại, thịt "cận date"... loại thực phẩm mà ở các nước phải tốn chi phí để tiêu hủy vẫn được nhập về thị trường nội địa với giá bèo bọt rồi muốn đi đâu thì đi.

Thế thì hàng nội địa "cửa" nào cạnh tranh nổi? Nên nhớ, ngay cả Mỹ, quốc gia đi đầu trong gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng là nước sử dụng hàng rào kỹ thuật nhiều nhất, điêu luyện nhất để bảo vệ thị trường, bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như 20 năm qua, ngành chăn nuôi cá tra của VN vẫn khốn khổ vì bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ nghề nuôi cá nheo nước này đấy thôi.

Vậy tại sao chúng ta lại để các loại thịt thải loại "tung hoành", khiến người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước khốn khổ ngay tại chính sân nhà như vậy?

Thứ ba, sự phát triển thiếu đồng bộ của ngành chăn nuôi trong nước. Chúng ta chỉ phình về quy mô, nhưng chất lượng, các tiêu chuẩn quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch tễ vẫn manh mún, trì trệ. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhập siêu thịt bao năm nay. Ngay ở thời điểm hiện tại, giá heo xuống thấp, tiêu dùng trong nước sụt giảm nhưng con đường xuất khẩu lại không khả thi chủ yếu vì không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... của các thị trường nhập khẩu.

Đi ra vướng, nội địa cũng khó, ngành chăn nuôi cần một cuộc đại phẫu để không chỉ xuất khẩu mà còn chinh phục chính người tiêu dùng trong nước về lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.