Những chuyến tàu nối Việt Nam với thế giới

13/10/2022 11:09 GMT+7

Trong hơn 10 năm qua, hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển đồng bộ, hiện đại, đón được những con tàu và hãng tàu lớn nhất thế giới vào mở các tuyến dịch vụ container từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu...

Chuyện đón những “siêu tàu”

Con tàu lớn đầu tiên vào cảng VN, tàu container Albert Maersk dài 352 m, có khả năng tiếp nhận 8.272 TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet) cập Cảng quốc tế SP-PSA thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, vào ngày 12.2.2010. Nhắc đến chuyện đón con tàu này, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Portcoast, vẫn nhớ như in: Vào thời điểm đó, cỡ tàu theo quy hoạch vào khu Cái Mép là 80.000 tấn (DWT) và khu Thị Vải là 60.000 DWT, trong khi tàu Albert Maersk khoảng 117.000 DWT, tức là vượt ra khỏi quy hoạch của cả khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Dù vậy, cả 3 bên là hãng tàu, liên doanh cảng SP-PSA và tư vấn Portcoast đều quyết tâm, cùng góp tiền để nghiên cứu đưa con tàu này vào. Một việc quan trọng trong nghiên cứu là mô phỏng buồng lái nhưng lúc đó tại VN chưa có một trung tâm mô phỏng nào, nên phải bay sang Malaysia. Hoa tiêu và thuyền trưởng sang trước 2 tuần để chạy mô phỏng, tức là đưa mô hình cảng SP-PSA, luồng và các yếu tố như tốc độ gió, dòng chảy, tầm nhìn giống như thực tế ở bên ngoài vào để lái dẫn tàu vào cảng trong... buồng mô phỏng. Mô phỏng xong, đoàn của Bộ GTVT, Cục Hàng hải và các cơ quan khác bay sang Malaysia để nghiệm thu, và sau đó thử nghiệm thành công dẫn tàu vào, rời cảng an toàn.

Thành công của việc đón con tàu trọng tải lớn đầu tiên này là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo, đón các con tàu lớn hơn, từ 132.000 DWT đến 160.000 DWT, 165.000 DWT, 187.000 DWT... và hơn 214.000 DWT - siêu tàu thuộc hàng lớn nhất thế giới lần đầu tiên lịch sử hàng hải VN tiếp nhận. Phải mất hơn 10 năm sau từ ngày con tàu lớn đầu tiên 117.000 DWT cập cảng SP-PSA, ngày 26.10.2020, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đón thành công siêu tàu container Margrethe Maersk có trọng tải đến 214.121 DWT, sức chở hơn 18.300 TEU.

Tại lễ đón hôm đó, để mọi người có thể hình dung con tàu to lớn như thế nào, ông Nguyễn Văn Công (lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách lĩnh vực hàng hải) cho biết nếu xếp 18.000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100 km. “Với sự kiện này, Cảng quốc tế Cái Mép trở thành một trong số khoảng 20 khu bến trên toàn thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ lớn, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới”, ông Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Những chuyến tàu nối Việt Nam với thế giới - Ảnh 1.

Tàu Monaco Bridge thuộc tuyến dịch vụ EC4 do liên minh THE khai thác tại cảng TCIT

CÔNG HOAN

Để có được vị thế đó, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, ông và nhiều người khác đã trải qua chuỗi ngày “mất ăn mất ngủ” với con tàu “khủng” này. Ông Tuấn kể: Lý do bởi chỉ riêng con tàu thôi, giá trị đã khoảng 150 triệu USD, chưa kể hàng hóa trên tàu. Nhưng quan trọng hơn, nếu có vấn đề gì mà tàu mắc cạn nằm trên sông thì sẽ làm đóng luôn cả luồng Cái Mép - Thị Vải. “Qua nhiều lần nghiên cứu từ con tàu lớn đầu tiên cho đến các con tàu lớn tiếp theo thì mình cũng khá tự tin, nhất là sau này các mô hình tính toán, kỹ thuật mô phỏng đã thử nghiệm khá nhiều và tại VN cũng đã có các trung tâm mô phỏng buồng lái, nên mọi việc khá nhuần nhuyễn.

Thế nhưng với con tàu trọng tải quá lớn, dài gần 400 m thì đó là điều lo lắng của nhiều người. Hồi đấy, anh Nguyễn Văn Công cũng quyết tâm, cũng dựa trên cơ sở khoa học mà mình đã nghiên cứu. Nhiều cuộc họp cũng căng thẳng lắm! Anh ấy nói ai không làm được thì đứng sang một bên để cho người khác làm! Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng nên con tàu khủng này vào đến cảng thì cực kỳ an toàn. Tôi nhớ hôm đó khi tàu vào cảng thì trời đổ mưa xối xả, mọi người nói với nhau là mưa xuống mang lại mát mẻ, may mắn và thành công”, ông Tuấn nhớ lại.

Thành công lan tỏa đến nhiều cảng khác ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng SSIT, cũng nhớ mãi mốc son ngày 17.2.2021 khi tàu MSC LA SPEZIA thuộc hãng tàu MSC, có sức chở 14.000 TEU, trọng tải 165.977 DWT, với chiều dài 366 m, là tàu container lớn nhất cập cảng này. Ông Vũ chia sẻ: An toàn luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi đón những con tàu. Khi đó, cảng cùng với công ty tư vấn, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, hoa tiêu, hãng tàu cũng chuẩn bị các phương án về an toàn hàng hải, đảm bảo cho con tàu vào luồng cập cầu, rời cầu cảng và hành trình trên luồng một cách suôn sẻ. Tới thời điểm hiện tại, Cảng SSIT đã tiếp nhận hơn 10 con tàu lớn như vậy.

Hàng từ Việt Nam đi nhanh hơn, xa hơn

Hai năm qua, các cảng của VN tiếp tục chào đón những tuyến dịch vụ mới của các hãng tàu lớn trên thế giới, khai thác kết nối với các cảng trên hành trình nội Á và từ châu Á sang bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ, châu Âu. Có thể kể, tuyến dịch vụ Sentosa của hãng tàu MSC được khai thác tại Cảng SSIT thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải từ tháng 4.2021, cung cấp dịch vụ container trực tiếp đi bờ Tây nước Mỹ.

Đến tháng 6.2021, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã tiếp nhận 2 tuyến dịch vụ trực tiếp đi Mỹ, gồm tuyến dịch vụ TP23/ LIBERTY/ZSE của Liên minh hãng tàu 2M và ZIM và tuyến dịch vụ AWE6/VCE của hãng tàu COSCO và OOCL, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ. Tháng 8 vừa qua, CMIT đón chuyến tàu đầu tiên trên tuyến dịch vụ mới AES3 do hãng tàu Transfar đưa vào khai thác kết nối VN với thị trường Mỹ, nâng số tuyến dịch vụ tàu mẹ cập CMIT trực tiếp đi 2 bờ nước Mỹ lên 5 tuyến/tuần.

Những chuyến tàu nối Việt Nam với thế giới - Ảnh 2.

Tàu mẹ cập Cảng quốc tế Cái Mép

Portcoast

Tân Cảng Cái Mép (TCIT) cũng chào đón tuyến dịch vụ mới AA7 do hãng tàu Wan Hai khai thác từ tháng 7.2021, kết nối khu vực Cái Mép - Thị Vải với các cảng trên hành trình châu Á - bờ Đông nước Mỹ. AA7 là tuyến dịch vụ thứ 2 của hãng tàu Wan Hai sau tuyến dịch vụ AA3 kết nối hàng hóa từ TCIT đi Bắc Mỹ kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ tính riêng năm 2021, TCIT tiếp nhận 350 tàu mẹ của 10 tuyến dịch vụ quốc tế kết nối VN với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á...

Ở phía bắc, đầu tháng 4.2022, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) đón tàu One Continuity, 1 trong 11 tàu siêu trọng tải thuộc Liên minh THE, khai thác tuyến dịch vụ PS3 xuyên Thái Bình Dương kết nối trực tiếp miền Bắc và miền Nam của VN với khu vực bờ Tây nước Mỹ. Hiện tại, cảng này đang tiếp nhận 12 tuyến dịch vụ mỗi tuần, trong đó 6 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, 1 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ, 1 chuyến đi Úc và 4 tuyến nội Á.

Các tuyến dịch vụ trực tiếp đi các thị trường lớn trên thế giới mở ra cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của VN. Cụ thể, hàng hóa sẽ đến các thị trường nhanh hơn nhờ rút ngắn thời gian vận chuyển. Trước đây khi cảng của VN chưa đón được tàu mẹ thì hàng hóa đến các thị trường này phải trung chuyển qua các cảng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... nên thời gian vận chuyển thường kéo dài. Thời gian quay vòng của phần lớn các tuyến dịch vụ từ VN đi bờ Tây nước Mỹ trước đây mất từ 35 - 49 ngày thì nay với tuyến dịch vụ AA3 do hãng tàu Wan Hai khai thác, thời gian vận chuyển chỉ còn 21 ngày. Hay tuyến dịch vụ USCW của hãng tàu ZIM có lộ trình trình kết nối Cái Mép với bờ Tây nước Mỹ nhanh nhất với thời gian vận chuyển xuống còn 15 ngày.

Hiện có khoảng 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận các tuyến vận tải hàng hóa container từ VN đi châu Âu và Mỹ đều là những hãng tàu lớn nhất trên thế giới. Hãng tàu CMA-CGM tăng cỡ tàu từ 9.000 TEU đến 15.000 TEU cho tuyến đi châu Mỹ, bổ sung 36.000 container về VN từ năm 2020 đến nay. Hãng tàu Maersk bổ sung 215.000 TEU, đưa tuyến vận tải mới vào Cái Mép đi bờ Đông nước Mỹ và bổ sung thêm tuyến từ TP.HCM đi thị trường Tây Phi. Các hãng tàu Evergreen, Hapag - Lloyd, Yang Ming đều có sản lượng container tăng cao trong 2 năm qua. Điều này cho thấy VN có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container trực tiếp đi các châu lục.

Tăng hạng trên bản đồ cảng biển thế giới

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng SSIT, cho rằng những con tàu mẹ cập cảng VN hằng tuần như hiện nay là một nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN, các cơ quan chức năng cùng với sự mạnh dạn của doanh nghiệp (DN) cảng, sự tin tưởng của các hãng tàu lớn nhất thế giới, thể hiện vai trò Chính phủ kiến tạo, luôn đồng hành và hỗ trợ sự phát triển của DN cũng như khẳng định năng lực quản lý, phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong sự phát triển của ngành hàng hải trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc cảng CMIT, chia sẻ: “Việc khai thác các siêu tàu có kích cỡ lớn đang trở thành xu thế của hầu hết các hãng tàu trên toàn thế giới, đòi hỏi các cảng biển phải có khả năng tiếp nhận và xử lý hiệu quả các tàu với kích cỡ lớn để đảm bảo tàu ra vào đúng hành trình. CMIT nói riêng và Cái Mép nói chung trở thành một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ này đã chứng minh năng lực của hệ thống cảng biển VN và sự gia tăng vị trí của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Thực tế VN đã có những thứ hạng vinh dự trên bản đồ thế giới. Ngày 25.5.2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và hãng tin tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - Chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu bao gồm cảng hub trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.

Điều bất ngờ và vinh dự là cảng Cái Mép xếp hạng thứ 11 CPPI, đứng trên 3 cảng hub trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (31), Hồng Kông (38) và đứng trên cả cảng Yokohama của Nhật Bản (thứ 12) - cảng danh giá thường có năng suất bốc xếp cao nhất thế giới. Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc dỡ hàng lên xuống cảng, tổng lượng hàng/chuyến và tàu rời cảng ra luồng; yếu tố tàu lớn có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn và yếu tố công nghệ thông tin, số hóa. Mới đây, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố danh sách 50 thị trường logistics mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, trong đó VN xếp hạng 11. Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí gồm: cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số kỹ thuật số, nguyên tắc kinh doanh.

Kết quả trên ghi nhận nỗ lực của nhiều cảng biển ở VN và các DN logistics, đặc biệt là các chủ cảng đã đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất giải phóng tàu, mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong 2 năm qua, nhiều cảng liên tục thiết lập kỷ lục về năng suất xếp dỡ hàng hóa, như cảng CMIT thiết lập kỷ lục xếp dỡ 14.700 TEU hàng hóa chỉ trong khoảng 55 giờ với năng suất bến lên đến 135 container/giờ, giúp giải phóng tàu nhanh chóng, an toàn. Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) đạt kỷ lục 238,08 container/giờ, năng suất trung bình đạt 47 container/giờ/cẩu, vượt qua kỷ lục cùng kỳ năm 2020. Đây là thành tích ấn tượng của đơn vị cảng biển VN, đặc biệt là trong những thời điểm các cảng lớn trên thế giới bị ách tắc, số lượng tàu phải đợi cầu cảng tăng cao chưa từng có do ảnh hưởng hệ quả từ dịch bệnh Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, Công ty Tân Cảng Gantry đã khởi công dự án đóng mới cẩu trục RTG để phục vụ các bến cảng nâng cao năng suất, cải thiện hiệu suất, giảm chi phí trong hoạt động khai thác. Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thị trường xuất nhập khẩu quốc tế chứng kiến sự tăng trưởng thông qua đường biển, làm tăng lưu lượng vận chuyển container trên toàn cầu, do đó thúc đẩy nhu cầu về thiết bị xếp dỡ container di động như cẩu trục RTG. Ngoài ra, một số DN cảng triển khai ứng dụng cảng biển điện tử (E-port) cũng làm thay đổi cách thức giao nhận hàng hóa truyền thống tại cảng biển, giúp khách hàng giảm thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí, thông quan hàng hóa nhanh chóng và an toàn.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng SSIT, cho biết các hãng tàu MSC, Hapag - Lloyd dự kiến sẽ có những con tàu từ 18.000 - 20.000 TEU vào Cái Mép trong năm 2023 để đưa hàng xuất khẩu trực tiếp từ VN đi Mỹ, châu Âu. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu mới từ các hãng tàu lớn nhất thế giới, SSIT đang làm việc với Công ty tư vấn Portcoast, đề xuất Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN và Cảng vụ Vũng Tàu chấp nhận cho cảng tiếp nhận tàu đến 200.000 DWT.

Theo Cục Hàng hải VN, lượng hàng hóa container thông qua cảng biển VN năm 2021 đạt gần 24 triệu TEU, tăng 7% so với năm 2020, tăng 22,2% so với năm 2019 và tăng gần 12 triệu TEU so với năm 2015 (tương ứng mức tăng gần 100%). Hiện nay hằng tuần có các tuyến dịch vụ từ VN đi hầu hết các châu lục. Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 20 tuyến tàu mẹ đi đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, trong đó có 18 tuyến đi châu Mỹ (Cái Mép 16 tuyến, Lạch Huyện 2 tuyến); 2 tuyến đi châu Âu (Cái Mép). Ngoài ra, các tuyến VN đi châu Á,châu Phi, châu Úc đều có các tàu đi/đến Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.