Mắt xích quan trọng chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao,
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam vào khoảng 18 giờ hôm nay (ngày 24.8), sau khi kết thúc chuyến thăm
Singapore.
Các hoạt động chính thức của bà Kamala Harris sẽ bắt đầu từ sáng 25.8. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ chủ trì đón tiếp Phó tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Harris cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Theo CNN, bà Kamala Harris là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên dưới quyền Tổng thống
Joe Biden đến thăm Việt Nam. Bà là con gái của người nhập cư Ấn Độ và Jamaica; đồng thời cũng là Phó tổng thống người da đen và người Nam Á đầu tiên của Hoa Kỳ.
Các quan chức cho biết, bà Harris sẽ tìm cách tăng cường mối quan hệ với các đối tác trong khu vực, gặp gỡ các quan chức Chính phủ ở Việt Nam. Trong đó, thương mại, chuỗi cung ứng sẽ trở thành chủ đề quan trọng trong chuyến công du của nữ Phó tổng thống, khi Hoa Kỳ đang vật lộn với tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu.
CNBC cũng đưa tin, Phó tổng thống Harris đã đến Singapore vào chủ nhật cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà tới Đông Nam Á. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 660 triệu người và một số nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm của bà Harris diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Đông Nam Á cũng là khu vực chiến lược đối với lợi ích của Mỹ vì Biển Đông - tuyến đường vận chuyển thương mại quan trọng nơi hàng nghìn tỉ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trong khu vực.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng như vũ bão trong 20 năm qua
|
Đối tác thương mại đứng thứ 10
Những ưu tiên của Mỹ đối với hợp tác kinh tế với Việt Nam là điều dễ nhận thấy khi theo báo của của Bộ Công thương, thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại đứng thứ 10 của Mỹ.
Kể từ khi
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (tháng 12.2001), thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 1,5 tỉ USD năm 2001, và đạt khoảng 50,8 tỉ USD vào cuối năm 2017.
Năm 2020, dù xuất nhẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch
Covid-19, nhưng thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt 90,8 tỉ USD, tăng 19,8% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ 77,1 tỉ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỉ USD, giảm 5%, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận 63,4 tỉ USD.
Thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong 7.2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỏ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỉ USD, tăng 10,6%.
Nội dung cụ thể các vấn đề hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến thăm của bà Kamala Harris chưa được tiết lộ, song tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương diễn ra mới đây, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam đều mang tầm nhìn dài hạn và mong muốn tạo nhiều cơ hội đầu tư tại đây.
Thêm vào đó, cơ hội thu hút
FDI từ Hoa Kỳ đang rất rộng mở với Việt Nam, tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành nhìn nhận, giống như các doanh nghiệp Việt Nam trong nước, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh của dịch
Covid-19 và các chính sách hạn chế do công tác chống dịch theo yêu cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh, hoặc ngừng hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 7.2021. Trong khi, đa số các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đều tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc về đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa và sự di chuyển của nhân sự tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cho biết đã gặp phải những khó khăn trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 cho
người lao động tại doanh nghiệp. Đây sẽ là nội dung có thể sẽ được nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ thảo luận.
Đầu tháng 8.2021, tại Washington D.C, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã tham dự Tọa đàm trực tuyến do The Asia Group (tổ chức tư vấn kinh doanh và chiến lược của Hoa Kỳ) tổ chức với chủ đề: Hợp tác đầu tư xuyên Thái Bình Dương để trao đổi cơ hội, tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hơn 40 lãnh đạo là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực năng lượng,
tài chính, công nghệ, chế tạo đang đầu tư hoặc đang quan tâm đến đầu tư Việt Nam, như: Blackstone Group, Google, Facebook, Ford, Walmart… đã đến tham dự sự kiện.
Tại đây, đại diện nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo đó, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư Mỹ đặt trọn niềm tin vào Việt Nam là sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và việc thúc đẩy mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam thời gian qua. Điều này đã tạo thuận lợi nhất định cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo CNN, trước chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ, rất nhiều các tập đoàn lớn của quốc gia này đã đề xuất Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ, toàn diện cho Việt Nam trong vấn đề chống dịch
Covid-19; cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.
Bình luận (0)