Những 'Con đường em đến trường' của thanh niên

24/02/2021 07:14 GMT+7

Để học sinh ở những bản làng xa xôi bớt khó khăn, đoàn viên, thanh niên của tỉnh Yên Bái đã xuyên rừng vào bản làm hơn 100 'Con đường em đến trường', giúp hàng ngàn học sinh đi học thuận lợi hơn.

“Khai sinh” 111 con đường

Tỉnh Yên Bái có rất nhiều xã vùng cao và vùng đặc khó khăn, đường đi lại gian nan, hiểm trở. Những ngày mưa lũ, học sinh không thể tới trường, vì phải đi bộ hàng chục cây số trên những con đường lầy lội, trơn trượt. Để giúp các em đi lại thuận lợi, Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai công trình xây dựng “Con đường em đến trường” với mục tiêu bê tông hóa 100 km đường ở các thôn bản.
Anh Triệu Trí Lộc, Phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, cho biết công trình do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái phát động (từ tháng 5.2019 - 10.2020) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 123 km, với 111 con đường bê tông, tại hơn 100 thôn bản ở vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh. Công trình đã được T.Ư Đoàn xét chọn là một trong những công trình tiêu biểu cấp T.Ư năm 2020.
Chia sẻ về hiệu quả của công trình này, anh Lộc cho biết: “Qua triển khai đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, nhiều cách làm hay, sáng tạo tại cơ sở được các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh áp dụng, huy động nguồn lực lớn để thực hiện. Các cấp bộ Đoàn đã kêu gọi, vận động được trên 1.500 tấn xi măng; gần 20.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia, tổng trị giá các công trình trên 55 tỉ đồng”.
Tiêu biểu như “Con đường em đến trường” tại thôn Lao Chải, xã Lao Chải, H.Mù Cang Chải. Đường dài gần 1 km, bê tông hóa với mặt đường rộng 3 m, dày 20 cm được thi công và hoàn thành trong 1 tháng. Tổng kinh phí làm tuyến đường này là 1,6 tỉ, trong đó Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh huy động từ các nguồn xã hội hỗ trợ kinh phí (150 tấn xi măng), đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương đóng góp cát sỏi và ngày công xây dựng. Công trình hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho 644 học sinh bán trú đến trường và gần 3.000 người dân của 6 bản thuộc xã Lao Chải đi lại thuận tiện, nhất là trong mùa mưa bão.
“Con đường em đến trường” tại xã Dế Xu Phình, H.Mù Cang Chải có chiều dài 1,2 km, bê tông hóa với mặt đường rộng 2 m, dày 20 cm cũng được thi công và hoàn thành trong 1 tháng. Công trình này đã giúp trên 2.000 người dân và gần 500 học sinh trong thôn không sợ đi lại vào mùa mưa nữa.
Có rất nhiều con đường như thế đã hiện hữu ở những bản làng xa xôi trên toàn tỉnh Yên Bái như: xã Khao Mang, Nậm Khắt (H.Mù Cang Chải); xã Minh An, An Lương (H.Văn Chấn); xã Yên Phú, Đại Sơn, Tân Hợp, Lang Thíp (H.Văn Yên); xã Minh Xuân, Minh Chuẩn (H.Lục Yên)...

Hành trình của sức người và những bao xi măng

Để xây dựng được những “Con đường em đến trường” là một hành trình không ít gian nan, bởi đoàn viên thanh niên phải băng rừng lội suối mới đến được thôn bản. Anh Lại Phương Tuyến (chuyên viên Ban Tuyên giáo, Tỉnh đoàn Yên Bái), người đã cùng các đoàn viên thanh niên đi chinh phục “Con đường em đến trường” tại bản Tà Dông và bản Nả Háng, xã Chế Tạo, H.Mù Cang Chải, cho biết: “Con đường vào bản vô cùng gian nan, thậm chí không thể vào được bằng xe máy vì nhiều chỗ phải vượt qua suối với lớp đá cuội gập ghềnh nguy hiểm. Chúng tôi phải đi bộ qua những dốc đá cheo leo. Càng đến gần nơi khởi công, ai cũng sợ khi phải vượt qua thử thách mang tên… con đường”, anh Tuyến chia sẻ.
Anh Tuyến cũng cho biết giá trị của những bao xi măng vào đến thôn bản đắt gấp 5 lần, do phải vận chuyển đường rừng. “Những bao xi măng được vận chuyển từ trung tâm xã vào đến bản cũng là nhờ nỗ lực của thanh niên, người dân trong bản. Nếu nói đến chi phí, có lẽ công vận chuyển còn “đắt” hơn giá trị của bao xi măng. Những tình nguyện viên của bản chở xi măng mỗi chuyến xe chạy gần 1 tiếng đồng hồ một lượt, chở được 2 bao xi măng là 2 tiếng đồng hồ liên tục chạy trên con đường rộng hơn 1 m, có chỗ hẹp men theo ruộng bậc thang, như hình móng ngựa chỉ 0,6 m...”, anh Tuyến nhớ lại.
“Để có một khối cát xây dựng vào đến công trình cũng phải đắt gấp 10 lần. Vì thế, đoàn viên thanh niên đã cùng người dân xuống suối tự xúc, đãi, mang vác lên công trình với không ít mồ hôi và cả những vết thương rỉ máu”, anh Tuyến kể. Thế nhưng, vượt qua mọi thử thách, 111 con đường ở hơn 100 thôn bản, với 123 km, đã được bê tông hóa bằng sức người và những bao xi măng. Công trình đã được đánh giá là mang lại ý nghĩa lớn lao cho cộng đồng.
“Trước đây, ở các bản xa trung tâm xã, con đường bê tông vẫn là cái gì đó xa xỉ, nhưng giờ đây người dân và học sinh đã được đi trên con đường mà họ mơ ước. Chúng tôi muốn từ con đường này sẽ góp sức nhỏ của mình dẫn các em đến tương lai”, anh Tuyến phấn khởi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.