Những con đường “tủ kính”

10/09/2018 13:41 GMT+7

Chẳng thể nào tránh khỏi suy tư mỗi khi đi ngang những con đường rộng cả chục làn xe trong nội đô những thành phố ở các tỉnh nghèo .

Những con đường chắc chắn có giá trị đầu tư cả trăm, ngàn tỉ đồng. Thẳng tắp. Thường là phô diễn cùng với những cổng chào đèn hoa rực rỡ. Có nơi, tên đường được người dân gọi ngắn gọn là đường 58, là đường 62. Tức là rộng 58 m, rộng 62 m. Gọi vậy cho nó tiện, cho nó phô diễn được cái bề thế của con đường.
Rực rỡ và hoành tráng
Trong nhận biết của tôi, những con đường như thế là mơ ước của chính quyền và người dân địa phương. Họ coi đó là một tiêu chí rõ ràng của phát triển. Và mơ ước ấy chẳng có gì sai cả. Thành phố quê hương khang trang với con đường to rộng, đẹp đẽ và rực rỡ ánh đèn, thắp sáng lên những niềm vui, niềm hy vọng, tạo đà cảm hứng cho doanh nghiệp, cho người dân phấn đấu vươn lên.
Mà đẹp thật. Nào đèn, nào hoa, nào cổng chào, nào vạch sơn luôn mới, lề đường lót gạch lót đá khang trang. Dường như tất cả những gì thuộc về “vẻ đẹp nhân tạo” của những thành phố ấy đều cố phô diễn ra, như một thông điệp mạnh mẽ về triển vọng của thành phố nơi tỉnh nghèo.
Thế là con đường có sứ mệnh phải trưng bày những thứ hoành tráng nhất có thể. Là quảng trường, với một bãi trống rộng thênh thang, một khu khán đài bề thế và những hàng cột cờ vươn cao.
Thế là con đường có sứ mệnh của “chiếc tủ kính” trong thành phố, trưng bày những vẻ đẹp được sắp đặt theo ý chí của chủ nhân.
Thế thì chủ nhân thành phố đã sắp đặt những gì nơi con đường đẹp đẽ hàng trăm hàng ngàn tỉ ấy?
Là khu trụ sở chính quyền tỉnh. Rất hoành tráng, đúng với vị thế chính trị phải có. Và quanh đó, trên suốt cả một con đường dài, là những tòa nhà cơ quan nhà nước to đùng lần lượt xếp thẳng hàng. Lần lượt, hết cơ quan này đến cơ quan kia, không có gì khác chen vào.
Có nơi, tôi được dịp ngắm nhìn một con đường như thế từ trên cao, và điểm danh các tòa nhà. Lần lượt những tòa nhà nổi bật lên hai bên con đường rộng dài thẳng tắp ấy đều là những tòa nhà cơ quan nhà nước. Có nơi, tôi được dịp phóng xe chạy dọc hết con đường, mà có cảm giác như mình đang trong một cuộc duyệt binh đặc biệt, lần lượt duyệt qua những cổng chào hoành tráng của các cơ quan nhà nước.
Và quanh con đường to lớn đẹp đẽ đó, đôi khi lác đác một vài tòa nhà nho nhỏ của các doanh nghiệp, khiêm tốn khép mình ở một góc đường nhỏ hơn. Doanh nghiệp mà, họ hiểu rõ vị thế doanh nghiệp và bài toán chi phí trong hoạt động sống còn của mình.
Nghịch lý
Rồi thế là nghịch lý. Chính những con đường ấy trở thành cung đường vắng vẻ. Nhất là sau giờ hành chính, thậm chí con đường trở thành khu vực nhạy cảm về an ninh trật tự với người dân.
Rồi thế là nghịch lý. Chính những con đường đẹp đẽ ấy lại là những con đường ngốn tiền tỉ để vận hành, để duy tu bảo dưỡng, mà chẳng giúp làm ra thêm chút ngân sách nào để bù đắp.
Tôi cứ tự hỏi, có bao nhiêu con đường “tủ kính” như thế ở những thành phố thuộc một địa phương nghèo. Nói nghèo không phải là phân biệt, mà là có cơ sở rõ ràng, là dựa vào chuyện đã tự chủ được ngân sách hay phải trông chờ vào hỗ trợ của ngân sách trung ương.
Ước mơ có những con đường to rộng và đẹp đẽ trong lòng thành phố quê hương là một ước mơ chính đáng ở những địa phương còn nghèo. Nhưng sao ước mơ ấy lại không đi cùng với một tính toán thực tế hơn. Rằng khi thành phố được đầu tư ngân sách để hình thành một con đường như thế, thì những vị trí đắc địa, những vị trí vàng nên ưu tiên dành cho doanh nghiệp, dành cho các cơ sở kinh doanh, cho địa điểm sinh hoạt văn hóa. Để con đường trở nên sầm uất, đông vui, trở thành một động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rồi cũng từ đó, địa phương có thêm cơ hội để tăng cường nguồn thu tại chỗ. Vừa tạo được cơ hội cho doanh nghiệp, cho dân, vừa tạo được nguồn thu ổn định để phát triển.
Tôi đem chuyện thử hỏi một người làm doanh nghiệp ở một thành phố miền Tây có con đường “tủ kính” như thế. Câu trả lời như xõa ra cảm giác buồn trên nét mặt, buông thõng nỗi thất vọng trong giọng nói: “Doanh nghiệp tụi tui không dễ có phần quy hoạch đâu anh ui!”.
Vậy thì rốt lại, những con đường “tủ kính” ấy thật ra đã trưng bày được những vẻ đẹp của thành phố như mong đợi hay chưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.