Những con mắt trần gian

12/06/2016 06:04 GMT+7

Camera an ninh gắn trong nhà dân, cửa hàng, công sở, đường phố... là một loại thiết bị chẳng có gì mới, từ thế kỷ trước nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng rồi. Thế nhưng ở VN nó đã trở thành một câu chuyện thú vị kể từ khi mạng xã hội được người dân sử dụng một cách phổ biến.

Camera an ninh gắn trong nhà dân, cửa hàng, công sở, đường phố... là một loại thiết bị chẳng có gì mới, từ thế kỷ trước nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng rồi. Thế nhưng ở VN nó đã trở thành một câu chuyện thú vị kể từ khi mạng xã hội được người dân sử dụng một cách phổ biến.
Chỉ riêng chuyện tai nạn giao thông đường bộ, trước đây nếu có xảy ra va chạm giữa xe hơi và xe máy (hoặc xe đạp và cả người đi bộ), thì người ta thường đổ lỗi cho ô tô. Thế nhưng từ khi chủ xe và tài xế lắp đặt camera hành trình trên ô tô, người ta đã biết phần lỗi thuộc về ai nếu có xảy ra tai nạn, hình ảnh thu được nói lên tất cả, khỏi “cãi chày cãi cối” làm gì cho mệt thân. Cơ quan chức năng cũng có thể căn cứ vào đoạn phim trên camera hành trình ấy đặng xử cho đúng người, đúng tội. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để “hợp thức hóa” cái camera ấy.
Sở dĩ phải “hợp thức hóa” vì những hình ảnh liên quan đến bọn tội phạm thời gian qua (đã được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải) đại đa số đều được người dân tung lên mạng xã hội, chứ chưa có một cơ quan hành pháp hoặc tư pháp nào đứng ra tiếp nhận. Trong bối cảnh tình hình an ninh-trật tự có phần phức tạp như hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải xem camera của công chúng là một kênh để góp phần phòng chống tội phạm. Để giúp người dân tham gia tố cáo tội phạm, chúng ta cần có một địa chỉ cụ thể giống như một cái “rổ” để “hứng” tất cả các thông tin liên quan nhằm tập trung đầu mối xử lý. Về chuyện này, tất nhiên chúng ta phải biết cách bảo mật danh tính của người cung cấp thông tin, tạo cho dân chúng an tâm khi hợp tác. Và còn điều khá quan trọng nữa là, “cái rổ” ấy phải đủ rộng để tiếp nhận cùng lúc nhiều thông tin “rót” vào một cách thuận tiện nhất, dễ dàng nhất, dễ nhớ nhất có thể.
Chúng ta không ảo tưởng rằng nhờ có camera mà tất cả những tên tội phạm đều bị sa lưới. Nhưng, ngày càng có nhiều tên tội phạm bị công an bắt chỉ sau vài ngày gây án nhờ hình ảnh quần chúng ghi được mà các báo đã đăng tải, cho thấy sự lợi hại của thiết bị này. “Sự lợi hại” của kênh camera còn nằm ở chỗ nó sẽ giảm bớt sự phiền hà bởi những thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, khi người dân đến trình báo tại cơ quan công an như thời gian qua. Một khi đã có “đầu mối” đáng tin cậy, giảm tối đa sự phiền hà, thì sự hợp tác giữa dân chúng và nhà nước trong công cuộc phòng chống tội phạm qua camera - những con mắt trần gian - chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Bọn tội phạm kể từ đây cũng “nhức đầu” mà suy nghĩ lại mỗi khi muốn gây án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.