Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống nhưng người nhận nhiệm vụ mới lại bối rối, loay hoay

01/06/2022 13:27 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trong thời kỳ hậu Covid-19 , ngành Y tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn , tệ hơn bao giờ hết.

Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 1.6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) bày tỏ nhiều nỗi niềm tâm tư của cán bộ ngành y tế trong thời kỳ hậu Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết ngành y tế đang gặp nhiều vấn đề
quochoi.vn

Theo ông Hiếu, dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực nhưng ngành y tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

“Dù những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công tội phân minh, vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào và không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả hệ thống tê liệt”, đại biểu Hiếu đặt vấn đề và cho biết, tình trạng này đang trở nên tệ hơn bao giờ hết.

“Nếu các vị đại biểu Quốc hội có thời gian thăm các bệnh viện địa phương mình thì sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này và đã rất nhiều các nhân viên y tế cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh gửi gắm cho tôi nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay và trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam”, đại biểu Hiếu nói và chỉ rõ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện cả công và tư; tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế, “có những loại kháng sinh thông dụng cũng không thể mua được ở các cửa hàng thuốc”.

Thống kê của các bệnh viện công và tư cho thấy nhiều nơi không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành phải bó tay. Chưa kể, nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn vì mức lương của cán bộ y tế không tăng mà còn giảm khiến nhiều người rời bỏ công việc của mình…

Từ đó, đại biểu Hiếu đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo luật Khám chữa bệnh sửa đổi trong kỳ này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành sớm hơn các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể và bố trí nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói phục hồi kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư các kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành, có các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.

Theo ông Hiếu, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19 và công đầu chắc chắn là cán bộ, nhân viên ngành y tế “nhưng chính họ lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những con sâu đã bị gạt bỏ khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh.

Đề nghị thanh tra toàn diện chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu nhiều băn khoăn, lo lắng về công tác quản lý nghiên cứu khoa học chưa nghiêm túc, chưa đảm bảo chất lượng, dù vấn đề đã đặt ra tại nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội.

Đại biểu Anh dẫn chứng, trong giai đoạn 2016 - 2021, dự toán ngân sách cho khoa học công nghệ tương ứng với số tiền từ 25.000 - 35.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, chi cho sự nghiệp khoa học khoảng từ 10.000 tỉ đồng đến 13.000 tỉ đồng/năm nhưng không được các bộ, ngành chức năng báo cáo, thống kê đầy đủ và cũng không có căn cứ để đánh giá hiệu quả của đầu tư cho khoa học công nghệ.

“Việc đánh giá kết quả đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ mới chỉ dừng lại ở mức liệt kê chung chung mà còn thiếu các phân tích định lượng đánh giá chất lượng hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói, đồng thời cũng chỉ rõ trong giai đoạn 2016 - 2021, chỉ tính riêng tổng kinh phí giao Bộ Khoa học - Công nghệ triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia là gần 11.000 tỉ đồng và hầu hết những nhiệm vụ này đã được nghiệm thu và theo quy định của pháp luật thì phải tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. “Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin báo cáo về việc tổ chức ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ này”, đại biểu Anh nói.

Từ thực trạng trên, đại biểu Anh đề nghị giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình, nhiệm vụ khoa học trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2021. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ giai đoạn này.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học - Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện, trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo điều 40 của luật Khoa học và công nghệ. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp đầy đủ số liệu chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; cung cấp thông tin cho đại biểu cử tri theo dõi, giám sát; chỉ đạo thanh tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, báo cáo Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.