Những con số 'khủng' tại phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

25/10/2022 15:09 GMT+7

Dự kiến phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu kéo dài từ 45 - 60 ngày. Có 81 luật sư bào chữa cho 74 bị cáo; 96 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 25.10, tại Hội trường Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu.

Bị cáo Phan Thanh Hữu, một trong những người cầm đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

T.D

Đây là vụ án buôn lậu được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay với số lượng 74 bị cáo. Đó là chưa kể 14 bị cáo khác có liên quan đến đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu đã bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 xét xử sơ thẩm vào ngày 15.7.2022.

Vào ngày 15.7.2022, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 7 năm tù về tội “buôn lậu”; cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” (tổng hình phạt là chung thân).

Ngoài ra, Tòa án Quân sự Quân khu 7 còn tuyên phạt 11 bị cáo khác cùng tội “nhận hối lộ”, trong đó cựu thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lãnh mức án 15 năm tù; cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, lãnh án 12 năm tù. 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

Vụ án này có đến 74 bị cáo

T.D

Điều đáng chú ý dù có đến 74 bị cáo nhưng chỉ xét xử 2 tội danh (buôn lậu và nhận hối lộ). Trong đó 3 bị cáo cầm đầu là Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM), Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh; Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng cùng 70 bị cáo khác bị truy tố về tội buôn lậu.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn

T.D

Bị cáo còn lại là Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Xem nhanh 20h ngày 25.10: Long đong biệt thự bà Trương Mỹ Lan | Siêu xe ông Trịnh Văn Quyết hạ giá

Bào chữa cho 74 bị cáo nói trên có 81 luật sư đến từ nhiều tỉnh thành. Liên quan đến vụ án còn có 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 43 người làm chứng.

Dẫn giải các bị cáo ra sau khi tạm nghỉ phiên tòa buổi sáng

LÊ LÂM

Cáo trạng do Viện KSND tỉnh Đồng Nai tống đạt dày đến gần 150 trang. Trong ngày 25.10, phiên tòa chỉ mới làm thực hiện thẩm tra lý lịch các bị cáo. TAND tỉnh Đồng Nai dự kiến xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu kéo dài từ 45 - 60 ngày.

Xe chở các bị cáo ra khỏi nơi xét xử

LÊ LÂM

Tại phiên tòa khai mạc có một số vị luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, những người làm chứng đã có đơn xin vắng mặt. Theo đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố tại phiên tòa, thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã làm việc và có đủ lời khai của tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng nên sự vắng mặt này không ảnh hưởng đến việc xét xử.

Luật sư phản ánh chỗ ngồi "không đẹp" như đại diện Viện KSND

Sáng 25.10, tại phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa một số luật sư (LS) đã có ý kiến lên HĐXX.

Vị trí ngồi của các LS (bên trên) và đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai (bên dưới)

T.D

Cụ thể, có LS đề nghị hoãn phiên tòa, nhưng LS khác đề nghị tiếp tục; một số LS đề nghị được quyền tiếp cận các bị cáo trước, trong và sau phiên tòa.

Ngoài ra còn có LS phản ánh chỗ ngồi "không đẹp" như đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Cụ thể, LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bào chữa cho 2 bị cáo: gồm Lê Thanh Trung, Giám đốc Công ty CP Thương mại nhiên liệu Tây Nam Bộ và Lương Đình Tiến, Giám đốc Petrolimex Long An, phản ánh: "Chỗ ngồi của đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai bằng phẳng. Còn chỗ của các LS thì bên cao, bên thấp, xộc xệch, trông mất thẩm mỹ".

Trả lời vấn đề này, chủ tọa phiên tòa thẩm phán Nguyễn Văn Thành lý giải do đây là hội trường của Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai, được thiết kế có bậc dốc nên các bàn kê không được bằng phẳng liền mạch. Còn chỗ ngồi của đại diện Viện KSND bằng như vậy là do bên viện bỏ tiền ra chỉnh sửa.

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, LS Trương Xuân Tám nói rằng việc bố trí chỗ ngồi trong khi xét xử như thế nào là quyền của tòa, nhưng thuê hay nhờ (hội trường - PV) thì HĐXX phải chịu trách nhiệm chung.

“Tòa phải có trách nhiệm điều phối chung, nếu như bây giờ các LS thuê thợ mộc đến kêu đóng cao lên thì có được không?”, LS Tám đặt giả thiết.

Cũng theo LS Tám, vừa qua trong cải cách tư pháp có nội dung tạo sự bình đẳng giữa luật sư và kiểm sát viên, bình đẳng ngay từ chỗ ngồi. "Nếu làm chỗ ngồi cho 2 bên cân bằng nhau, vừa thể hiện được tinh thần bình đẳng, về phần thẩm mỹ cũng đẹp", LS Tám đúc kết.

Theo cáo trạng, từ 2019 Phan Thanh Hữu cùng với Viễn và 3 đối tượng khác góp tổng cộng 53,4 tỉ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.

Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở vào sang qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc Vĩnh Long).

Do xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1 kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100 m3 xăng. Sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.

Đêm 6.2.2021, Công an Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ triệt phá đường dây buôn lậu này. Theo cáo trạng, từ tháng 3.2020 đến 2.2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỉ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ.

Trong quá trình buôn lậu, Hữu đã cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ. Theo đó, Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.

Cáo trạng cũng cho biết, ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng để việc buôn lậu xăng được suôn sẻ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu hầu tòa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.