Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Được xác định là một trong những bị can giữ vai trò cao nhất, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố cùng lúc 3 tội danh: đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Hơn 1.000 doanh nghiệp
"Đế chế" Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan xây dựng gồm hơn 1.000 doanh nghiệp dưới dạng công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Các công ty chia thành 4 nhóm.
Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, trong đó SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp dòng vốn cho các công ty trong "hệ sinh thái".
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn như Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông…
'Hệ sinh thái' gia đình của bà Trương Mỹ Lan gồm những ai?
Nhóm công ty "ma" tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác.
Nhóm cuối cùng là mạng lưới các công ty tại nước ngoài, được thành lập tại các quốc gia, vùng lãnh thổ được mệnh danh là "thiên đường thuế", nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc dùng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
91,5% cổ phần
Đây là tỷ lệ sở hữu và chi phối cổ phần tại SCB của bà Trương Mỹ Lan. Dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng bằng việc nắm giữ gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan điều hành toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.
Biết rõ quy định pháp luật chỉ cho một cá nhân sở hữu không quá 5% cổ phần của một ngân hàng, bà Lan đã nhờ 26 cá nhân, pháp nhân đứng tên giúp; bản thân mình chỉ trực tiếp đứng tên gần 5%, cho đúng quy định.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB; trả lương cho họ từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.
Theo kết luận điều tra, bà Lan sẽ lựa chọn những người được đánh giá là hiền lành, "không quậy phá" để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB, nhằm dễ bề thao túng.
Hơn 1 triệu tỉ đồng
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới nhờ hoặc thuê người đứng tên để thành lập các công ty "ma". Những công ty này thực tế không có hoạt động kinh doanh gì, được "khai sinh" chỉ với mục đích duy nhất là lập khống hồ sơ nhằm hợp thức hóa các khoản giải ngân từ SCB.
Trong hàng ngàn khoản vay mà SCB đã giải ngân cho "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra xác định phần lớn đều có sai phạm; thậm chí có những khoản giải ngân rồi mới tiến hành hợp thức hồ sơ.
Bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 300.000 tỉ đồng, tiền mặt kê biên chỉ hơn 2.000 tỉ
Đáng chú ý, giúp sức cho bà Lan không chỉ là dàn "vệ tinh" tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB mà còn là các đối tượng thuộc nhóm công ty thẩm định giá, thông qua việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo của các công ty.
Bằng chuỗi chiêu trò trên, từ tháng 1.2012 - 10.2022, SCB đã cho các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay hơn 1 triệu tỉ đồng. Đến thời điểm vụ án bị khởi tố, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng, gồm cả gốc và lãi.
Hơn 304.000 tỉ đồng
Đây là số tiền bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô của SCB, cũng là con số "khủng" nhất từ trước đến nay trong một vụ án hình sự liên quan đến tội danh trong nhóm tham nhũng, đặc biệt lại là tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Tháng 1.2012, SCB được thành lập và đi vào hoạt động, trên cơ sở sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Kể từ thời điểm này, bà Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống để "rút ruột" SCB như đã nêu.
Khi đến hạn và không trả được nợ, bà Lan tiếp tục chỉ đạo tạo lập các khoản vay khống mới, khiến số tiền thiệt hại ngày càng lớn.
Từ tháng 2.2018 - 10.2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "đạo diễn" lập khống 916 hồ sơ rút tiền từ SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. Hành vi này còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng.
1.237 bất động sản
Quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an cho biết đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê biên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Theo đó, cơ quan điều tra thu giữ tổng số tiền 589 tỉ đồng, gần 15 triệu USD và hàng ngàn bất động sản, siêu xe, du thuyền…; phong tỏa hơn 1.800 tỉ đồng của các bị can tại các ngân hàng.
Riêng với bà Trương Mỹ Lan, công an tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP.HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhờ nhiều người đứng tên.
5,2 triệu USD
Để bưng bít các sai phạm liên quan đến SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo sếp ngân hàng này mang tiền đi hối lộ cho thành viên đoàn thanh tra, trong đó chi 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), trưởng đoàn thanh tra.
Đáng chú ý, kết luận điều tra cho hay, trong tổng số tiền hối lộ bà Nhàn, có tới 5 triệu USD được ngụy trang bằng việc nhét vào thùng xốp hoa quả.
Nhận tiền, bà Nhàn bao che cho sai phạm của SCB và Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; chỉ đạo cấp dưới bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro… Bà Nhàn còn báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu.
Chuỗi hành vi của nữ cục trưởng khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Xem nhanh 20h: Hệ sinh thái gia đình của bà Trương Mỹ Lan; Lật tẩy cách chọn người 'rút ruột' SCB
Bình luận (0)