Những con sóng thời gian vỗ đôi bờ ký ức

01/10/2022 16:42 GMT+7

Xin lấy tựa đề bài viết bằng câu thơ in đầu tiên trong tập thơ Mây âm tính của Võ Văn Luyến. Bài thơ có tựa đề Những con sóng , và trôi dài theo bờ bãi ký ức ấy của nhà thơ từng là lính, đôi khi chênh chao một nỗi đa đoan, mà ánh nhìn toát trong từng câu chữ là niềm yêu nhân thế.

Những con sóng thời gian vỗ đôi bờ ký ức/bên lở nỗi buồn/bên bồi niềm vui/người mẹ trước khi về với đất/dòng sữa ca dao để lại/nuôi những đứa con lớn lên…

Và từ nơi ấy, Võ Văn Luyến cất bước ra đi. Không chỉ ngược xuôi dòng đời, cầm súng rồi cầm phấn đứng trên bục giảng suốt hơn 40 năm, mà anh còn đắm chìm trong miền chữ nghĩa, riêng tây nhưng không cô độc. Ấy là một trái-tim-đa cảm lặng thầm, đôi khi tưởng chừng cảm thấy cô đơn.

Tôi nhớ, dịp về Huế tháng 6 vừa rồi, Luyến cùng tôi ăn chung mâm ngủ chung phòng. Để chuyện trò, để hàn huyên cho thỏa những kỷ niệm những ngày cư xá Đội Cung của Trường đại học Sư phạm Huế một thời bao cấp. Rồi đến khuya, khi thành phố đã ngủ say, chúng tôi ngược lên ga Huế. Trong bồng bềnh sương buông la đà trên dòng Hương, chợt vi vút qua cầu Dã Viên, anh hát. Một giọng thấm đẫm chất gió Lào Quảng Trị, đôi lúc mượt mà như dòng sông Vĩnh Định quê anh, nơi miền cát xen lẫn ruộng đồng của huyện Hải Lăng. Mà có khi, tôi như nghe lạo xạo dưới bước chân sải dài khuya khoắt của mẹ, hay lúc trời trưa mẹ lật nón đón ngọn gió nồm…

Để rồi khi nhớ, Võ Văn Luyến viết, khắc khoải: “… Mạ đi xa con gần lại cô đơn/đường xưa ấy lùi dần vào thương nhớ/chiếc cầu cũ gánh niềm đau nghẹt thở/buổi trưa nào giật thót tận tâm can…” (Mai ngày giỗ ngoại, nhớ buổi mạ về). Tiếng gọi “mạ”, trong âm vị giọng miền Trung, như một hoài niệm khôn cùng, mà mỗi khi nghe tưởng như đâu đây vẫn còn văng vẳng chiều chiều “mạ kêu về ăn cơm tề”, khi những đứa con nghịch ngợm còn ở đâu tận đầu bờ cuối bãi.

Trang bìa 1 và bìa 4 tập thơ của nhà thơ Võ Văn Luyến

T.T.B

Tôi không thuộc trường phái nhìn đời yếm thế, nên những lúc nghe Luyến kể chuyện tiếu lâm, cười sảng khoái bên ly rượu chiều hay lúc ở xa nghe tiếng anh qua điện thoại, lại có cảm giác giao hòa. Ở một khía cạnh nào đó, vừa là đồng môn, lại là đồng hương, bỗng dưng cảm nhận được cách nhìn nhận về nhân sinh đồng điệu. Trong bài thơ Bản nháp của đời người, Võ Văn Luyến đã viết lại cách nhìn ấy: “… chẳng sao cả/chúng ta đánh mất quá nhiều sự hồn nhiên trong trẻo/chiến tranh dắt ta vào thế giới người lớn/biết cầm súng trước biết yêu/biết nói về tương lai dân tộc trước lứa đôi hạnh phúc/tuổi xuân trôi vèo trong khoảnh khắc/ngoảnh mặt đã quá lưng đời…”.

Bởi hai câu trước đó, anh đã viết trong veo: “anh hình dung em/đứa trẻ tắm dưới mưa vô tư như chưa từng làm con gái”, nên chi chẳng sao cả, và có lẽ ấy là xuyên thấu miên viễn của một nhà thơ, đã từng in những tập thơ trăn trở như Mật ngôn của biển, Sự trinh bạch của ngọn nến hay Người câu bóng mình

Cái cảm giác mặc sức tung tẩy từng câu chữ của Võ Văn Luyến trong từng tập thơ đã in ấy, hay với tập Mây âm tính tôi cầm trên tay, đều có những lý do riêng và sự đầy đặn riêng. Chẳng ai “đọc” được hết, nói được hết tâm cảm của nhà thơ khi đối diện một thực tại, để rồi vút lên thăng hoa, tinh tế!

Bởi thế, nên khi đọc những dòng trong bài thơ Cầm lên tháng ngày, tôi chợt thấy một nụ cười mỉm thoáng qua giữa đời: “ừ thì về kêu nghèo kể khổ/ừ thì vươn vai ưỡn ngực nhẹ hều bão tố/ừ thì cay đắng có sao đâu/ừ thì núi mòn sông cạn vẫn thương nhau…” để rồi nối tiếp với những câu“ta thương ta tận cùng chân thật/hái trăng nhặt gió làm vui…”.

Hiếm hoi thái độ ấy, giữa đời này!

Bất chợt, giữa nhiều bài thơ tự do hoặc song thất trong các tập thơ của Võ Văn Luyến, rất ít khi tìm ra thơ lục bát. Với tập thơ này, Luyến đã gieo đôi vần lục bát như một biến hóa, nhức nhối mượn vay như tựa đề của nó: Mượn: “mượn đêm giấu vạt ưu phiền/mượn ngày bè bạn giấu miền tỉnh say/mượn mình giấu đó với đây/mượn câu thơ giấu rủi may cuộc người”. Là vì, mượn đêm nên trong tập thơ, tôi tìm thấy nhiều bài thường nhắc đến nỗi thao thức ấy của anh, tỉ như Thức giữa đêm dày, Hồi nguyên một cơn mơ, Nỗi nhớ thức giấc…

Nhận tập thơ, hơi thắc mắc vì tựa đề Mây âm tính, định gọi nhà thơ Võ Văn Luyến để hỏi, hóa ra bài thơ là một câu chuyện đối thoại với một người phụ nữ (có thể có thực, có thể không), để anh gửi gắm tuyên ngôn thơ của mình: “thơ dễ quá có chán không anh/mỗi ngày làm trăm bài mà như nước lã/biển thì thật xa nguồn thì vắng cá/âm tính thơ em bỏ mặc em rồi”. Nhưng, điều anh muốn nói hiển lộ ngay ở khổ thơ cuối: “âm tính ngữ ngôn chết ở bên trời/ôi lửa rơm làm sao sống lại/phải tự đi bằng đôi chân trần nhẫn nại/em tự lấy máu tim em gieo xuống tiếng cười”.

Đọc tập Mây âm tính của Võ Văn Luyến, NXB Hội Nhà văn

Hay để ghi dấu bước chân qua bao miền, dằng dặc ngày tháng đã qua, Luyến đã viết như một lời tri ân, dù chỉ có một vài lần men rượu tỉnh say nơi ấy: Đêm Kinh Bắc nhớ Nguyên phi Ỷ Lan, La Ngà soi bóng, Huế đa tình, Trở lại Ô Lâu, Chợ tình Khâu Vai…

Và ngay trong dịp Sài Gòn đánh dấu 1 năm ngày mở cửa sau đại dịch Covid-19 (1.10.2021-1.10.2022), với nhiều nỗ lực giữ vững nền tảng năng động sau biến cố chưa từng có, giữ vững nghĩa ngữ hào sảng, chân tình và cưu mang người đến từ mọi chốn, trong đó có tôi, bỗng lại thêm một bất ngờ. Giở trang 71, chợt bắt gặp bài thơ có tựa đề Sài Gòn “cưỡng bức” tôi, hình như anh viết hồi trước dịch, lúc có dịp vào thăm con gái, lại thấy bồi hồi. Cái từ “cưỡng bức”, Luyến đóng trong ngoặc kép như một nghĩa dùng dằng, phải về vì công chuyện nhưng bị bạn bè, bị cái hồn chân chất của thành phố phương Nam này níu lại. Vì thế, anh mới thốt ra: “Lạ lùng chưa mưa nắng dỗi hờn/Thơ bên trời bỏ quên hiu quạnh/Sài Gòn cưỡng bức tôi mát lạnh/Thế là đêm mang thương nhớ chập chờn”.

Gọi điện cho anh, Luyến cười nói “Rất nhớ Sài Gòn. Hẹn ngày gặp lại”!

Sài Gòn 1.10.2022

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.