Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Cảng tàu trăm tỉ 'đắp chiếu' bên bờ vịnh Hạ Long

26/09/2022 08:30 GMT+7

14 năm qua, cảng tàu khách Hòn Gai (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN) được đầu tư dang dở, phơi nắng mưa bên bờ vịnh Hạ Long, TP.Hạ Long ( Quảng Ninh ), khiến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Trăm tỉ “đổ sông đổ biển”

Theo phản ánh của người dân TP.Hạ Long, nhiều năm qua bên bờ vịnh Hạ Long tồn tại cảng tàu khách bỏ hoang. Thời gian gần đây, nơi này không còn tàu thuyền qua lại đưa đón khách, thay vào đó, nhiều hàng quán mở ra nhộn nhịp từ sáng đến tối. Ông Trương Văn Công (40 tuổi, ở P.Hồng Gai, TP.Hạ Long) xót xa: “Khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi thấy cảng tàu khách Hòn Gai đã không còn tàu thuyền nào ghé đến đón trả khách nữa. Vào các chiều hè, người dân trèo rào vào tắm biển. Còn mặt bằng trong cảng thì biến thành quán nhậu”.

Cảng tàu khách Hòn Gai được đầu tư hơn 100 tỉ đồng, đang bỏ hoang nằm đìu hiu bên bờ vịnh Hạ Long

LÃ NGHĨA HIẾU

Theo thông tin từ UBND TP.Hạ Long, năm 2006, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) xin được nhận lại cảng tàu khách Hòn Gai do Sở GTVT Quảng Ninh quản lý để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng khách, phục vụ đưa đón khách du lịch. Thời kỳ đó, Vinashin dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để mở rộng cảng thành cảng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cảng tàu khách Hòn Gai sau khi đi vào hoạt động dự kiến đáp ứng quy mô đón 5.000 khách, 1.000 ô tô con và 400 xe tải mỗi ngày. Đây cũng là một trong các bước hiện thực hóa đề án của Vinashin về việc mở tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển với hành trình 31 giờ/chuyến từ Hạ Long, Quảng Ninh tới cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), cảng nam Sài Gòn (TP.HCM) và ngược lại. Giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai với tổng kinh phí 235 tỉ đồng trên diện tích hơn 16.000 m2.

Đến tháng 8.2007, sau khi đầu tư hệ thống cầu cảng khoảng hơn 100 tỉ đồng thuộc giai đoạn 1 của dự án, cảng tàu khách Hòn Gai bắt đầu đi vào hoạt động với biết bao hy vọng về một con đường vận tải, du lịch xuyên Việt trên biển. Khi đó, Vinashin còn mua con tàu từ Ý về với giá 60 triệu USD, sau lấy tên Hoa Sen chuyên hoạt động tuyến Hạ Long - Chân Mây - TP.HCM.

Tuy nhiên, biến cố kinh doanh khiến Vinashin lao đao, tàu Hoa Sen dừng hoạt động từ tháng 11.2008, rồi phiêu dạt khắp nơi và từng bị “bắt nợ” bên Hàn Quốc, rồi neo ở một cảng tại Trung Quốc… Tổng công ty hàng hải sau đó phải trả số tiền gần 4,3 triệu USD để chuộc tàu. Tuy nhiên, đối tác thuê tàu sau đó đã “bỏ của chạy lấy người” khiến tàu Hoa Sen tiếp tục rơi vào tình trạng không ai thuê.

Kể từ đó đến nay, cảng tàu khách Hòn Gai gần như bỏ hoang và không còn đón tàu hàng hải cỡ lớn nữa. Chính vì vậy, suốt 14 năm qua, dự án cảng tàu khách Vinashin được đầu tư dang dở, nằm phơi nắng mưa bên bờ vịnh Hạ Long. Hiện trạng dự án nay chỉ còn cầu cảng đang thi công dang dở trơ cốt thép, nhà chức năng cũ nát…

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Để có tiền chi trả nhân viên, duy trì hoạt động cảng tàu khách Hòn Gai, Vinashin cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long thuê làm bến để tàu tham quan vịnh nghỉ đêm; đồng thời làm nơi trung chuyển khách vào bờ cho tàu du lịch quốc tế. Tuy nhiên sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã dừng hoạt động kinh doanh tại đây. Còn tàu du lịch quốc tế chuyển sang cập cảng tàu khách quốc tế vịnh Hạ Long.

Như vậy, nguồn thu chính của cảng tàu khách trăm tỉ này đã bị cắt. Cực chẳng đã, khu vực này đành chia lô cho các hộ kinh doanh hàng quán để có kinh phí trả lương nhân viên.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Hòn Gai Vinashin (quản lý, khai thác cảng tàu khách Hòn Gai), cho biết đơn vị này đã có công văn xin ý kiến và được Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC, chủ quản của Công ty TNHH MTV cảng Hòn Gai Vinashin) chấp thuận việc cho thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng hiện có để tạo nguồn thu vừa để chi trả lương, đóng bảo hiểm cho 16 cán bộ, công nhân lao động; vừa trông coi, duy tu nhỏ cơ sở vật chất của công ty trong thời gian chờ tái cơ cấu. “Tại khu vực cảng khách Vinashin có 11 hộ thuê mặt bằng. Các công trình tại đây đều xây dựng tạm. Các chủ hộ kinh doanh đều chấp thuận sẽ tháo dỡ nếu cơ quan chức năng tiến hành thu hồi để giải phóng mặt bằng”, ông Quý nói.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động cho thuê mặt bằng, vào đầu tháng 9, chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động vì cho rằng các hộ này đã vi phạm quy định về trật tự xây dựng do việc cho thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng ở cảng tàu khách Hòn Gai là sai mục đích sử dụng đất.

Đại diện UBND P.Hòn Gai cho biết qua kiểm tra của đơn vị này, tại cảng tàu khách Hòn Gai tồn tại nhiều hàng quán kinh doanh sai mục đích đất sử dụng. Ngoài ra, các hộ còn vi phạm trật tự xây dựng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ phải ngừng kinh doanh từ ngày 1.9.

“Chúng tôi cũng biết các hộ kinh doanh đều buôn bán chính đáng, cũng là tạo nguồn thu để cảng tàu khách duy trì trong lúc khó khăn. Thế nhưng dựa trên các quy định của nhà nước và địa phương, thì đều không đúng”, vị lãnh đạo P.Hòn Gai nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.