Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Nhà máy chế biến súc sản hơn 105 tỉ đồng 'chết yểu'

07/06/2022 06:30 GMT+7

Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh của Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) được đầu tư hơn 105 tỉ đồng, nhưng chỉ sau vài năm hoạt động thì “đắp chiếu” vì sản xuất kém hiệu quả.

Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tiền thân là Công ty khai thác, chế biến và xuất khẩu Titan Hà Tĩnh trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến năm 2014 thì được cổ phần hóa, với số vốn điều lệ 1.320 tỉ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh là một trong những cổ đông lớn.

Chuồng trại trong nhà máy chế biến bỏ không

Phạm Đức

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhằm giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi và phát triển chăn nuôi heo bền vững trên địa bàn, đầu năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Mitraco xây dựng Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh. Nhà máy được xây dựng trên diện tích rộng hơn 12 ha thuộc địa bàn P.Kỳ Trinh (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư hơn 105 tỉ đồng. Trong đó, Mitraco được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 30 tỉ đồng, vốn của chủ đầu tư là 29 tỉ đồng, số còn lại là vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng.

Ai chịu trách nhiệm ?

Trước thực trạng Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh bị “đắp chiếu”, ngày một xuống cấp gây lãng phí, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã đi giám sát, đề nghị Mitraco tìm hướng tháo gỡ khó khăn để sớm vận hành sản xuất lại nhà máy.

Dư luận băn khoăn, với đặc thù của một doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?

Công suất giết mổ của nhà máy ước tính đạt 120 con heo/giờ và 50 con bò/ngày đêm. Sản phẩm chế biến của nhà máy ước đạt 1.500 tấn/năm, bao gồm giò lụa, xúc xích, dăm bông… để cung cấp cho các công ty trong Khu kinh tế Vũng Áng và hệ thống cửa hàng bán lẻ trong tỉnh. Đến tháng 6.2014, nhà máy chính thức đi vào hoạt động với hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị được nhập khẩu từ châu Âu.

Năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy đạt 20% công suất, mỗi ngày giết mổ hơn 100 con heo và bò. Kể từ năm 2016 về sau, nhà máy rơi vào tình trạng bị trì trệ việc sản xuất do thiếu đầu ra, thậm chí có thời điểm phải tạm dừng hoạt động vì thua lỗ. Từ năm 2018, sau khi nhà máy bị “đắp chiếu”, nhiều công nhân của nhà máy phải nghỉ việc, còn một số cán bộ của nhà máy cũng được điều động đi nơi khác. Tài sản nhà máy giao lại cho bảo vệ trông coi.

Một cán bộ quản lý Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh cho biết, sau 2 năm bỏ không nhà máy thì lãnh đạo Mitraco đã đồng ý cho Công ty CP đầu tư và thương mại VINAM (Hà Nội) mượn dây chuyền giết mổ để vận hành lại nhà máy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường tiêu thụ khó khăn nên đến cuối năm 2021, đối tác này cũng phải dừng sản xuất.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Lưu, Phó tổng giám đốc Mitraco, cho hay nguyên nhân khiến nhà máy hoạt động kém hiệu quả là do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, mấy năm gần đây, do dịch Covid-19 xảy ra khiến thị trường bị kìm hãm, gián đoạn liên tục.

“Hiện nay chúng tôi vẫn đang hợp tác với Công ty VINAM nhưng doanh nghiệp này đang tạm dừng hoạt động để tìm kiếm thị trường. Còn về lâu dài, chúng tôi đang tiếp tục tìm đối tác khác có năng lực hơn để cùng hợp tác, chứ riêng một mình Mitraco thì làm không nổi”, ông Lưu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.