Theo UBND TP.Hải Phòng, dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông (nối đường liên phường ở Q.Hải An) với đường Đông Khê 2 (Q.Ngô Quyền) được phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên sau 15 năm, đến nay, dự án này hiện vẫn... bỏ hoang.
15 năm “treo” vẫn “treo”
Dự án bao gồm tuyến đường chính dài hơn 5,7 km, có mặt cắt 100 m (nên người dân hay gọi là dự án đường 100). Trong đó, mặt đường rộng 28 m, dải phân cách rộng 40 m.
Đến năm 2010, UBND TP.Hải Phòng tiếp tục phê duyệt dự án đô thị 2 bên đường 100 với tổng vốn trên 3.000 tỉ đồng, nguồn vốn do Công ty TNHH MTV thương mại phát triển đô thị làm chủ đầu tư.
Tại thời điểm năm 2007, dự án đường 100 có thể nói là một siêu dự án. Bởi lẽ, theo Sở KH-ĐT TP.Hải Phòng, thời điểm đó tổng thu ngân sách nội địa của TP.Hải Phòng chỉ hơn 3.300 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư công khoảng 1.300 tỉ đồng.
Dự án đường 100 ở TP.Hải Phòng dang dở |
LÊ TÂN |
Đến nay, sau gần 15 năm, siêu dự án này mới chỉ thi công được khoảng 200 m đường rồi bỏ hoang. Khu vực đã được thi công hiện trở thành nơi tập lái xe, đổ rác của người dân...
Đáng nói, hàng nghìn hộ dân ở Q.Hải An và Q.Ngô Quyền nằm trong vùng quy hoạch rơi vào cảnh khốn khổ vì dự án bị “treo”. Người dân tại đây không được quyền sửa chữa, xây dựng, mua bán. Nếu muốn sửa chữa, mua bán thì phải ký cam kết khi dự án thu hồi sẽ không được nhận bồi thường phần phát sinh.
Chị Thắng (ở P.Đông Hải 1, nơi có đến 8 tổ dân phố nằm trong dự án “treo”) ngán ngẩm: “Đường xá, nhà cửa xuống cấp mà không thể cải tạo. Người dân cay đắng sống trong cảnh xập xệ, lụt lội. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần rồi, đại biểu HĐND tại đây cũng ghi nhận rất nhiều, đưa ra chất vấn rất nhiều rồi mà “treo” vẫn… “treo”.
Đã chi 360 tỉ nhưng chưa biết khi nào có... hồi kết
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Hải Phòng khóa 16 (diễn ra từ ngày 8 - 10.12.2021), ông Nguyễn Anh Tuân, đại biểu HĐND địa bàn Q.Hải An, lại tiếp tục đưa dự án này ra để chất vấn. Theo ông Tuân, Thành ủy Hải Phòng đã có thông báo giao Ban Cán sự Đảng ủy UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo nghiên cứu làm rõ tính hiệu quả, nghiên cứu tác động xã hội để điều chỉnh dự án đường 100.
“Người dân cũng tha thiết muốn biết việc rà soát đã được triển khai nghiên cứu thế nào? Chủ đầu tư là ai? Lộ trình thế nào? Bao giờ tái khởi công?”, ông Tuân thắc mắc. Bên cạnh đó, ông Tuân cũng đặt vấn đề, liệu HĐND TP.Hải Phòng khóa này có thể đưa dự án này thành dự án điểm nhấn toàn khóa về chỉnh trang và hiện đại hóa đô thị được không?
“Đây là một câu hỏi khó”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Hải Phòng, lúc đó đã bắt đầu giải trình vấn đề này bằng một câu như vậy!
Theo ông Long, dự án đường 100 (dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông) đến nay mới triển khai được khối lượng khoảng 360 tỉ đồng. Nói về nguyên nhân khiến dự án chậm trễ, ông Long cho biết: “Dự án đã trải qua quá nhiều thời kỳ, luật lệ đầu tư thay đổi. Đặc biệt vướng việc giải phóng mặt bằng và khó khăn trong việc bố trí vốn. Tại thời điểm năm 2007, tổng thu ngân sách của TP.Hải Phòng chỉ là hơn 3.300 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư công là 1.300 tỉ đồng, trong đó chỉ có hơn 500 tỉ đồng là từ ngân sách thành phố. Có thể nói việc bố trí vốn khi đó là rất khó khăn”.
Ông Long cho biết thêm, đi song song với dự án đường 100 là dự án đô thị do Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị (dự án được phê duyệt năm 2010 với tổng số vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng) cũng không thể thực hiện. Đến nay, chủ đầu tư đang trong quá trình cổ phần hóa, không thể tiếp tục đứng ra làm chủ đầu tư. UBND TP.Hải Phòng đã quyết định bỏ dự án trên, và chỉ giữ lại quy hoạch các khu vực đất nông nghiệp để phát triển đô thị.
“Với dự án đường 100, vào năm 2016, UBND TP.Hải Phòng đã cho vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng không có ai ngó ngàng. Năm 2019 đổi thành dự án đầu tư công nhưng cần xem xét, đánh giá lại và sơ bộ đưa được ra 3 phương án là giữ nguyên mặt cắt 100 m (phương án 1), giảm quy mô tuyến đường xuống mặt cắt còn 50,5 m (phương án 2) và giảm quy mô còn 35 m (phương án 3)”, ông Long cho hay.
Theo tính toán của Sở KH-ĐT TP.Hải Phòng, nếu theo phương án 1 thì cần đầu tư 8.600 tỉ đồng; phương án 2 thì cần 5.600 tỉ đồng và phương án 3 cần 4.300 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 70%. “Theo tính toán của chúng tôi, ở thời điểm này, phương án 3 là hợp lý nhất”, ông Long cho hay.
Tuy nhiên, ông Long cho biết trong trường hợp chọn được phương án khả thi thì phải đến năm 2024 dự án này mới có thể xem xét lại được vì khả năng cân đối nguồn lực.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2024, TP.Hải Phòng cũng không đề cập đến dự án đường 100.
Cũng tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Hải Phòng khóa 16, ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lựa chọn phương án cụ thể trong năm 2022. Đồng thời, thông báo rõ để người dân được biết, giảm thiểu những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Thông tin từ UBND TP.Hải Phòng cho biết, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình đầu tư, thực hiện các dự án, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, làm rõ một số nội dung để xem xét việc triển khai các dự án cho phù hợp với thực tế.
Trong lúc chờ chính quyền “rà soát, làm rõ”, hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án đường 100 vẫn tiếp tục khổ sở chờ đợi.
Những công trình 'làm nghèo' đất nước
Bình luận (0)