Những công trình thế kỷ: Kỳ tích 3.000 m3 bê tông trên đỉnh băng giá

12/04/2016 08:00 GMT+7

Ngày 15.1.2015, tuyến cáp LCS (cáp công vụ, dùng để chuyển vật liệu xây dựng, thực phẩm, hàng hóa) có chuyến đầu tiên lên đỉnh Fansipan.

Ngày 15.1.2015, tuyến cáp LCS (cáp công vụ, dùng để chuyển vật liệu xây dựng, thực phẩm, hàng hóa) có chuyến đầu tiên lên đỉnh Fansipan.

Cáp công vụ đã thay đổi tiến độ và cuộc sống trên đỉnh Fansipan - Ảnh: Trung HiềnCáp công vụ đã thay đổi tiến độ và cuộc sống trên đỉnh Fansipan - Ảnh: Trung Hiền
Đây là cột mốc quan trọng, làm thay đổi tiến độ dự án cũng như cuộc sống của hàng ngàn công nhân ở đây.
Khi chưa có cáp công vụ, những máy móc lớn, nặng đều phải chờ. Chỉ những vật liệu có thể tháo rời, chia nhỏ mới được chuyên chở lên đỉnh bằng cách địu, cõng theo đường bộ. Đây là tuyến đường dành cho dân phượt, họ mất trung bình 2 ngày để chinh phục đỉnh Fansipan. Nhưng công việc không cho phép những người của Sun Group tốn nhiều thời gian như vậy. Thời gian đầu, Trần Công Mỹ, Tập đoàn Sun Group và các đồng nghiệp mất khoảng 8 - 9 tiếng đồng hồ cho quãng đường này. Sau này đi quen, thời gian rút ngắn lại còn 5 - 6 tiếng.


Tại lễ khánh thành tuyến cáp treo Fansipan Sa Pa ngày 2.2.2016, đại diện kỷ lục thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sa Pa. Đó là "Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới 1.410 m" và "Cáp treo ba dây dài nhất thế giới 6.292,5 m".


Mỹ kể, có lần khi đi bộ xuống Sa Pa họp, anh đi cùng một nhóm bạn trẻ. Họ là những sinh viên với khát khao chinh phục đỉnh cao. Họ trẻ, khỏe và hừng hực khí thế. Vậy mà xuống đến chân núi, 1 cô gái trong nhóm đã bật khóc vì có cảm giác mình như đã chinh phục được một điều gì đó lớn lao trong cuộc đời. "Lúc đó tôi thầm nghĩ, nếu cô ấy thử một lần lên đây với chúng tôi. Sống và làm việc tại đỉnh Fansipan này, có thể cô ấy sẽ có cái nhìn khác hơn về các mục đích chinh phục trong cuộc đời mình. Và tôi càng cảm thấy thực hiện dự án cáp treo để giúp mọi người lên đến đỉnh Fansipan là việc làm cực kỳ ý nghĩa", Mỹ nói.
Cuộc sống hồi sinh
Cáp công vụ đi vào hoạt động đã hồi sinh cuộc sống trên đỉnh Fansipan. Máy phát điện công suất lớn, vật tư, vật liệu, thực phẩm, thiết bị kết nối đường truyền internet... được chuyển lên. Sau 7 tháng sống trong lều bạt mong manh trên đỉnh Fansipan lộng gió, hàng ngàn công nhân đã chính thức được sống trong các nhà làm từ vật liệu nhẹ. Máy bơm nước được đưa vào sử dụng, chấm dứt cảnh băng rừng lội suốt nhiều giờ để "cõng" từng máng nước lên núi. Những bữa ăn hằng ngày có đầy đủ thịt, cá, đường, sữa, cà phê... sức khỏe của cán bộ, công nhân viên được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, internet, truyền hình vệ tinh K+ được kết nối; bình nóng lạnh, máy giặt, máy sấy... được lắp đặt đã thổi một luồng sinh khí lên Fansipan, rút ngắn những đêm dài băng giá nơi đỉnh trời. "Tôi gọi điện thoại cho vợ nói rằng, khoảng cách giữa tôi và gia đình đã gần hơn rất nhiều", Mỹ kể lại.
"7 tháng trời chúng tôi bị tách biệt với cuộc sống hiện đại, thông tin về xã hội không được cập nhật, quần áo luôn ẩm mốc, những bữa ăn lạnh ngắt thì nay chúng tôi có thể có được những bộ quần áo sạch sẽ và khô ráo. Chúng tôi có thể đứng dưới vòi sen với những giọt nước ấm áp để gột bỏ những mệt nhọc sau những giờ làm việc trên công trường. Chúng tôi có những bữa cơm nóng hổi để bù đắp năng lượng cho những giây phút lao động. Chúng tôi tổ chức những trận bóng đá vào cuối tuần để động viên tinh thần anh em. Hơn hết, qua internet và các phần mềm hỗ trợ, chúng tôi lại được nhìn thấy người vợ thân yêu, những đứa con bi bô gọi bố ơi. Dẫu rằng chỉ qua chiếc màn hình điện thoại nhưng cảm giác nồng ấm và hạnh phúc lại nguyên vẹn", Nguyễn Văn Mạnh kể lại và không ngăn nổi giọt nước mắt xúc động.

Những công trình thế kỷ: Kinh ngạc cáp treo Fansipan

Đã hơn 2 tháng kể từ khi cáp treo Fansipan khánh thành tới nay, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn người đã tự hào và hạnh phúc đặt chân lên nơi được mệnh danh là 'nóc nhà Đông Dương', ở độ cao 3.143 m.
Chạy đua tiến độ
Giải quyết được khâu vận chuyển, bắt đầu từ đây, bê tông, cốt thép, cốp pha, ván ép, máy phát điện công suất lớn, bồn nước sức chứa 5.000 lít, thép xây dựng... liên tục được chuyển lên. Các khối nhà dần dần thành hình. Đầu tiên là nhà công nghệ, nơi tập trung toàn bộ máy móc, động cơ của cáp treo. Lúc này, do tiến độ bắt buộc phải bàn giao phần thô nhà công nghệ ga đến cho chuyên gia nước ngoài kéo cáp chính nên lãnh đạo tập đoàn đã phát động chiến dịch 45 ngày đêm. Bắt đầu từ ngày 15.3 đến ngày 30.4.2015 với khối lượng gần 3.000 m3 bê tông.
Hoàng Văn Nam, giám sát xây dựng thuộc Tập đoàn Sun Group, người tham gia đổ mẻ bê tông móng đầu tiên, kể khối lượng công việc tăng gấp đôi ở tất cả các quy trình đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực 200% sức lực và phải có một "tinh thần thép" mới trụ lại được. Để đảm bảo được khối bê tông lớn, 5 tuyến cáp công vụ đã được xây dựng và hoạt động suốt ngày đêm. Nếu bình thường, chỉ dùng 2 máy trộn thì lúc này 3 máy được đưa vào sử dụng, trung bình mỗi giờ đổ 6 m3 bê tông. Số lượng công nhân tăng lên gần 700 người. Khối lượng công việc lớn nhưng phương pháp đổ bê tông hoàn toàn thủ công nên vô cùng vất vả. Họ phải làm việc 24/24 giờ, chia làm 3 ca liên tục.
Trong khi đó, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt. Có ngày mưa đến năm sáu trận. Đa phần những buổi đổ bê tông trời đều giá lạnh, đến mức tay công nhân cứng lại, cả người run bần bật, không vác được vật liệu. Để kịp tiến độ, rất nhiều đèn sưởi đã được thắp lên cho mọi người hơ tay. Có những hôm các bể nước, đường ống đều đóng băng. Anh em lại phải chia nhau đi gõ băng, bơm nước sục rửa thông đường chảy mới có nước thi công. Đã vậy, gặp gió lớn, công nhân vác vật liệu liên tục bị quật ngã. Cát, đá, xi măng đổ hết lên người nhưng tất cả lại lồm cồm đứng dậy... làm tiếp. "Ở trên đỉnh Fansipan mọi công việc đều phải dùng sức người, các thiết bị máy móc hầu như không sử dụng được nên mỗi công nhân lên với chúng tôi đều được chào đón. Nhưng đây cũng chính là giai đoạn nhiều người không chịu nổi, bỏ đi. Ngày nào cũng có tổ thợ lên và xuống núi", Nam nói.
Công nhân vất vả, nhưng cán bộ giám sát của ban quản lý dự án còn vất cả hơn. Do quá ít người nên họ phải trực cả ngày tới hôm sau mới được nghỉ nửa buổi. Hầu hết đều mệt, phát bệnh nhưng "sáng truyền nước, chiều và đêm bọn em lại ra trực bê tông để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Anh em làm, mình không thể nghỉ được", Trần Công Mỹ nói.
"Ngày đầu tiên của tôi phải dùng từ kinh khủng và lúc đó có một thoáng suy nghĩ tôi sẽ xin nghỉ việc ngay ngày hôm sau. Nhưng rồi một đêm đổ bê tông cũng trôi qua, sản phẩm làm ra đã có hình hài tôi lại nghĩ, cuộc đời làm nghề kỹ sư xây dựng không phải ai cũng có cơ hội được làm việc tại một nơi đặc biệt như thế. Và hơn hết tôi muốn thử thách chính bản thân mình. Muốn nhìn thấy sản phẩm mình làm ra được đưa vào sử dụng. Để một ngày không xa mọi người dân VN đều có thể chinh phục được "nóc nhà Đông Dương" bằng hệ thống cáp treo ba dây hiện đại nhất", Nam chia sẻ.
Chiến dịch 45 ngày đêm kết thúc thành công. Nhà công nghệ đã kịp bàn giao cho các chuyên gia nước ngoài lắp đặt phần cơ khí nhưng mỗi lần nhớ lại, tất cả họ vẫn không thể hình dung mình đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến như vậy. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.