Rất khó để hình dung, làm thế nào những công nhân ở đây có thể khiêng những tấm đá nguyên khối dày cộp này lên tận đỉnh trời.
Khênh đá lên đỉnh Fansipan - Ảnh: Trung Hiền |
Những người thực hiện việc lát 639 bậc đá lên đỉnh Fansipan gọi tuyến đường đá này là "con đường vinh quang", không chỉ vì việc thực hiện nó quá vất vả, gian nan mà đây còn là chặng cuối để đưa hàng ngàn, hàng triệu con người chạm tay tới đỉnh cao nhất, nơi linh thiêng giữa đất trời.
Máu đổ trên những bậc cấp
Leo 639 bậc đá để lên đỉnh Fansipan thời điểm này vẫn là thử thách với không ít người bởi ngoài không khí lạnh thì ở đây gió rất lớn. Vì thế, rất khó để hình dung, làm thế nào những công nhân ở đây có thể khiêng những tấm đá nguyên khối dày cộp này lên tận đỉnh trời. Lãnh đạo của Tập đoàn Sun Group cho biết, toàn bộ đá sử dụng lát 639 bậc lên đỉnh Fansipan đều là đá nguyên khối. Để thực hiện hạng mục này, 4.425 viên đá xanh đã được chuyển từ mỏ đá ở Thanh Hóa lên Sa Pa, "leo" lên cáp công vụ và tháng 7.2015, những bậc cấp đá đầu tiên đã được hình thành.
Đá gồm 2 loại, đá bậc cấp nặng khoảng 100 kg, dày 25 cm và đá trụ nặng 450 kg/khối. Dù nặng như vậy nhưng tất cả đều vận chuyển, đổ bê tông, lắp dựng thủ công, hoàn toàn dựa vào sức người. Nguyễn Tuấn Anh, giám sát xây dựng, Tập đoàn Sun Group mô tả, viên đá được buộc lại bằng dây bẹ (dây chuyên dụng), xỏ vào 2 đòn gánh, mỗi đầu 5 người. Một khối đá trụ 450 kg cần tới 20 người khênh vào vị trí lắp dựng. Do lúc này đường chỉ mới đổ bê tông, trời lại có mưa tuyết nên rất trơn.
Công nhân khênh, vác đá liên tục bị ngã, bị thương nên tiến độ khá ì ạch. Hơn 100 người đã chính thức bỏ cuộc ở hạng mục này dù công việc lúc này đã bước vào giai đoạn cuối. Sau đó có ý kiến đề xuất trải thang sắt lên đường để tránh trơn trượt và phương án này được lựa chọn. Nhưng đi trên cái thang sắt này cũng không hề đơn giản. "Chị cứ tưởng tượng, cầu thang sắt không có bám giữ, đi người không đã khó nhưng chúng tôi phải vác thêm mấy trăm ký trên vai. Nếu không có tinh thần thép và sự gan lì thì không thể làm nổi.
Nhiều khách phượt đã xin đi thử trên cầu thang sắt này và chỉ được vài bước là phải đi bằng 4 chân (bò). Vậy nên khi thấy chúng tôi vác đá lên từng bậc cấp thép, có người hỏi tôi rằng, sao chúng tôi lại làm được. Tôi chỉ có trả lời 1 câu, đó là vì cộng đồng" - Tuấn Anh nói. Nguyễn Tuấn Anh còn rất trẻ. Ở cậu bạn này, tinh thần và sự lạc quan luôn khiến người khác phải thầm ngưỡng mộ.
Nhưng dù trẻ, khỏe, dù hừng hực khí thế, dù nhiệt huyết về một công trình vĩ đại cháy trong huyết quản thì cả Nguyễn Tuấn Anh và hàng trăm công nhân tham gia việc lát đá cũng không tránh khỏi việc bị ngất xỉu và chảy máu bởi va đập với những khối đá.
Bác Nguyễn Thành Biện, giám sát công trình giải thích, vì trên đỉnh Fansipan không khí rất loãng, thiếu ô xy mà lại làm việc quá nặng, đường sá trơn và dốc nên rất nhiều sự cố đã xảy ra. Ngày nào cũng có người bị ngất xỉu, đổ máu cam... Còn chuyện đá rơi vào chân, tóe máu thì nhiều như cơm bữa. "Nói là đổ máu và nước mắt theo đúng nghĩa đen đấy" - bác Biện nói. Nhưng vừa tỉnh, chưa kịp nghỉ ngơi, họ lại quay trở về với công việc.
Ước vọng trường tồn
Chỉ riêng việc lát đá cũng ngốn hết gần 4 tháng trời và không chỉ có khênh đá là khổ. Trần Công Mỹ, trợ lý giám đốc, đến nay vẫn đang ở Fansipan để thực hiện nốt những hạng mục cuối cùng của dự án kể, phần lan can, phải dùng keo dán đá nhưng do trời luôn ẩm ướt, mưa, tuyết nên dán không được. Họ nghĩ ra cách che bạt "giống như đám cưới" và đốt đèn khò ở dưới. Thế là cứ người che trên, người đốt dưới, người dán... những bậc đá, trụ đá nối nhau lên trời theo cách như vậy.
Nguyễn Tuấn Anh nói, ở tuyến đường này, tinh thần mọi người khác hẳn. Dù công việc vất vả nhưng tất cả từ kỹ sư, công nhân đều rất háo hức vì họ đã trải qua quá nhiều ngày phải đi trên con đường mòn chủ yếu là bùn và đá. Việc bị ngã, trẹo chân, chấn thương... xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, nghĩ đến cảnh từ nay về sau sẽ được ung dung bước lên các bậc cấp đá để đi làm thì "không có gì sung sướng bằng". "Bọn em còn đùa nhau, sao mình không làm sớm con đường này để đi lại cho đỡ khổ" - Tuấn Anh nói.
"Sao không chọn những loại đá mỏng, nhẹ hơn cho đỡ khổ mà phải dùng đá xanh dày và nặng thế?" - tôi hỏi lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Sun Group. Vì thực tế ngay ở dưới đất, rất nhiều ngôi chùa cũng như các công trình văn hóa cũng không nhất thiết phải làm bằng đá nguyên khối dày, nặng như vậy, huống hồ đây là "nóc nhà Đông Dương" với độ cao 3.143 m.
Anh bảo, với anh Fansipan là nơi linh thiêng của đất nước nên phải chọn đá tảng nguyên khối lát đường để nó có thể tồn tại với thời gian. Để sau này cả người trong nước và nước ngoài khi đặt chân đến đây sẽ thấy được sự hùng vĩ, sự trường tồn của VN. Vì thế, dù công vận chuyển một khối đá trụ 300 kg từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan tiêu tốn hết 4,95 triệu đồng/khối trong khi tiền mua đá chỉ 3,5 triệu đồng, anh vẫn quyết lát đá lên tận đỉnh trời. Đúng là "của một đồng, công một nén" - tôi chỉ còn biết gật gù thán phục.
Để xây dựng được 639 bậc đá lên đỉnh Fansipan, hơn 11.000 tấn đá đã được khênh vác hoàn toàn thủ công trong 4 tháng trời. Công trình hoàn thành, rút ngắn thời gian đi bộ từ 40 phút xuống còn khoảng 15 phút. Nếu lúc trước, con đường từ nhà ga hiện tại lên đỉnh Fansipan chủ yếu là đá và bùn đất, không đi được giày mà phải sử dụng ủng và chỉ có những người có sức khỏe, có kinh nghiệm mới đi được thì hôm nay, từ trẻ em cho tới người lớn tuổi, từ phụ nữ tay yếu chân mềm cho đến những người già cả, ai cũng có thể chạm tay lên "đỉnh trời". Nơi cao nhất của Tổ quốc. (Còn tiếp)
Bình luận (0)