Những cột mốc sống giữ biên cương: Một tấc không đi, một li không rời

03/03/2018 10:00 GMT+7

"Từ 1973 - 1975, đồng bào và Công an vũ trang thường xuyên, ngoan cường, trực diện đấu tranh gian khổ chống lại lực lượng vũ trang Trung Quốc lấn chiếm”.

Lên Lạng Sơn, Cao Bằng tìm gặp các cựu chiến binh bộ đội biên phòng hỏi chuyện bảo vệ biên giới, ai cũng bảo: “Từ 1973 - 1975, đồng bào và Công an vũ trang thường xuyên, ngoan cường, trực diện đấu tranh gian khổ chống lại lực lượng vũ trang Trung Quốc lấn chiếm”.
Cây gạo trên ải Nam Quan
Khu vực 31 nằm giữa xã Tân Yên và Tân Thanh (nay thuộc huyện Tràng Định và Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn), thuộc địa bàn đồn CAND Hữu Nghị Quan phụ trách. Từ năm 1959, đoàn địa chất 19 và 49 đã tiến hành khoan thăm dò một số giếng với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra, việc khảo sát tạm ngừng và đến tháng 5.1973, đoàn địa chất 59 mới tiếp tục thực hiện với sự giúp đỡ của chuyên gia Hungary. Ngày 8.6.1973, đồn Hữu Nghị Quan thông báo cho phía Trung Quốc: “Phía VN tiếp tục khảo sát, xây dựng kinh tế khu vực 31”. Ngày 25.8.1973, sau nhiều lần trinh sát, đại diện đồn Nam Quan (Trung Quốc) cho rằng: “Phía VN vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” và liên tục ngăn cản công nhân ta làm việc.
Để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ vừa duy trì hòa hiếu, đồn Hữu Nghị Quan cùng quần chúng nhân dân 2 xã Tân Yên, Tam Thanh tham gia đấu tranh bằng các tài liệu, nhân chứng lịch sử lâu đời. Trong nhật ký của mình, đại úy Nông Văn En, nguyên Đồn trưởng Công an vũ trang (CAVT) Hữu Nghị Quan, ghi lại: Ngày 28.12.1973, cảnh sát Trung Quốc đến giếng 546 tuyên bố chủ quyền, ngăn cản công nhân ta làm việc, nhưng sau đó phải bỏ đi vì nhân dân địa phương khẳng định: “Chúng tôi sinh sống làm việc ở đây bao đời. Sao ở đâu đến vô cớ bảo xâm phạm lãnh thổ”.
Ngày 4.1.1974, gần 20 bộ đội, công an, cảnh sát biên phòng Trung Quốc trang bị vũ khí cá nhân xâm nhập khu vực giếng khoan. Hàng chục người dân đang đi nương, lấy củi, bán trà thuốc trong khu vực đã đấu tranh kiên quyết, đưa người già nhất bản ra làm nhân chứng…
Những cột mốc sống giữ biên cương: Một tấc không đi, một li không rời1
Kiểm tra hiện trạng mốc giới tại địa bàn Quang Long (H.Hạ Lang, Cao Bằng)
Căng thẳng nhất là ở khu vực đồi cây gạo. Ông Âu Văn Vẩy (bản Nà Pàn, xã Bảo Lâm, H.Văn Lãng), kể: “Nhà tôi cày cấy 8 sào ruộng do cha ông để lại trong đồi cây gạo. Tháng 5.1969, gia đình đang làm thì biên phòng Trung Quốc bắt với lý do xâm phạm lãnh thổ. Mọi người xúm lại đấu tranh và cày cấy bình thường, năm 1974, họ sang phá hoa màu”.
Từ ngày 20.3.1974, phía Trung Quốc cho quân nhân có vũ trang thay phiên nhau xâm nhập đồi cây gạo phá hoại hoa màu của người dân và ngăn cản CAVT VN làm nhiệm vụ. Ngày 25.6.1974, tổ tuần tra của đồn CAVT Hữu Nghị Quan gồm 2 cán bộ chiến sĩ và 4 dân quân đang tuần tra qua đồi cây gạo thì bị 9 quân nhân Trung Quốc trang bị vũ khí xâm nhập biên giới, bao vây vu khống vi phạm chủ quyền. Sáng hôm sau, cùng với việc cử cán bộ sang bên kia phản đối, đồn CAVT Hữu Nghị Quan đã cùng quần chúng nhân dân xã Bảo Lâm ùa lên giải vây kịp thời cho tổ công tác, đẩy lính Trung Quốc về bên kia biên giới.
Nghiêm trọng nhất là sáng 8.7.1974, tổ tuần tra 3 người của đồn CAVT Hữu Nghị Quan do trung sĩ Bế Hồng Tích làm tổ trưởng tuần tra đến khu vực đồi cây gạo thì bị 8 lính biên phòng Trung Quốc có vũ trang chặn lại. Trung sĩ Tích yêu cầu phía Trung Quốc quay lại biên giới, bất ngờ lính Trung Quốc vây lại hành hung cả tổ khiến anh Tích trọng thương ở đầu. Khi các cán bộ chiến sĩ của đồn, y bác sĩ Bệnh viện Lạng Sơn lên đến nơi, phía Trung Quốc tiếp tục hành hung không cho vào cấp cứu. Chỉ đến khi hàng trăm đồng bào Nà Pàn kéo đến, quyết liệt lên án hành động bạo ngược, vi phạm chủ quyền VN, phía Trung Quốc mới chịu thừa nhận binh lính hành hung gây sự và rút quân. Lúc ấy là 22 giờ ngày 8.7.1974.
Những mảnh ruộng trên đất Cao Bằng
Phó bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê đến giờ vẫn rất nhớ thời gian làm cán bộ ở H.Hà Quảng, trực tiếp tham gia và chỉ đạo chống lấn chiếm biên giới. Đoạn biên giới Việt - Trung từ mốc 114 đến 117 được phân định bằng đường hào rộng 1,2 m, sâu 1 m từ khi có hiệp ước Pháp - Thanh. Dọc theo biên giới, giữa mốc 114 và 115 có khu đất rộng 200 ha tên Phai Luông đã được các gia đình ở xã Sóc Hà (Hà Quảng) sử dụng từ bao đời. Thế nhưng từ đầu tháng 6.1974, biên phòng Trung Quốc liên tục xâm nhập Phai Luông ngăn cản bà con sản xuất, khi CAVT đồn Sóc Giang phản kháng, họ khăng khăng: “Đó là đất Trung Quốc, nay mới có điều kiện thực hiện chủ quyền”.
Ông Nông Văn Niêm, người cao tuổi ở xóm Nà Sát (Sóc Hà, H.Hà Quảng, Cao Bằng), kể: “Họ xông vào giật công cụ sản xuất, phá đường nước và còn đánh cả bà con. Chúng tôi uất ức lắm, nhưng phải kiềm chế để giữ hòa bình” và cười: “Họ thấy ta bình tĩnh ôn tồn nên chỉ ỏm tỏi chút rồi tự bỏ về, vì có gì đâu để nói”.
Đáng nói là vụ Trung Quốc lấn chiếm khu vực Canh Thắm - Đông Reo của Việt Nam nằm dọc theo biên giới giữa mốc 41 - 42 thuộc địa bàn xã Quang Long (H.Quảng Hòa, Cao Bằng), thuộc địa bàn phụ trách của đồn CAVT Bí Hà (nay là mốc 882 và 887 thuộc địa bàn xã Quang Long, H.Hạ Lang, Cao Bằng, do đồn biên phòng Quang Long phụ trách). Sáng 28.12.1974, đội tuần tra của đồn CAVT Bí Hà gồm 9 chiến sĩ, do thiếu úy Nguyễn Hữu Nghị chỉ huy, cùng bác Mã Văn Tưởng (cán bộ địa phương, người bản Kiểng, xã Quang Long) tuần tra từ mốc 41 qua Canh Thắm - Đông Reo về phía mốc 42. Khi đội tới Na Ngà thuộc lãnh thổ VN, cách mốc 42 khoảng 200 m thì bất ngờ trên 300 dân binh Trung Quốc người bản Thắm, bản Dươn, bản Lũng Tử (thuộc công xã Quẩy Sấu, Long Châu, Trung Quốc) hò hét, la ó chạy tới bao vây.
Thiếu úy Nghị kể lại: Họ đầy vẻ đe dọa, một người tự xưng là xã đội trưởng Chóng chỉ tay vào thiếu úy Nghị: “Tại sao xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”, Anh Nghị ôn tồn: “Đây là lãnh thổ Việt Nam, con đường này là đường quen thuộc của chúng tôi. Biên giới phía sau các anh 300 m, chính các anh mới phải chấm dứt việc xâm phạm”. Anh vừa dứt lời, họ đã rắc vôi bột thành vòng tròn đường kính 4 m quanh đội công tác, cấm không cho ra và ném đá vào mọi người khiến thiếu úy Nghị gục xuống. Mặc cho bên ta giải thích khuyên can, họ cứ lao vào hành hung, cướp vũ khí của tổ công tác. Khi lực lượng tăng viện lên đến nơi, và hàng trăm người dân xã Quang Long biết tin ùa đến, vạch mặt xã đội trưởng Chóng: “Ba lần anh sang lánh nạn ở bản Kiểng, được bà con cưu mang mà giờ lại đi đánh người, cướp đất” khiến Chóng tẽn tò chuồn mất...
Rất kiên quyết, đội công tác yêu cầu phải giải quyết sự việc theo đường ngoại giao. Đêm hôm đó (28.12.1974), tại trạm kiểm soát biên phòng Khoa Giáp (Trung Quốc), đại diện Trung Quốc thừa nhận: “Do chưa hiểu biết và chưa được thông báo cho dân bên chúng tôi”. 4 giờ sáng hôm sau, trước sự phản kháng mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền của đồn CAVT Bí Hà, phía Trung Quốc đã phải làm nghi thức “trao trả người” và chấp nhận sự phê phán trong quản lý bảo vệ biên giới.
Bây giờ, mốc 882 vẫn đứng uy nghiêm ngay vị trí của mốc 41 cũ tại bản Kiểng và mốc 877 sừng sững vị trí mốc 42 ngày trước, tại bản Lũng Pặc (xã Quang Long, H.Hạ Lang). Mỗi ngày làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Quang Long vẫn kể lại câu chuyện gìn giữ chủ quyền ngay trên mảnh đất, vạt nương mà họ đều đặn ngang qua.
Ông Triệu Tiến Lê, Phó bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, tâm sự: “Có câu hát: Lên Cao Bằng không thấy phố phường đâu, chỉ thấy chim muông hoa ngàn khoe sắc. Nhưng để có chim muông hoa ngàn như bây giờ, biết bao mồ hôi xương máu của nhân dân, bộ đội biên phòng đổ xuống để giữ từng thửa ruộng, gốc cây. Vậy nên có thể nói Cao Bằng là địa phương nhiều cột mốc nhất, mỗi người dân là một chiến sĩ biên phòng”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.