Chưa bao giờ thấy nhà văn Trần Gia Bảo sung sức, thích thú chuyện viết lách như bây giờ. Đứng trước các độc giả nhí giao lưu tại Đường sách TP.HCM, những câu chuyện kể của chị luôn thấy tỏa ra nhiều năng lượng tích cực. Từng tạo tiếng vang lớn với những tác phẩm dành cho người lớn Quay đi và khóc, Cỏ biển, Những ngôi làng trên triền dốc, Trần Gia Bảo làm một cú "choáng váng" đồng nghiệp khi làm một lèo nhiều tác phẩm mới dành cho trẻ con. Thế giới đồng thoại trong Soái ca mèo mái ngói và Nông trại hoa đậu biếc (NXB Kim Đồng) mới đây của Gia Bảo mở ra thế giới trong veo, êm ả của loài vật. Nhà văn tâm sự: "Qua thời gian dài làm báo thiếu nhi, tôi được sống với các em nhỏ… Có lẽ, cảm xúc cứ thế lắng đọng, rồi đến một lúc tôi thấy mình cần phải viết về trẻ em. Viết không chỉ từ tình yêu thương, mà còn là trách nhiệm. Tôi mong mỏi những sáng tác được các em và cả người lớn đón nhận với thông điệp nuôi dưỡng thế giới hồn nhiên, trong veo của tuổi nhỏ, nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cuộc sống quanh mình".
Hùm Xám qua sông - tác phẩm mới nhất của nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể về hành trình của chú chó Hùm Xám, sống trên hòn đảo với những người bạn. Bùi Tiểu Quyên đã gửi gắm rất nhiều điều vào tác phẩm này, cả những giá trị về văn hóa - lịch sử, tình yêu quê hương đất nước, biết ơn nguồn cội… Bùi Tiểu Quyên tâm sự: "Các tác phẩm của tôi giai đoạn "khởi nghiệp văn chương" đều là tản văn, truyện ngắn viết cho người trưởng thành. Giai đoạn 2012 - 2018 tôi có rất nhiều ý tưởng để viết trong thế giới người lớn, nhưng tại thời điểm này tôi lại nhận ra mình có nhiều ý tưởng để sáng tác văn học thiếu nhi. Khi kể những câu chuyện thuần khiết, truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ, tôi nhận ra đó cũng là một phần năng lượng bên trong tâm hồn mình".
Vào những ngày này, nhà thơ Lê Minh Quốc cũng đang "ủ mưu" ra mắt tập thơ Thêm niềm vui sống cũng là từ con. "Thật vui khi mình có cơ hội đóng góp thêm một tác phẩm nữa dành cho thiếu nhi. Điều khiến tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, đó là từ sự đồng cảm, họa sĩ Đức Lâm đang minh họa cho tập thơ này. Xét về ý nghĩa tích cực thì sự "nở rộ" của tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng còn lôi cuốn theo cảm hứng của các hoạ sĩ nữa", anh Lê Minh Quốc tâm sự.
KHU VƯỜN ĐẦY HƯƠNG SẮC
Nhờ có sự "quay về tuổi thơ" của nhiều nhà văn thành danh trước đây chuyên viết cho người lớn mà các độc giả trẻ lại được đọc liên tiếp nhiều tác phẩm mới: Hồ Huy Sơn với Bác Sóc đã hết buồn, Trĩ sao thi tài, Cừu đen không giống ai; Trần Gia Bảo với Vũ công của đầm lầy ngọc ngà, Bộ gươm của hiệp sĩ, Nhật ký của nữ hoàng; Bùi Tiểu Quyên có Nô en công chúa, Sói xám chờ trăng, Cuộc bôn tẩu của anh rái cá; Phương Huyền có Rùa hộp lưng đen, Ước mơ của sếu, Đà điểu mạnh mẽ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Cường bận rộn với nghề báo cũng trở lại với truyện dài dễ thương Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, viết về những chú mèo và chó cưng giữa đô thị hiện đại với bao nỗi buồn vui bủa vây, vừa ra mắt đã vinh dự nhận ngay giải B (giải thưởng Sách Quốc gia 2023).
Cùng với nhà văn nhà thơ tên tuổi, bậc thầy trong sáng tác cho thiếu nhi như Trần Đức Tiến, Cao Xuân Sơn, Trần Quốc Toàn, Kim Hài…, các cây bút trẻ cũng đang góp vào văn đàn nhiều tác phẩm hay cho trẻ con: Lê Quang Trạng, Phát Dương, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Huyền Trang, Trần Tùng Chinh.
Nhiều cuộc thi viết cho thiếu nhi với giải thưởng giá trị cao của NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TP.HCM, giải thưởng Sách Quốc gia, giải thưởng Sách Thiếu nhi TP.HCM… đã và đang kích thích cộng đồng người cầm bút sáng tác cho lứa tuổi này. Từ đường sách Nguyễn Văn Bình đến đường sách TP.Thủ Đức, cộng với các chương trình ra mắt sách cho thiếu nhi được đầu tư, tổ chức chỉn chu… đã tạo nên một môi trường sinh thái đọc và viết cho thiếu nhi ngày càng sôi động.
"Thời điểm này, văn học thiếu nhi đang là một khu vườn đầy hương sắc. Cả sách văn học lẫn sách tranh đều rất phong phú, đề tài đa dạng và đặc biệt là được đầu tư mỹ thuật rất đẹp. Nhiều tác phẩm được tôn vinh ở các giải thưởng, trở thành những tác phẩm best-seller và có sức lan tỏa rộng rãi", Bùi Tiểu Quyên nhấn mạnh.
Bình luận (0)