Những cử nhân chạy xe công nghệ

03/01/2025 09:00 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì làm việc đúng với chuyên ngành thì có những cử nhân gác bằng đại học sang một bên để ra đường… chạy xe công nghệ.

Vì sao nên nỗi ?

Tốt nghiệp loại khá ngành quản lý đất đai của một trường đại học ở TP.HCM, nhưng hiện B.M.T (23 tuổi), ngụ QL13 (TP.Thủ Đức), khoác lên mình chiếc áo đồng phục của một hãng xe công nghệ và rong ruổi khắp TP để giao từng đơn hàng.

Những cử nhân chạy xe công nghệ- Ảnh 1.

Vì sao có những người trẻ tốt nghiệp đại học nhưng chạy xe công nghệ?

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Gặp T. vào buổi tối trước một trung tâm thương mại ở TP.Thủ Đức, chính là nơi chàng trai thường dừng nghỉ mỗi khi đợi đơn hàng mới. T. cho biết bắt đầu làm tài xế công nghệ từ năm nhất đại học, lúc đó vừa học vừa chạy xe công nghệ để kiếm tiền. Thế nhưng, điều mà chàng trai không ngờ, đây lại là công việc chính của bản thân sau khi ra trường.

T. kể, trước kia vì gia đình không có điều kiện nên chọn học trường có mức học phí thấp nhất thời điểm đó và theo học ngành do anh trai định hướng. Dù vậy, T. vẫn luôn nỗ lực học tập vì ý thức được rằng để bản thân được ngồi trên giảng đường, mẹ ở quê phải vất vả thế nào.

T. cho biết cách đây một năm khi đã hoàn thành xong việc học, đã đi xin việc khắp nơi rồi từng làm việc ở hai công ty tại tỉnh Bình Dương và Q.Tân Bình (TP.HCM). Thế nhưng không nơi nào T. có thể gắn bó được lâu dài, chàng trai nghỉ việc chỉ sau vài tháng.

"Những công việc mình làm đều yêu cầu phải có kinh nghiệm, còn bản thân mới học xong nên không đáp ứng được yêu cầu đó của họ. Vì vậy, khi tuyển dụng là một đằng, nhưng vào làm lại một nẻo. Tức là mình không được làm việc đúng với ngành học mà chỉ được giao làm những công việc bên lề. Thời gian đầu mình cũng ngỡ ngàng. Chính vì vậy mức lương mỗi tháng chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng và không có thêm chế độ gì", T. kể.

T. cho biết đi làm lương không cao mà thời gian lại gò bó, có khi phải tăng ca, công việc thì khá áp lực. "Lý do lớn nhất là vì hoàn cảnh, ngoài việc đi làm có tiền chi tiêu cho bản thân, mình còn dành dụm gửi về phụ mẹ ở quê. Nếu đi làm lương tháng 6 - 7 triệu đồng thì chẳng đủ", T. tâm sự.

Mẹ T. năm nay đã hơn 60 tuổi, gia đình lại vừa trải qua biến cố mất đi một thành viên. Hiện tại, nhà chỉ còn lại 3 mẹ con, anh trai của T. đã lập gia đình, T. thì đang ở TP nên cả 2 đều không ở bên cạnh mẹ.

Những cử nhân chạy xe công nghệ- Ảnh 2.

Với những tài xế công nghệ, việc ngả lưng trên yên xe hay bữa ăn chớp nhoáng ở vỉa hè là điều diễn ra hằng ngày

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Sau nhiều năm nỗ lực ở trường học, bây giờ lại phải đi làm công việc dãi nắng dầm mưa suốt cả ngày ngoài đường nên T. giấu không dám nói cho gia đình biết. "Ngoại trừ bạn bè ra thì không ai biết mình đang làm công việc này. Mình vẫn nói với người nhà là đi làm ở công ty chứ không dám nói sự thật", T. bộc bạch.

Một tháng chạy xe công nghệ, T. kiếm được trung bình hơn 10 triệu đồng. Công việc tuy cực nhưng giúp T. kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo T., công việc này rất nhọc, dang nắng, dầm mưa, chạy xe liên tục ngoài đường nên hít phải khói bụi rồi tia UV độc hại; chưa kể phải đánh đổi bằng những bữa ăn vội vã trên vỉa hè, những cái chợp mắt ngay trên yên xe. Tối hôm tôi gặp T. là lúc chàng trai vừa ăn xong ổ bánh mì để có sức chạy tiếp.

Công việc của một tài xế công nghệ tuy nhiều vất vả nhưng điều khiến chàng trai này lo lắng nhất hiện tại là tương lai lâu dài. T. tâm sự: "Mình lo lắng rất nhiều vì đã sắp bước qua tuổi 24 mà chưa có được công việc ổn định. Mình không thể làm tài xế công nghệ mãi được, hy vọng qua năm sau có thể tìm được công việc phù hợp hơn".

Chạy xe công nghệ dù vất vả nhưng có tiền trang trải cuộc sống 

Gặp anh Trần Văn Bảy (33 tuổi), ngụ đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú (TP.HCM), khi anh đang giao đơn hàng cho khách tại một chung cư trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú). Hỏi chuyện mới biết anh Bảy cũng gác bằng đại học sang một bên và chạy xe công nghệ được hơn 3 năm nay. Anh kể cách đây 10 năm, anh tốt nghiệp ngành học về môi trường ở một trường đại học ở Q.Tân Phú. Thế nhưng kể từ lúc ra trường đến nay, chưa một lần anh làm công việc đúng với chuyên ngành học.

Những cử nhân chạy xe công nghệ- Ảnh 3.

Tài xế công nghệ mưu sinh dưới cái nắng gay gắt

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

"Những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 thì tôi làm nhân viên sales. Nhưng từ sau dịch, do công việc không còn được như trước nên tôi chuyển sang làm tài xế công nghệ", anh Bảy chia sẻ.

Anh Bảy cũng cho rằng công việc của một tài xế công nghệ phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe: "Đường sá, xe cộ đông đúc nguy hiểm vô cùng, nguy cơ tai nạn cao nên nhiều lúc chạy xe tôi khá sợ. Chưa kể là phải đối mặt với thời tiết nắng mưa, khói bụi, chạy xe liên tục mỗi ngày nên tối về là cả người ê ẩm. Lúc đầu tôi cũng rất mệt mỏi, nhưng dần lại quen".

Trung bình một ngày anh Bảy chạy xe 8 tiếng, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi có bao giờ nghĩ lại anh thấy tiếc tấm bằng đại học của mình không, anh Bảy ngập ngừng rồi nói: "Tiếc thì cũng không tiếc lắm vì ngành mình học ra trường khó xin việc nên đành chịu. Lúc trước kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả nên chọn trường có học phí thấp rồi học chứ không có định hướng gì".

Sau khi học xong cũng chọn chạy xe công nghệ là công việc chính, B.M.T (22 tuổi), ngụ đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ làm công việc này được 5 tháng nay. "Mặc dù đã có thể đi xin việc làm đúng với ngành học nhưng mình cảm thấy chưa sẵn sàng để thích nghi với môi trường làm việc. Cho nên tạm thời mình chạy xe công nghệ kiếm tiền trang trải cuộc sống trước. Trước kia mình đã từng trải qua 2 tháng thực tập với công việc đúng chuyên ngành nhưng không có lương. Mới ra trường mà người ta yêu cầu kinh nghiệm, kỹ năng nhiều nên mình không đáp ứng được", T. chia sẻ.

Chàng trai quê Đắk Lắk tâm sự làm nghề này quan trọng nhất là phải có đủ sức khỏe, vì công việc của một tài xế công nghệ rất cực, không quen thì dễ bị bệnh do phải chạy liên tục dưới trời nắng gắt, nhiều khi dầm mưa, lội nước. "Công việc này rất vất vả mà không có tương lai. Dù trước mắt có thể kiếm ra tiền nhưng mình tự nhủ chỉ làm tạm thời, không thể theo nó lâu dài", T. bộc bạch. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.