*LTS: Từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, người Sài Gòn đã quá đỗi quen thuộc với những khu cư xá Dân Sinh, cư xá Vườn Lài, cư xá Kiến Thiết, cư xá Đô Thành... Về sau xuất hiện những khu cư xá nổi tiếng mà đến tận ngày nay chúng ta vẫn còn gọi tên như khu cư xá Bắc Hải, cư xá Thanh Đa, cư xá Lữ Gia, cư xá Ngân Hàng…
2 chữ "cư xá" ngày ấy dùng để chỉ một khu dân cư, khu nhà ở công cộng gồm nhiều căn nhà có cấu trúc giống nhau. Ngày nay, nó không còn được dùng trong bản đồ quy hoạch khu dân cư đô thị. Chung cư mọc lên hàng loạt, các kiểu phố cư xá không còn xuất hiện nữa.
Tuy nhiên, có những khu cư xá ở TP.HCM vẫn còn tồn tại và được nhắc đến trong đời sống hằng ngày, gợi nhớ về một thời ký ức. Những cư xá ngày ấy, bây giờ ra sao?
Đường vào cư xá Đô Thành
Ai đi ngang qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hiền (P.4, Q.3), không ít lần để ý cổng vào cư xá Đô Thành lợp ngói đỏ nhuốm màu thời gian với câu đối, đề: "An cư thôn linh ứng/Lạc nghiệp địa phương dân" (Dịch nghĩa: Thôn xóm thiêng liêng yên bình/Người dân vui với công việc hằng ngày). Cánh cổng ấy đã chứng kiến bao đổi thay của khu cư xá qua những biến thiên, thăng trầm của thời gian, lịch sử.
Giữa nhịp sống hối hả ngay trung tâm TP.HCM, đi qua cánh cổng cư xá Đô Thành, tôi như… bước vào một thế giới khác. Những đường lớn, hẻm nhỏ ở khu cư xá này yên ắng đến lạ. Bình yên như thu nhỏ trong những hàng quán bình dân nép mình dưới những tán cây xanh.
Ghé vào một quán nước nhỏ trên đường số 2, nằm trong khu cư xá, tôi vừa uống nước vừa bắt chuyện với một vài cư dân sống ở đây. Sáng sáng, bà Trần Thị Phụng (69 tuổi) ngồi cùng chị, bà Trần Thị Hoàng (71 tuổi) nhâm nhi ly nước mát, tâm sự một vài câu chuyện thường nhật tuổi già.
Bà Phụng cho biết 7 chị em gái trong gia đình mình sinh ra ở khu cư xá Đô Thành này, cả đời chỉ sống một chỗ không đi đâu khác. Dẫu rằng qua bao đổi thay, nhiều hàng xóm, người quen của bà đã sang nước ngoài sinh sống hoặc chuyển đi nơi khác. "Sống ở đây từ lúc mới đẻ tới giờ, tuổi xế chiều, đi đâu được!", bà cười hiền, nói.
Cư xá Đô Thành trong ký ức của bà Phụng, là nơi được bao quanh bởi đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đường Vườn Chuối, đường Bàn Cờ, đường Cao Thắng.
Nhịp sống thường nhật của người dân khu cư xá
CAO AN BIÊN
Bà kể ngày mình còn nhỏ, cư xá này vẫn còn là một vùng đất thưa người, trồng nhiều chuối, nhà cửa cũng không khang trang, hiện đại như bây giờ. Cư dân ở đây không chỉ có công chức, quân nhân mà còn cả những người lao động bình dân thu nhập thấp, sống hòa hợp.
Trong khu cư xá còn có một trường học nổi tiếng trước 1975, trường Bàn Cờ (nay là trường THCS Bàn Cờ), nơi lưu giữ kỷ niệm những ngày thơ ấu của chị em bà Phụng và biết bao thế hệ học trò.
Bà Hoàng, chị bà Phụng ngồi cạnh bên thì cho biết gia đình mình ngày nhỏ sống thiếu thốn. Trước 1975, cha bà làm cho một công ty khảo sát nước, mẹ bà đi gánh nước mướn mưu sinh, nuôi con. Ấy vậy mà họ vẫn nuôi 7 chị em gái của bà khôn lớn, trưởng thành.
Cha mất năm 1998, mẹ mất năm 2008, bà Phụng không lập gia đình, sống cùng người em thứ 7 neo đơn chăm lo cho nhà thờ tổ. Các chị em khác của bà, trong đó có bà Hoàng cũng có gia đình, con cháu đề huề, sống xung quanh khu cư xá Đô Thành này đến giờ.
Tìm lại ký ức xưa
Ông Trần Văn Lượm (75 tuổi), là chồng bà Hoàng cũng sinh ra ở khu cư xá Đô Thành. Vì hoàn cảnh, từ nhỏ ông đã được cha gửi cho người thân ở Chợ Lớn nuôi, nhưng cư xá Đô Thành vẫn là chốn ông thường tới lui.
Cuối năm 1969, đầu 1970, cha mất, ông về nhà chịu tang. Thấy cô hàng xóm Trần Thị Hoàng nhiệt tình phụ giúp gia đình làm đám tang cha, ông cảm mến. Cũng từ đó, họ có tình cảm và nên duyên cùng nhau, để giờ đây vợ chồng già có 7 người con và 10 người cháu (4 cháu nội, 6 cháu ngoại). Cư xá Đô Thành, cũng là nơi họ xây đắp hạnh phúc gia đình và sống viên mãn ở tuổi xế chiều.
[CLIP]: Cư xá Đô Thành tháng 5.2024
Cư xá Đô Thành trong ký ức của ông Lượm gắn với những quán hàng quen gần đó, mà tới giờ người ta vẫn còn nhắc tên như cà phê Năm Dưỡng đoạn hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật qua Lý Thái Tổ, cà phê Cheo Leo, tiệm cơm Nam Sơn và cả những quán bán chè khó lòng nhớ hết tên.
"Tôi thích cà phê Năm Dưỡng lắm, người thời đó không lạ gì, quán nổi tiếng cực kỳ. Quán cà phê vợt Cheo Leo cũng nổi, nhưng không bằng. Tới giờ, cà phê Năm Dưỡng, cơm Nam Sơn đều đã không còn, Cheo Leo thì vẫn còn đó, nổi tiếng và trụ vững tới giờ", ông Lượm kể lại.
Ghé cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn
Từ cư xá Đô Thành, tôi chạy qua quán Cheo Leo trong ký ức của ông Lượm, chưa đầy 3 phút, khi nó nằm ở hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật. Quán cà phê nức tiếng được biết tới là cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn còn tồn tại, mở từ năm 1938.
Bà Nguyễn Thị Sương (72 tuổi), cùng các chị em kế thừa quán cà phê hiện tại cho biết quán được cha bà là ông Vĩnh Ngô thành lập. Thuở ấy khu vực Bàn Cờ còn heo hút, hoang sơ nên ông Vĩnh Ngô đã đặt tên quán là Cheo Leo, riết người ta cũng gọi chủ quán là "Cheo Leo".
Cheo Leo là quán cà phê vợt lâu đời ở Sài Gòn, gắn với ký ức của nhiều người dân cư xá Đô Thành ngày xưa
CAO AN BIÊN
Thời kỳ đầu, đây là một trong những quán cà phê nhạc nổi tiếng ở khu trung tâm Q.3, là nơi lui tới thường xuyên của những người yêu văn nghệ, nhất là học sinh trường Petrus Ký hay Chu Văn An và tất nhiên có cả những người ở cư xá Đô Thành kế bên.
"Từ nhỏ, các chị em trong nhà tôi đã chứng kiến cha mẹ tôi bán cà phê, chị em tôi cũng phụ bán. Sau này, cha mẹ vẫn bán cà phê, còn tôi thì làm kế toán, cũng mười mấy năm. Cha tôi mất năm 1993, mẹ tôi vẫn bán tới năm 2013 thì bà mất, lúc đó các chị em tôi mới kế thừa quán. Tôi bỏ kế toán, về bán cà phê cũng vì muốn gìn giữ danh tiếng cả đời cha mẹ gây dựng", bà kể.
Ngày nay, quán cà phê Cheo Leo, với sự điều hành của chị em bà Sương vẫn đón lượng khách ruột đều đặn mỗi ngày. Bà chủ nói rằng quán vẫn là nơi tới lui quen thuộc của những người muốn tìm về ký ức, không khí của Sài Gòn xưa.
Thay da đổi thịt
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.4 (Q.3) cho biết hiện tại, cư xá Đô Thành bao gồm 7 tuyến đường số (1 đến 7) và đường Nguyễn Hiền, nơi có cổng vào cư xá. Cư xá nằm trên địa bàn 3 khu phố gồm 8, 9, 10 (khu phố 5, 6 cũ, sau khi phường có sự thay đổi từ 6 khu phố sắp xếp thành 10 khu phố mới đây).
“Bên cạnh nhà ở người dân, cư xá hiện tại đa phần là các tòa nhà, văn phòng cho thuê. Người dân sống ở đây là người lao động, buôn bán nhỏ, một bộ phận là công nhân viên chức, cán bộ hưu trí", ông Đức thông tin.
Trong tài liệu Lịch sử Đảng bộ P.4 (Q.3), vùng cư xá Đô Thành nói riêng cùng với khu vực Bàn Cờ có bề dày lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Từ năm 1975 với tên gọi phường cư xá Đô Thành, nơi này trải qua quá trình chia tách thành 3 phường (5,6,7) vào tháng 12.1975, thành 2 phường (5,7) vào tháng 9.1981 và cuối cùng sáp nhập thành P.4 từ 9.1988 cho tới ngày nay. Như vậy, cư xá Đô Thành ngày nay nằm trên địa bàn P.4 (Q.3).
Bình luận (0)