Bác sĩ trẻ kể chuyện: Cuộc điều tra dịch tễ nhanh hơn sự lây lan của Covid-19

06/01/2021 07:55 GMT+7

Nửa đêm, nhận mệnh lệnh chống dịch, các điều tra viên là y, bác sĩ trẻ thuộc đội phản ứng nhanh Trung tâm y tế Q.9, TP.HCM lại lên đường điều tra dịch tễ ca nghi nhiễm Covid-19 .

Các điều tra viên là y, bác đã truy vết rất nhanh để vi rút không lây lan ra cộng đồng.

Thần tốc truy vết bệnh nhân 1453

Trần Khánh Hậu, cán bộ trẻ chuyên trách phòng, chống dịch Q.9, kể từ ngày nhận nhiệm vụ chống dịch đến giờ, anh không nhớ rõ mình đã tiếp xúc bao nhiêu bệnh nhân dương tính với Covid-19, bao nhiêu lần phối hợp cùng cơ quan công an thực hiện truy vết những ca nghi nhiễm.
Anh Hậu cho biết Đội phản ứng nhanh Q.9 gồm 6 người, trong đó phối hợp với cán bộ cấp cơ sở, lực lượng công an cùng tham gia. Ít người, nhưng khối lượng công việc rất nhiều, lại đòi hỏi phải hoàn thành một cách nhanh nhất. Là người đi truy vết dịch, mỗi thành viên đều luôn ghi nhớ trong đầu là không giờ giấc, và không để điện thoại hết pin; khi có lệnh, phải có mặt nhanh nhất có thể.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật Trung tâm y tế Q.9, cũng cho rằng không nhớ rõ đã thực hiện bao nhiêu lần truy vết từ ngày có dịch đến nay. Từ ca liên quan ổ dịch Buddha bar đến những làn sóng dịch kế tiếp đều là những đêm trắng của bác sĩ Châu.
“Sáng 24.12, khi nhận thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM là có một người liên quan đến bệnh nhân 1440 đi đến địa bàn Q.9, kèm theo một số thông tin ít ỏi là “cái tên và người đi xe ôm đến Q.9”, chúng tôi lập tức phối hợp với công an điều tra truy vết, khoanh vùng một số tuyến đường. Vài giờ sau, tôi nhận thêm thông tin họ tên đầy đủ hơn của đối tượng. Chúng tôi liền đi từng ngõ, gõ từng nhà để tìm người có cái tên đó. Ngoài ra, dựa vào thông tin bên lề, chúng tôi có được hình ảnh của người đó rồi nhờ công an tiếp tục rà soát. Đội ngũ phối hợp đã tiến hành từ 9 - 23 giờ mới tìm được nơi ở của người này và sau này là bệnh nhân 1453. Đồng thời, tôi báo cáo với cấp trên kích hoạt lại đội ngũ chống dịch và khu cách ly ở địa phương”, bác sĩ Châu kể lại lần truy vết đáng nhớ nhất của mình.
Y, bác sĩ trẻ kể chuyện: Những cuộc điều tra dịch tễ nhanh hơn sự lây lan của Covid-191

Nguyễn Thị Minh Châu ở khu cách ly Q.9

ẢNH: NVCC

Cùng thời điểm, lúc 23 giờ, khi đang ngồi trò chuyện cùng bạn tại một quán cà phê, Hậu nhận lệnh, không chút do dự rồi lao đến nơi bệnh nhân 1453 đang trú ngụ. Hậu bảo rằng sở dĩ phải đi nhanh chóng giống như nhân viên chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Trong cốp xe máy của Hậu lúc nào cũng chuẩn bị đồ bảo hộ, quần áo dành cho ngày sống xa nhà. Tối đó, những bộ đồ bảo hộ trên xe máy lại phát huy tác dụng trong thời gian chưa dùng tới. Đến nơi, Hậu nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, cùng bác sĩ Châu tiến vào một phòng trọ ở P.Long Thạnh Mỹ (Q.9) tiếp cận, xác minh rồi đưa bệnh nhân 1453 về khu cách ly tập trung ngay trong đêm. Chưa đầy 14 giờ sau khi nhận tin đến khi truy vết bệnh nhân 1453 thành công được xem là sự nỗ lực lớn của nhiều đơn vị liên quan.

Nhiều giờ nhẫn nại điều tra dịch tễ

Bác sĩ Châu và Hậu thừa nhận ca truy vết bệnh nhân 1453 cực kỳ khó và nhớ nhất từ trước đến nay. Khó vì bệnh nhân 1453 không phải người địa phương, không rành tiếng Việt, không biết chữ, không sử dụng điện thoại và đặc biệt không biết gì về tình hình dịch Covid-19. Đội phản ứng nhanh xoay trở từ thông tin ít ỏi để truy vết, đến việc phải cố gắng nắm được lịch trình đi lại của bệnh nhân khá gian nan. Nếu khai thác không kỹ, bỏ sót chi tiết, nhiều khả năng có ca dương tính lọt lại ngoài cộng đồng. Đó là mối nguy và thử thách lớn với đội ngũ y bác sĩ điều tra dịch tễ tại đây.

Thời gian dịch, sống xa nhà là chuyện bình thường. Tôi tạm gác chuyện gia đình lại hết. Khi truy vết F0, anh em không ai yên ổn được, cứ điện thoại reo liên tục. Công an gọi chỗ nào thì anh em lại lên đường đến đó. Còn dịch, tôi mà sợ nữa thì không ai dám làm đâu. Chúng tôi là tuyến đầu mà sợ thì mọi người sẽ chùn chân

Trần Khánh Hậu, cán bộ trẻ chuyên trách phòng, chống dịch Q.9

Cũng trong đêm đó, bác sĩ Châu vừa mặc đồ bảo hộ vừa khơi gợi tâm lý với bệnh nhân khi tiến hành điều tra dịch tễ: “Tôi tiên lượng từ đầu nguy cơ của bệnh nhân 1453 rất cao. Trong đêm đó, tôi tiếp xúc với bệnh nhân để điều tra lịch trình thì bệnh nhân rất lo sợ. Tôi phải trấn an lại bệnh nhân. Nhờ đúc kết kinh nghiệm từ những lần truy vết trước và có những lần tôi ngồi với bệnh nhân đến hơn 2 giờ mới khai thác được hết lịch trình của mỗi người. Những câu hỏi đặt ra với người bệnh khiến tôi luôn phải khơi gợi để người ta dễ dàng kể lại lịch trình đi lại. Riêng bệnh nhân 1453 có thời gian di chuyển đến tận 4 ngày, việc điều tra dịch tễ cực kỳ khó. Vì bệnh nhân không sử dụng điện thoại, đồng hồ nên rất khó xác định. Để có được từng chi tiết nhỏ, ở bao lâu, thời gian nào của bệnh nhân rất mất thời gian với chúng tôi”.
Y, bác sĩ trẻ kể chuyện: Những cuộc điều tra dịch tễ nhanh hơn sự lây lan của Covid-192

Trần Khánh Hậu (trái) sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa người đi cách ly

Mỗi người là một thành trì

Không may, thời gian bùng dịch từ những người nhập cảnh trái phép lại rơi vào những ngày cận nghỉ Tết dương lịch. Tuy nhiên, đội ngũ y, bác sĩ cho rằng ngày nào cũng là ngày sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Mỗi người là một thành trì, không thể lơ là giây phút nào, dù lễ, tết hay ngày thường.
“Tuy rất mệt, nhưng may mắn tôi có gia đình sau lưng. Những đêm thức trắng xa nhà, tôi được mọi người trong gia đình hiểu và thông cảm. Những ngày đầu năm mới, chúng tôi vẫn trực, vẫn theo dõi tình hình dịch không dám ngơi nghỉ. Chủ yếu mình có nhiệt huyết với công việc hay không, nếu có thì mình không được bỏ ngang”, bác sĩ Châu nói.
Còn anh Hậu chia sẻ: “Thời gian dịch, sống xa nhà là chuyện bình thường. Tôi tạm gác chuyện gia đình lại hết. Khi truy vết F0, anh em không ai yên ổn được, cứ điện thoại reo liên tục. Công an gọi chỗ nào thì anh em lại lên đường đến đó. Còn dịch, tôi mà sợ nữa thì không ai dám làm đâu. Chúng tôi là tuyến đầu mà sợ thì mọi người sẽ chùn chân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.