Cuộc tình đứt đoạn
Vua Duy Tân, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh năm 1900 tại kinh thành Huế. Ông là hoàng nam thứ 8 của vua Thành Thái và bà hoàng phi Nguyễn Thị Định, rồi trở thành vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn.
Khi vua cha Thành Thái bị đưa đi lưu đày vì chống lại ách thống trị của người Pháp, lệ thường, người kế vị vua cha sẽ là con trai trưởng. Tuy nhiên, thực dân Pháp muốn đưa một vị vua còn nhỏ tuổi lên nối ngôi để dễ bề thao túng, vì vậy hoàng tử Vĩnh San, khi đó mới 7 tuổi, là người được chọn.
Ngày 5.9.1907, Vĩnh San đăng cơ, lấy niên hiệu là Duy Tân. Thế nhưng, sự thật lại xảy ra điều người Pháp không mong đợi. Dù tuổi đời còn trẻ, vua Duy Tân lại tỏ ra là người cương nghị, không ngần ngại thể hiện thái độ phản kháng với người Pháp.
Biết Duy Tân là vị vua yêu nước, Việt Nam Quang Phục hội (tổ chức yêu nước do Phan Bội Châu chủ xướng) đã quyết định liên hệ với ông. Theo đó, hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã gặp gỡ và cùng vua Duy Tân bàn mưu khởi nghĩa chống Pháp.
Để dần dần làm nhụt chí vị vua thiếu niên của nước Nam vốn đã có nhiều dấu hiệu tỏ ra không chịu khuất phục, hướng cho vị vua trẻ sa vào thói ăn chơi, hưởng thụ mà quên đi chí lớn, người Pháp xây cho ông một nhà nghỉ mát ở Cửa Tùng (Quảng Trị) để ông ra đó vui chơi, tắm biển. Khoảng năm 1913, đại thần Hồ Đắc Trung đã dẫn các con mình, trong đó có cô Hồ Thị Chỉ, tới đây nghỉ mát và cũng để vua Duy Tân có bạn chơi cùng. Khi ấy vua Duy Tân mới 13 tuổi, còn tiểu thư Hồ Thị Chỉ lên 11.
Quận chúa Hồ Thị Chỉ (sinh năm 1902) khi ấy chẳng những nổi danh về nhan sắc mà còn nức tiếng gần xa về tài học. Mới hơn mười tuổi, bà đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, tiếng Pháp, am hiểu Hán văn.
Ngay từ lần đầu gặp mặt, nhà vua đã bị cuốn hút bởi tài năng cũng như nét duyên dáng của tiểu thư Hồ Thị Chỉ, ngược lại người con gái trang đài cũng thầm cảm mến vị vua trẻ tuổi. Đến ngày phải chia xa, Hồ Thị Chỉ bất ngờ bật khóc. Hiểu được tình cảm của người mình thương mến, vua Duy Tân dặn em gái bà là Hồ Thị Hạnh dỗ dành người chị và hẹn sang năm gặp lại.
Duy Tân là vị vua luôn nặng lòng với việc đưa dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp, vì thế ông từng có ý định sẽ không lấy vợ. Mãi tới năm 1915, sau nhiều lần mẫu hậu thuyết phục, ngài mới miễn cưỡng gật đầu. Hai vị thái hậu đã cho mời quận chúa Hồ Thị Chỉ vào hầu, tặng bà một đôi vòng vàng, cho người dạy dỗ các nghi lễ cung đình và bàn bạc chuyện chọn ngày lành tháng tốt.
Thế nhưng, vua Duy Tân đã đột ngột từ hôn. Ngày nạp phi, người ngồi trên kiệu hoa không phải là quận chúa Hồ Thị Chỉ mà là cô gái có tên Mai Thị Vàng. Nhà vua cũng không đưa ra lý do cho việc từ hôn. Mãi về sau, khi bà Hồ Thị Hạnh (em gái bà Hồ Thị Chỉ) lúc xuống tóc trở thành ni cô Diệu Không, đã tiết lộ: Vào năm 1915, nhà vua đã liên hệ được với các yếu nhân Quang Phục hội là Thái Phiên và Trần Cao Vân để mưu việc khởi nghĩa chống Pháp. Lo sợ việc an nguy sẽ ảnh hưởng tới người mình quý trọng, thương mến, trong khi triều đình không đồng ý hoãn việc nạp phi, bất đắc dĩ vua Duy Tân mới đưa ra quyết định mà hồi ấy hầu hết đình thần đều ngơ ngác, còn ông thì không thể đưa ra lời giải thích công khai.
Cuộc khởi nghĩa do vua Duy Tân cầm đầu thất bại, không may kế hoạch bị lộ, ngày 6.5.1916, vua Duy Tân cùng nhiều chiến sĩ cứu nước khác đã bị thực dân bao vây và bắt giữ, sau đó bị đưa đi đày sang đảo Réunion. Người Pháp đưa Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng của vua Đồng Khánh lên ngôi, lấy hiệu là Khải Định.
Bà hoàng không con và cái kết đắng cuối đời
Hồi ký của sư bà Diệu Không, tục danh Hồ Thị Hạnh (1905 - 1997), em gái bà Hồ Thị Chỉ (Đường thiền sen nở - Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài biên soạn, NXB Lao Động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành, 2009), kể lại:
Năm 1917, Khải Định ngự giá làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Khi ấy, có một nữ sinh xinh đẹp kính cẩn dâng lên ngài một chiếc kéo. Vua cho người hỏi thì mới biết là con gái lớn của ông Hồ Đắc Trung. Một hôm, Khải Định mời ông Hồ Đắc Trung vào cung và nói: Tôi cần một người vợ nói tiếng Pháp rành rọt và giỏi ứng xử ngoại giao để tham gia những sự kiện cơ mật, tìm trong triều ngoài nội, không ai có thể bằng đó là con gái thầy.
Ông Hồ Đắc Trung nghe tin như sét đánh ngang tai vì ông biết cô con gái rất nặng tình với cựu hoàng Duy Tân, không dễ gì chấp nhận. Khi nghe cha nói lại ý định của nhà vua, Hồ Thị Chỉ đã vừa khóc vừa thưa: Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời không lấy ai nữa hết!
Ông Hồ Đắc Trung và con trai là Hồ Đắc Khải đã tính tới nước từ quan, nhưng bà Hồ Thị Hạnh, người em gái thân thiết nhất, nói với chị: "Thầy và anh Khải đều là văn nhân, nay về làm ruộng sao được. Huống nữa còn 4 anh em đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Ngài (Duy Tân) đã vị quốc gia, vậy sao chị không vị gia đình như Ngài đã hy sinh
vì nước?".
Thế rồi sáng hôm sau, với đôi mắt còn sưng vì khóc cả đêm, quận chúa Hồ Thị Chỉ đồng ý trở thành hậu phi của vua Khải Định.
Sau khi vào cung, quận chúa Hồ Thị Chỉ trở thành Nhất giai Ân phi, ngôi vị cao nhất trong hàng "cửu giai" triều Nguyễn. Bà thường xuyên tháp tùng đức vua trong các buổi đón tiếp quan khách, sứ thần nước ngoài. Nhờ đó, Ân phi nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Bà cũng trở thành mẹ trên danh nghĩa của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của VN.
Mặc dù vậy, sau khi Khải Định mất, vua Bảo Đại đã không sắc phong tước hiệu cho bà. Lúc này Ân phi Hồ Thị Chỉ buộc phải ra khỏi hoàng cung, đến sống tại An Định hành cung.
Cuộc đời thăng trầm cay đắng, dang dở tình duyên với vua Duy Tân, rồi trở thành Ân phi của vua Khải Định nhưng lại không có con, bà phiền muộn âu sầu, mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần, sống đơn độc đến năm 1985 thì qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Bình luận (0)