Cuộc hôn nhân trai tài gái sắc
Bà Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) là công chúa nhà Hậu Lê và là thứ hậu của vua Quang Trung, nhà Tây Sơn. Bà là con gái vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền.
Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, treo cờ "phù Lê diệt Trịnh". Dẹp xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ đưa tướng sĩ vào cung yết kiến vua Lê Hiển Tông. Từ mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh (một vị tướng Bắc Hà theo về nhà Tây Sơn), Nguyễn Huệ (năm đó 33 tuổi và đã lập chính thất) hợp hôn cùng công chúa Ngọc Hân (mới 16 tuổi).
Cuộc hôn nhân của đôi trai tài gái sắc mang màu sắc một sự kiện dàn xếp chính trị giữa nhà Lê và nhà Tây Sơn. Tuy vậy, sau một thời gian sống cùng nhau, Nguyễn Huệ rất hài lòng trước cách ứng xử thông minh, gia giáo của nàng công chúa họ Lê và hai người đã có những năm tháng hạnh phúc. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, Ngọc Hân công chúa được phong làm Bắc cung hoàng hậu.
Tiếc thay, cuộc hôn nhân chưa tròn 6 năm thì Nguyễn Huệ đột ngột qua đời. Nàng Ngọc Hân lá ngọc cành vàng trở thành góa bụa. Con trai của bà Chính cung hoàng hậu là Quang Toản lên nối ngôi vua cha, lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Nhà Tây Sơn bước vào thời kỳ suy thoái, những rạn nứt nội bộ bắt đầu lộ dần và ngày càng trầm trọng, trong khi bên ngoài Nguyễn Ánh đã tập hợp lực lượng, liên tục phản công, tiến đánh từ phía Nam, gây cho quân Tây Sơn nhiều tổn thất.
Chồng mất, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân thấy mình không còn chỗ dựa, đưa các con ra khỏi cung điện về sống ở chùa Kim Tiền, bên cạnh điện Đan Dương (nơi gìn giữ thi hài Nguyễn Huệ), an phận thờ chồng, nuôi con. Bảy năm sau, năm Kỷ Mùi (1799), sau bao nhiêu sầu muộn, bà công chúa nhà Lê tạ thế, lúc mới 29 tuổi. Vua Cảnh Thịnh sai Phan Huy Ích làm sách văn dâng thụy cho bà là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu. Các con của Ngọc Hân cũng vắn số, lần lượt qua đời: hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, công chúa Ngọc Bảo mất năm 1802, khi mới 12 tuổi.
Cái chết của Ngọc Hân công chúa và 2 người con của bà với vua Quang Trung khi còn quá trẻ đã gây ra nhiều nghi vấn, khiến các học giả đời sau đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, có khi trái ngược.
Trong cuốn Thi văn bình chú (Nhà xuất bản Tân Dân, 1942) Ngô Tất Tố cho rằng, vào năm Tân Dậu (tức 1801), Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh dẫn hoàng tộc và quần thần tháo chạy ra Bắc. Khi đó, Ngọc Hân công chúa cùng con thay tên đổi họ lánh vào Quảng Nam, song chưa được bao lâu thì bị nhà Nguyễn bắt về Phú Xuân, sau đó đem xử trọng hình.
Thế nhưng, chính Thượng thư bộ Lễ triều Tây Sơn Phan Huy Ích (1751 - 1822), người được Cảnh Thịnh giao nhiệm vụ soạn 5 bài văn tế bà Ngọc Hân, trong Dụ Am thi văn tập chép đầy đủ các bài văn tế cùng năm mất của bà là 1799.
Thêm nữa, gia phả của dòng họ Nguyễn Đình tại làng Phù Ninh, Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết Ngọc Hân công chúa mất vào ngày 8.11 năm Kỷ Mùi, tức ngày 4.12.1799, hơn 2 năm trước khi Nguyễn Ánh chiếm lấy Phú Xuân.
Sau khi Ngọc Hân và hai con qua đời, mẹ bà đã bất chấp hiểm nguy, nhờ một người nguyên là Đô đốc nhà Tây Sơn bí mật đem hài cốt của 3 mẹ con Ngọc Hân vượt biển về quê ngoại. Ngày 16.7.1804, bà Chiêu nghi bí mật an táng hài cốt Ngọc Hân và hai con tại bãi Cây Đại (bãi Đầu Voi), ở rìa làng Nành, xã Phù Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, H.Gia Lâm, Hà Nội.
Đến đời vua Thiệu Trị, sự việc bị phát giác, triều đình phái người trị tội. Miếu thờ bị đập phá, phần mộ 3 mẹ con Ngọc Hân bị quật lên, hài cốt đưa xuống thuyền đem đổ xuống sông Dâu.
Tương truyền, hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng, đến ghềnh ở làng Lâm Hạ, xã Phú Viên, H.Gia Lâm, Hà Nội thì dừng lại. Người dân rước vào bãi sông chôn cất rồi lập đền thờ. Để che giấu, đền thờ Ngọc Hân được gọi là đền Mẫu, người đời sau gọi là đền Ghềnh. Tương truyền đền rất thiêng, luôn được người dân sớm hôm hương khói.
Câu ca oan nghiệt
Ngọc Hân công chúa có người em cùng cha khác mẹ là Ngọc Bình công chúa (1785 - 1810), con út của vua Lê Hiển Tông với bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Ngọc Bình nổi tiếng xinh đẹp, dân gian lưu truyền rằng trên người nàng có một mùi hương tỏa ngát vô cùng quyến rũ. Năm 1795 công chúa khoảng độ 11 tuổi, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân muốn hướng hậu thân nhà Tây Sơn về Bắc Hà nên mai mối Ngọc Bình cho Quang Toản, con trưởng vua Quang Trung.
Năm 1792, sau khi vua Quang Trung qua đời, Quang Toản lên nối ngôi, phong Ngọc Bình làm Chính cung hoàng hậu. Bà sống 6 năm trong cung nhưng không có con.
Năm 1801, Nguyễn Ánh đưa quân đánh chiếm Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh thua trận bỏ chạy ra Bắc. Hoàng hậu Ngọc Bình kẹt lại Phú Xuân. Khi người dưới trướng bắt được Ngọc Bình, đem dâng nàng lên Nguyễn Ánh, vừa nhìn thấy bà, Nguyễn vương đã say mê và ra lệnh đưa bà vào hậu cung bất chấp những lời can ngăn của bề tôi.
Số phận đưa đẩy trớ trêu, nàng công chúa nhà Lê làm Chính cung hoàng hậu của Cảnh Thịnh, ông vua cuối cùng triều Tây Sơn, lại trở thành hậu phi của vua đầu triều Nguyễn. Vì vậy mà có câu ca dao:
Số đâu có số lạ lùng
Con vua lại lấy hai chồng làm vua.
Chuyện như vậy, nhưng người đời lại vô tình hay hữu ý, gán ghép câu ca dân gian trên cho bà Ngọc Hân. Nhầm lẫn oan khiên này kéo dài khá lâu, cho đến khi người ta tìm thấy trong bộ sách Quốc sử di biên (do Phan Thúc Trực soạn từ năm 1851 - 1852) có chép những dòng như sau:
"Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)... Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…".
Cuộc đời Ngọc Hân công chúa thêm một lần nữa khiến người đời sau nhắc đến câu "hồng nhan đa truân" và tỏ nỗi niềm thông cảm với một bà hoàng - mỹ nhân có số phận long đong bậc nhất trong sử Việt. (còn tiếp)
Bình luận (0)